.
Cửa sổ tri thức

Về câu đối được cho là của Cao Bá Quát

.
* Gần đây, tôi nghe có người đã dẫn tài liệu để chứng minh rằng câu đối “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” không phải là của Cao Bá Quát. Xin quý báo nói rõ hơn về vấn đề này. (Nguyễn Minh, Hội An, Quảng Nam).

Mô tả ảnh.
Mai là biểu tượng của vẻ đẹp trong sáng, thanh tao, của tinh thần kiên cường bất khuất. (Ảnh minh họa của VTL)
- Lâu nay, hầu hết các sách báo, tài liệu đều cho rằng hai câu đối “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Giao hảo mười năm tìm kiếm cổ/ Một đời chỉ cúi trước hoa mai) là của Cao Bá Quát.

Từ điển Bách khoa toàn thư (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam), tại mục từ Hoa mai có đoạn: “Mai là biểu tượng của vẻ đẹp trong sáng, thanh tao, của tinh thần kiên cường bất khuất. Với ý nghĩa đó, những nhà văn hóa Việt Nam như Nguyễn Du đã từng viết: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, Cao Bá Quát: “Bái phục một hoa mai”, và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngẩng đầu, Mặt Trời đỏ; Bên suối, một cành mai”.

“Bái phục một hoa mai” chính là giảng nghĩa cụm từ “bái mai hoa” trong câu đối đang xét.

GS Vũ Khiêu trong sách Thơ văn Cao Bá Quát (Nhiều tác giả, NXB Văn học, 1984) cũng dẫn câu đối này và bình: “Hai câu đối rất được truyền tụng này của Cao Bá Quát đã phản ánh đầy đủ tinh thần phản kháng của ông. Chúng vừa nói lên khí phách anh hùng, quyết tâm đứng lên trừ bạo cứu dân, vừa bộc lộ một tâm hồn trong sạch thanh cao, đẹp như hoa mai trắng”.

Tuy nhiên, Tảo Trang trong “Một số tư liệu về thơ văn Cao Bá Quát” (Tạp chí Văn học số 38 tháng 2 năm 1963) và Hoa Bằng trong “Một vài tìm tòi về đôi câu đối tương truyền là của Cao Bá Quát” (Tạp chí văn học số 134 tháng 3-4 năm 1972) đã nói khác. Hai tác giả đã dẫn nội dung trong cuốn “Yên thiều bút lục” của Nguyễn Tử Giản (sách viết tay của Thư viện Khoa học Trung ương, số A.852 tờ 18a-b) để chứng minh câu đối đang xét không phải của Cao Bá Quát mà là của Tri phủ Hán Dương nhà Thanh là Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tư Giản (1823-1890) khi ông này đi sứ sang Tàu.

Theo “Như Thanh nhật ký” (tác phẩm của tập thể Sứ bộ tâu báo lên nhà vua sau khi hoàn thành chuyến đi sứ sang Thanh), năm Mậu Thìn (1868) vua Tự Đức cử đoàn Sứ bộ sang triều cống nhà Mãn Thanh gồm: Chánh sứ Lê Tuấn, Phó sứ thứ nhất Nguyễn Tử Giản và Phó sứ thứ hai Hoàng Tịnh. Khi đến huyện thành Hà Dương, tỉnh Hồ Bắc, Sứ bộ Việt Nam được viên Tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ đón tiếp và tặng ba vị Chánh, Phó sứ, mỗi người một câu đối riêng. Câu đối tặng cho Nguyễn Tư Giản chính là câu đang xét.

Như vậy, câu đối nói về chuyện “bái phục một hoa mai” xuất hiện vào năm 1868, thế nhưng, 14 năm trước đó, họ Cao đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương bất thành (Giáp Dần 1854) thì làm sao có thể sáng tác ra câu đối bất hủ này?

Nói thêm, hiện có một số tài liệu cho rằng câu đối đang xét là hai câu sau của một bài tứ tuyệt của Cao Bá Quát (như Từ điển Bách khoa toàn thư Wikipedia): “Kinh thế hữu tài giai bách luyện/ Độc thư vô tự bất thiên kim/ Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Hai câu đầu nghĩa là: Người làm kinh bang tế thế (muốn) có tài phải qua trăm luyện/ Kẻ đọc sách không (hiểu) chữ thì không thành ngàn vàng.

Rõ ràng đây chỉ đơn thuần là một sự gán ghép. 4 câu nói trên không thể là một bài thơ Đường luật hoàn chỉnh, bởi nó mắc hai lỗi cực kỳ quan trọng trong luật Đường thi: Thất vận (câu 2 không bắt vần với câu 4) và thất niêm (chữ thứ hai câu 2 không cùng thanh với chữ thứ hai câu 3).

ĐNCT
;
.
.
.
.
.