.
Chuyện xưa xứ Quảng

Chuyện về một “Quan y sư” người Quảng

Lương Trọng Hối, người làng Đồng Thành, nay thuộc xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, là một vị quan được nhân dân địa phương trọng vọng vì bản tính hiền hòa, thanh liêm, lại cứu được nhiều bệnh ngặt nghèo nhờ tài bốc thuốc.

Chuyện kể, năm 1926, khi làm tri phủ huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, ông đã xử một vụ án nổi tiếng. Có hai anh em nhà nọ tranh giành nhau một đám ruộng do cha mẹ để lại. Cuộc tranh giành đến hồi quyết liệt; ai cũng muốn thắng bằng mọi giá; vì thế đều tìm cách hối lộ cho quan để được thắng kiện. Quan tri phủ Lương Trọng Hối đã gặp riêng từng người và đòi mỗi người một số tiền lớn - lớn hơn cả giá trị thực của đám ruộng - và hứa sẽ xử cho họ thắng kiện. Vì lòng hiếu thắng, cả hai đều bằng lòng với giá hối lộ mà quan phủ đưa ra.

Trong phiên xử, ông Phủ Hối đã chia mảnh ruộng làm hai, xử cho mỗi người được hưởng một nửa. Quan bảo: “Trong phiên tòa này, người thua là người không được một tí gì cả. Nhưng, hôm nay, cả hai anh em nhà anh đều thắng, vì ai cũng được ruộng”. Nói xong ông Phủ đem hai gói tiền mà hai người đã hối lộ trưng ra cho mọi người thấy rồi trả lại cho họ và bảo: “Chúng bay đã mù quáng, háo thắng đến độ quên cả thiệt hơn. Để được ruộng, bay đã quên giá trị của đám ruộng, quên tình nghĩa, quên đạo lý, quên lòng hiếu đễ với cha mẹ”.

Hai anh em ngớ người ra rồi ôm nhau khóc vì hối hận. Họ bái lạy vị quan thanh liêm đã dạy cho họ một bài học đạo lý làm người sâu sắc, nhớ đời.

Không những làm quan thanh liêm, sáng suốt, cụ Cử Lương Trọng Hối còn là một thầy thuốc giỏi. Nhân dân trong địa phương nơi ông làm quan và ở quê ông, nhiều người đã được ông cứu sống. Ông đã viết một số sách về y học, nổi tiếng nhất là hai quyển: “Thương hàn trị liệu” và “Bệnh thương hàn và cây thuốc nam”. Ông được các lương y của Quảng Nam tín nhiệm bầu làm Hội trưởng Hội Đông y từ thời kháng chiến chống Pháp cho đến cuối đời. Dân địa phương nơi ông đương nhiệm thường gọi ông một cách mến mộ là “Quan y sư”.

Lương Trọng Hối sinh năm 1888. Cha ông là Cử nhân Lương Trọng Tuân, người đã có nhiều công lao trong việc xây dựng Trường Quốc học Huế năm 1896. Năm 1905, Lương Trọng Hối tham gia phong trào Duy Tân ở quê nhà. Năm 1908, tham gia cuộc biểu tình kháng thuế ở Quảng Nam nên bị bắt kêu án 18 tháng giam ở nhà lao Hội An. Do tuổi nhỏ, 6 tháng sau ông được tha. Sau đó ông ra Huế học chữ Hán và chữ Pháp.

Trong thời gian ở Huế, ông đã cưu mang con gái lớn của Phan Châu Trinh là bà Phan Thị Châu Liên. Ông đưa bà Châu Liên, lúc này mới 9-10 tuổi ra Huế để dạy kèm cho học chữ quốc ngữ ở Nhà Hội Quảng Nam tại Huế, rồi đưa vào học ở Trường Đồng Khánh. Năm 1918, ông đỗ Á khoa tại kỳ thi Hương ở trường thi Bình Định. (Đây là khoa thi cuối cùng của Nho học nên hai trường Thừa Thiên và Bình Định được thi chung).

Năm 1920, ông vào học ở trường Hậu bổ Huế. Ra trường ông được bổ làm Tri phủ Hàm Tân (Bình Thuận). Trong thời gian làm quan ở phủ Hàm Tân ông đã lén lút giúp đỡ cho những người tù Côn Đảo vượt biển vào đất liền. Năm 1926, khi cụ Phan Châu Trinh về Sài Gòn rồi chuẩn bị về Trung Kỳ vận động cho việc xóa chế độ quân chủ, phát hành các tờ báo tiến bộ thì Lương Trọng Hối là người phụ trách tổ chức đón tiếp và vận động tham gia các hoạt động ở khu vực Nam Trung Kỳ. Rất tiếc do sức khỏe, cụ Phan đã không thực hiện được chuyến đi.

Do những hoạt động yêu nước mà Lương Trọng Hối bị Chánh Sở mật thám Trung Kỳ là Sogny thường xuyên theo dõi và báo cáo về Phủ Toàn quyền.

Với tài xử án thanh liêm, năm 1937 Lương Trọng Hối được triệu về kinh giữ chức Tá lý rồi Thị lang và Tham tri Bộ Hình. Năm 1944, ông về hưu thì năm sau, chính phủ Trần Trọng Kim mời ông làm Tuần vũ Quảng Ngãi.

Sau năm 1945, ông đã đảm trách nhiều chức vụ quan trọng: Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Quảng Nam, Hội trưởng Hội Đông y tỉnh.

Sau năm 1954, trong thế chẳng đặng đừng, ông phải làm dân biểu một thời gian. Sau đó  ông đã chuyển qua làm văn hóa với chức Giám đốc Viện Hán học Huế và Hội trưởng Hội Đông y tỉnh Quảng Nam.

Ông mất năm 1969 và an táng tại Đà Nẵng. Đến ngày 11 tháng 4 năm Ất Hợi (1995), gia đình đưa hài cốt ông về táng tại Quế Sơn. Người dân Quế Sơn quê ông vẫn luôn nhắc đến chuyện: Nhờ uy tín và sự vận động của ông mà Quế Sơn có một trường trung học công lập sớm hàng đầu của tỉnh Quảng Nam, xây dựng từ năm 1958.

Nhiều người lớn tuổi của Quế Sơn vẫn còn nhớ bài thơ “Một gánh dân quyền” nổi tiếng của ông làm năm 1908, khi tham gia phong trào kháng thuế, bị bắt giam ở nhà lao Hội An, lúc ông mới 20 tuổi:

Sang trọng như ta có hội này,/ Khi dinh Quan tỉnh, lúc lầu Tây./ Giữa ngọ cơm xơi: buồng khép kín,/ Sang dần lính chực: súng giăng dây./ Nghiêng vai chung đỡ trời Âu Việt,/ Xỏ cẳng ngồi xem cuộc gió mây./ Nghĩ mình nhò nhỏ chưa chi mấy,/ Một gánh dân quyền nắm lại đây.  

Lê Nam Quảng
;
.
.
.
.
.