.

Chăm lo về văn hóa nghệ thuật

Trong buổi làm việc của UBND thành phố với Sở VH-TT và Du lịch mới đây, đồng chí Trần Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã có mấy quyết định quan trọng liên quan đến hoạt động văn hóa nghệ thuật. Theo tôi, đó là những động thái mang tính căn cơ, cho thấy đang có những đổi mới trong chỉ đạo về một lĩnh vực mà lâu nay được coi như thế yếu của thành phố.

Lãnh đạo Đà Nẵng đã dành riêng một cuộc họp để nghe trình bày các khó khăn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và đi đến quyết định đầu tư hơn một tỷ đồng từ ngân sách để trang bị phương tiện vận chuyển thiết bị, đạo cụ khi đoàn lưu diễn; hỗ trợ trực tiếp cho diễn viên, nhân viên khi đoàn biểu diễn; đầu tư cho việc dàn dựng các vở mới và quảng bá các hoạt động của nhà hát ra công chúng… Các chi phí về điện, nước, vệ sinh, bảo vệ cũng được ghi vào dự toán để thẩm định, duyệt cấp từ ngân sách. Một số trang thiết bị thiết yếu cho Nhà hát Tuồng đã lạc hậu, hư hỏng như hệ thống ánh sáng, trang phục, ghế ngồi... cũng được quan tâm đầu tư. Bảo hiểm cháy nổ cho nhà hát, chế độ chính sách cho người lao động trong lĩnh vực sân khấu truyền thống được đặc biệt quan tâm…

Ai cũng biết, việc bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật dân tộc như sân khấu Tuồng đã được các nhà lãnh đạo chính trị cao cấp nhất của nước ta rất quan tâm. Nhưng đầu tư cụ thể theo “từng món” như trên đòi hỏi các cấp có sự quan tâm rất cụ thể và căn cứ vào Luật Ngân sách đôi khi khá khắc nghiệt. Các Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (ĐN) và Đào Tấn (Bình Định) lại không chỉ là một gánh hát, nó còn là lò đào tạo diễn viên, là sân khấu mang tính kinh viện của hai cái nôi từng sản sinh và phát triển bộ môn nghệ thuật độc đáo này trong lịch sử. Tuy vậy, để có được một tuồng mới, một buổi diễn trước công chúng, những nghệ sĩ, nhà quản lý yêu nghề đôi khi đã phải tủi thân vì sự ngặt nghèo về kinh phí.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã yêu cầu các Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ngoại vụ thiết lập cho được việc giao lưu quốc tế giữa Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh với các đoàn nghệ thuật nước ngoài, đặc biệt là các đoàn nghệ thuật dân tộc Hàn Quốc; để tạo ra một hoạt động giao lưu thực chất. Giao lưu với các nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản cũng nên được đặt ra và nếu cần, Đà Nẵng có thể đăng cai tổ chức một liên hoan sân khấu dân tộc hằng năm thuộc các nước ASEAN như đã làm thành công với những cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế...

Ngoài ra, để nghệ thuật Tuồng mang lại sức sống mới trong giới trẻ, lãnh đạo thành phố và ngành giáo dục cần nghiên cứu đưa vào chương trình giảng dạy văn học địa phương của các cấp học các kiến thức cơ bản về sân khấu Tuồng và tổ chức cho học sinh dự xem các trích đoạn cần thiết. Học sinh Trung Quốc tuy cũng hát karaoke những loại nhạc mới, nhưng đồng thời nhiều em cũng diễn và hát được kinh kịch, hay gần hơn, các em học sinh ở các tỉnh Nam Bộ cũng hát được vọng cổ và nhiều làn điệu dân ca vì có vai trò của giáo dục...

Bên cạnh các nội dung liên quan đến Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, lãnh đạo thành phố cũng có những quyết định khác như trùng tu đình làng Bồ Bản, Hòa Mỹ, thí điểm xây dựng trung tâm văn hóa cấp quận ở khu An Trung (Sơn Trà) theo hình thức BOT... Để những quyết định của thành phố biến thành hiện thực, rất cần sự theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện của các địa phương và cơ quan chuyên môn.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
;
.
.
.
.
.