.

Đầu tư công nghiệp

Một trong 5 hướng đột phá chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng được Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố xác định là “phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin” nhằm góp phần tăng hàm lượng “chất xám” trong sản xuất công nghiệp. Để thực hiện hướng đột phá này, luôn cần những giải pháp mang tính khả thi cao …

Trong những lần tiếp xúc với các quan chức cũng như giới đầu tư nước ngoài những năm gần đây, lãnh đạo thành phố dành một phần lớn thời lượng ưu tiên cho việc bày tỏ quan điểm tập trung cho phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin (CNC, CNTT) cũng như giới thiệu, mời gọi đầu tư vào các dự án 2 khu công nghiệp. Điều này luôn thu hút được sự quan tâm rất lớn, nhất là đối với những quốc gia có nền công nghiệp phát triển và đang có xu hướng đầu tư mạnh cho nền công nghiệp xanh, thân thiện môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Để thể hiện quyết tâm này, Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2011 của kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố khóa VII cũng đã nêu rất cụ thể; trong đó, cùng với việc tập trung kêu gọi đầu tư để phát triển các khu công nghiệp hiện có thì thành phố “đồng thời triển khai xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao (1.010ha) tại Hòa Liên và Khu Công nghệ thông tin tập trung (131ha) tại Hòa Liên theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ”. Đây chính là những động thái tích cực nhằm thu hút các nhà đầu tư, biến chủ trương của Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố thành hiện thực trong tương lai gần; qua đó góp phần tạo nên chuyển biến tích cực trong hướng đầu tư cho công nghiệp của thành phố.

Theo đó, trong định hướng phát triển công nghiệp 5 năm đến, những nhóm sản phẩm thiết bị điện, điện tử, dược, phần mềm tin học, vật liệu mới, công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác… là lựa chọn ưu tiên trong việc thu hút đầu tư phát triển; đặc biệt là nâng cao chất lượng và số lượng để khẳng định thế mạnh của công nghệ thông tin và truyền thông. Những chính sách cụ thể cũng đã được đưa ra nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ; các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp; miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, các nguồn năng lượng sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp...); tạo ra những mô hình doanh nghiệp xanh, tăng trưởng sạch, bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Đây chính là những giải pháp cơ bản, chủ yếu để trên cơ sở đó, thành phố nhanh chóng hình thành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh…

Thế nhưng, những định hướng đó cần phải đi kèm với những giải pháp mang tính đồng bộ, từ kêu gọi đầu tư, thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi, nhìn lại giai đoạn 2005-2010, vấn đề phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại cũng đã được đưa ra, nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt. Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố lúc đó đã xác định “Phát triển công nghiệp có chọn lọc, tập trung vào những ngành hàng và sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao, coi trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.
 
Phát triển công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố”. Đánh giá lại việc thực hiện chủ trương này, bên cạnh những kết quả như “sản phẩm phong phú, đa dạng; tỷ trọng chế biến, chế tác trong sản phẩm được nâng lên; các sản phẩm chủ lực được đầu tư phát triển; một số ngành đạt tốc độ tăng trưởng cao, như sản xuất vật liệu kim loại, phi kim loại, điện-điện tử, hóa chất”, Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố  đã nhấn mạnh rằng “công nghiệp chủ yếu vẫn là gia công, sơ chế, giá trị gia tăng thấp”.

Từ thực tế đó cho thấy, để thực hiện có hiệu quả hướng đột phá về CNC, CNTT, thì không chỉ có quyết tâm, mà phải có những cách làm cụ thể, thiết thực hơn nữa. Đó là, cùng với việc kêu gọi và lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực về vốn và công nghệ, thực hiện những chính sách khuyến khích trong đầu tư, tạo sự quan tâm và niềm tin về chủ trương lớn của thành phố…thì phải đào tạo một đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này. Bởi, lợi thế về giá nhân công rẻ đang có xu hướng chuyển sang lợi thế về chất lượng nhân công có tay nghề cao, được đào tạo theo chuẩn, nhất là trên lĩnh vực công nghiệp có hàm lượng “chất xám” và giá trị gia tăng cao.

Anh Quân
;
.
.
.
.
.