.
Chuyện xưa xứ Quảng

Tết kiểu... Phan Khôi

.

Những năm 1928 – 1930, Phan Khôi và Diệp Văn Kỳ cùng phụ trách mục Câu chuyện hằng ngày và ký chung bút danh Tân Việt trên Đông Pháp thời báo và sau đó trên báo Thần chung. Cũng khó mà căn cứ vào giọng văn từng bài (trong mục này) để định đoán tác giả thực là ai. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã biên soạn, sưu tầm loạt bài này, ghép chung với loạt bài sau đó và in thành sách có tựa là “Phan Khôi – tác phẩm đăng báo”. Do đó, những gì nói về Tết dưới đây hãy cho là theo kiểu... Phan Khôi.

Nhập tịch làng Quán Khái Đông để trẻ mãi mà viết báo

 

Báo Tiếng dân số 244 ra ngày 20-12-1929 đưa tin hết thảy 388 người dân làng Quán Khái Đông, tổng Phú Triêm, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) kêu rằng trong giấy thuế năm 1929 do quan trên báo về, người nào cũng tuổi y như năm ngoái. Nghĩa là ai năm 1928 là 30 tuổi thì một năm sau cũng vẫn 30 tuổi, không phải là 31 tuổi theo như lệ thường.
Trong bài “Năm nay sẽ có Tết hay không?” đăng trên báo Thần chung số 288 ra ngày 5 và 6-1-1930, Phan Khôi (dưới bút danh Tân Việt) nhắc lại tin trên và hạ ngay một câu: “Lạ cha chả là lạ!”.

Không lạ sao được, vì theo ông, năm rồi họ ăn Tết như thế là tầm bậy: “Lẽ đáng không ăn Tết mới phải. Vì nếu có Tết thì một người đã thêm lên một tuổi”.

Cái sự lạ đời do hành chính quan liêu này đã được ông đưa lên bàn cân xem lợi hại thế nào. Nếu không Tết thì người đóng thuế cứ trẻ ra hoài mà cắm đầu đóng thuế mãi cho đến... chết, như vậy thì chính phủ được lợi. Nhưng ngặt nỗi, nếu không có Tết thì lịch không sang năm mới và nhà nước sẽ không thu được thuế mới, như vậy, trở lại hại cho chính phủ!

Gác cái sự lợi hại đó đi, ông cho rằng trẻ mãi không già là cảnh tượng của đời thái bình như sách xưa đã nói “đời thái bình thì người ta không già”. Ông ước ao ai cũng được như dân làng Quán Khái Đông cả thì sướng lắm, mãi mãi tuổi ba mươi thì dầu không ăn Tết cũng chẳng hại chi. Rồi kết bằng một câu cà rỡn rất Quảng Nam theo kiểu Phan Khôi: “Tân Việt nầy cũng muốn nhập tịch làng Quán Khái Đông để cứ trẻ hoài mà viết câu chuyện hằng ngày chơi!”.

170.-tet-theo-kieu2.jpg
Phan Khôi (1887-1959) từng viết “Câu chuyệnhằng ngày”trên Đông PhápThời báo và báoThần chung.

 

Học Tây về... xin xăm ta

Trong bài “Đoán xăm năm mới” đăng trên báo Trung lập số 6337 (ngày 2-1-1931), Phan Khôi (với bút danh Thông Reo) thể hiện một góc nhìn khác về tục xin xăm ngày Tết.

Lúc 1g30 ngày 1-1-1931, có vợ chồng một khách sang đi xe hơi tới gõ cửa nhà ông. Ông vén màn cửa nhìn ra, đó là ông bà Còm-mi. Còm-mi là tay thanh niên Việt, năm ngoái, năm kia còn du học bên Pháp. Khách gọi ông là thầy, tỏ ra áy náy vì khuấy rối giấc ngủ của ông và nhờ ông đoán giùm lá xăm mà khách vừa xin ở Lăng Ông sau khi cúng giao thừa.

 

Mô tả ảnh.

Kể đến đây, ông kêu trời: “Úy chôi cha trời đất quỷ thần ôi! Tôi nghe nói mà bắt nghẹn, vì cái gì kỳ cục quá!”.
Rồi viết tiếp: “Quá kỳ cục, bởi thông thường thì cúng Giao thừa hay là cúng Hành khiển là cúng vào đêm cuối năm An Nam kia, theo âm lịch kia. Chớ cái nầy tối 31, rạng mặt 1er Janvier (ngày 1 tháng 1 – ĐNCT) 1931, rõ ràng là dương lịch chẻm bẻm, mà cúng Giao thừa cái gì? Lại còn xin xăm nữa, lại còn bắt đoán xăm nữa, mới trặc họng (1) cho chớ!”.

 Gặp tình huống này thì đa mưu túc trí như Khổng Minh đời xưa cũng... bó tay, huống gì ông.

Trên mặt báo, Phan Khôi có dịp là phê phán thói mê tín dị đoan, như trong bài “Mấy chục năm nữa, thì An Nam mình bỏ tục ăn Tết?” (đăng trên Thần chung số 306 ra ngày 5-2-1930): “Tết vừa rồi, tuy là cổ động bỏ Tết, chớ các báo cũng cứ nghỉ như mọi năm thường, nghỉ đến rạng mặt mùng sáu mới bắt đầu làm việc. Hỏi ra mới biết là bởi ấn công không chịu đi làm bữa mùng năm, ngày xấu”.

Cánh thợ in tin mùng năm là “ngày xấu” thì còn được, chứ ôm sách qua học tận trời Tây mà như thế thì: “Thiệt rõ là đồ yêu quỷ chi chi, chớ không phải con Rồng cháu Tiên. Ờ, chớ chi họ thủ cựu, lúc thúc trong xó bếp đầu hè, thì họ tin nhảm tin nhí, họ cúng quan sát, họ cúng ông chuồng bà chuồng, họ rước thầy bói coi giò xủ quẻ cho cam. Cái nầy đã lặn lội qua Tây qua U, trịn (2) mòn ba cái ghế nhà trường, mà về đây, phải chi ăn Tết An Nam thì còn chưa mấy quái, lại ăn tết theo Tây mà cúng Giao thừa xin xăm Lăng Ông, thì thiệt tôi chỉ trông có thiên lôi đánh chết đi cho rảnh kiếp!”.

Tết, đọc lại Phan Khôi qua những bài “hài đàm”, nhàn đàm, thấy ông “mổ xẻ” các đề tài thời sự ngày đó bằng giọng điệu bỡn cợt, hài hước, mỉa mai rất Quảng. Tuy lắm lúc hơi chua cay một chút, nhưng được cái là nói đi thẳng vào lòng người.

VĂN THÀNH LÊ

Chú thích của Lại Nguyên Ân:
(1) Trặc họng (hoặc trặc bản họng): nghĩa đen là trẹo cổ, nghĩa bóng là ngược đời, vô lý, cũng có nghĩa là sôi máu, sôi tiết (ví dụ: tức muốn trặc họng). (Theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)
(2) Trịn: cũng như ngồi, ngồi bệt, ngồi dính.

;
.
.
.
.
.