.

Giá của mạng sống

.
Xã hội nên có một cái nhìn đúng đắn với người thầy thuốc trong cuộc chiến giành giật lại cuộc sống cho người bệnh.

Mô tả ảnh.
Cái tâm của thầy thuốc quyết định sự sống hay cái chết của bệnh nhân. TRONG ẢNH: Một ca phẫu thuật tim tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Nẵng. (Ảnh: VTL)
 
Một phụ nữ bồng con tím tái vì hóc hột me trong họng đến bác sĩ. Chỉ một phút nữa thôi thì đứa bé lìa đời. Vị bác sĩ úp bụng đứa bé lên tay này, và dùng tay kia vỗ mạnh vào lưng bé khiến hột me văng ra. Đứa bé thoát chết trong gang tấc.

Kể lại câu chuyện trên, bác sĩ Phan Xuân Trung, công tác tại Trung tâm Y khoa Medic (TP. Hồ Chí Minh), chủ nhiệm website ykhoa.net, nêu câu hỏi: Người mẹ sẽ trả công cho vị bác sĩ đó như thế nào?

Giá của 30 giây

Có giai thoại kể rằng, Vincent Van Gogh, họa sĩ thiên tài người Hà Lan, một hôm được một mệnh phụ phu nhân đến nhờ vẽ một bức tranh hoa diên vĩ. Ông cầm cọ và khoảng 30 giây sau đã hoàn thành tác phẩm. Khách hỏi giá, ông bảo 500 gulden (tiền Hà Lan). Khách tròn mắt: Trời! Chỉ 30 giây mà sao tiền công đắt thế?

Ông lặng lẽ đưa khách vào một gian phòng bày la liệt hàng nghìn phác thảo toàn tranh hoa diên vĩ, phân trần: Thưa bà, để có 30 giây đó, tôi đã phải miệt mài hàng chục năm trời vẽ phác thảo. Khách không nói gì thêm, hoan hỉ trả gấp ba lần cái giá mà họa sĩ thiên tài đưa ra.

Trở lại với câu chuyện ở đầu bài. Bác sĩ Phan Xuân Trung nói nửa đùa nửa thật rằng “năng lượng cho việc vỗ ngực đứa bé chỉ bằng năng lượng sinh ra từ một hột cơm. Người mẹ có thể trả cho bác sĩ… 2 hột cơm cũng là dư rồi”. Cũng như Van Gogh vẽ tranh, vị bác sĩ này đạt được kỹ năng cứu sống đứa bé trong 30 giây sau khi đã bỏ ra biết bao trí tuệ, công sức. Thế nhưng, rất tiếc, giá trị lao động ở một số lĩnh vực đặc thù lâu nay đã không được nhìn nhận một cách đến đầu đến đũa như thế.

Lương y Phan Công Tuấn, Phó TBT Tạp chí Cây thuốc quý (Hội Dược liệu Việt Nam), Tổng Thư ký Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng, có lần thấy một ông bạn bị nấc cụt vì có uống chút bia rượu, bảo: Bệnh của anh, tôi chữa chỉ 30 giây.

Nấc cụt tuy không nguy hiểm, nhưng rất khó chịu, có khi kéo dài nhiều giờ hoặc nhiều ngày, gây ảnh hưởng đến các động tác ăn, uống, nói, thở, ngủ... Qua lý luận của riêng mình cộng với nghiên cứu sách vở Đông y cổ điển, lương y Tuấn đã dùng phương pháp đốt cứu huyệt Quan nguyên (vốn được coi là nơi hội tụ của nguyên khí, ở dưới rốn 3 đồng thân thốn, tức khoảng 5-6cm) của người bệnh và làm dứt cơn nấc chỉ trong... 30 giây. Nếu không đốt cứu, bệnh nhân có thể dùng bất cứ cái gì tạo ra nhiệt như máy sấy tóc, thuốc lá, cây hương... cũng đều hiệu nghiệm. 

Giá của thang thuốc, người ta cho là bằng giá trị của thuốc cộng với chút ít tiền công của thầy thuốc, nhưng lại quên mất một điều là, để cho ra một thang thuốc, một phương pháp chữa bệnh hiệu quả (trong tích tắc) như thế, người thầy thuốc đã phải đọc đến hàng nghìn quyển sách trong mấy chục năm miệt mài với nghề.

Chuyện sinh tử của người bệnh và cái tâm của thầy thuốc

Mô tả ảnh.
Ngành Đông y ngày càng có nhiều phương hay, thuốc quý giúp cải thiện sức khỏe bệnh nhân.
TRONG ẢNH: Lương y Phan Công Tuấn (đứng) hướng dẫn phương pháp tốc cứu (hỏa long châm) cho học viên.
Thầy thuốc là người được cấp bằng để quyết định sự sống hay cái chết cho người bệnh trong một số trường hợp nhất định. Điều này, theo kinh nghiệm của bác sĩ Ngô Đức Hải, Phó Giám đốc – Trưởng khoa Tim mạch Lồng ngực Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Nẵng, được thể hiện rõ trong những ca phẫu thuật tim mạch. Trước những quyết định sinh tử đó, người thầy thuốc đã phải tự thân đấu tranh dữ dội.

Giữ lại cuộc sống cho người bệnh là một việc - bác sĩ Hải chia sẻ, nhưng cũng phải nghĩ tới chất lượng cuộc sống của người bệnh sau khi được cứu sống. Nếu cố giành cuộc sống cho họ, nhưng sau đó họ đau đớn từng ngày, từng giờ thì có nên không? Cũng lắm khi tiêu tốn rất nhiều tiền của nhưng người bệnh chỉ kéo dài cuộc sống thêm một thời gian (nhiều khi rất ngắn) rồi qua đời và đẩy gia đình người nhà đến sự lụn bại. Bác sĩ Hải tâm niệm: “Với tôi, nếu cứu được bệnh nhân và cái cứu đó có thể mang lại cuộc sống có chất lượng cho họ thì tôi làm”.

Một bác sĩ không muốn nêu tên nói rằng, khó khăn nhất của bác sĩ phẫu thuật là trước những ca mổ sinh tử. Nếu mổ, bệnh nhân có 1%-2% cơ hội sống, không mổ thì chắc chắn chết. Từ chối mổ thì coi như bác sĩ đã ký vào giấy đồng ý cho họ chết. Mổ, với tỷ lệ sống quá thấp như vậy, thành công thì mọi người hỉ hả bắt tay nhau, thất bại, mọi sự đổ lên đầu bác sĩ: đồng nghiệp chỉ trích, người nhà bệnh nhân nói tốn tiền tốn của, lãnh đạo bảo sao anh không lượng trước… Vì thế, nhiều bác sĩ, trước xác suất thành công quá thấp như vậy, đã chọn giải pháp... từ chối cho an toàn (!).

Có giáo viên chỉ một mực nhận dạy thêm học sinh giỏi để các em đỗ vào trường chuyên, trường chuẩn và thầy được tiếng dạy giỏi. Cũng vậy, có bác sĩ phẫu thuật thần kinh (ở địa phương nọ) muốn các ca mổ của mình đạt tỷ lệ thành công cao, chỉ chọn ca dễ mà từ chối ca khó. Người ta nhìn vào bảo, anh này mát tay ghê, mổ sọ não 10 ca mà sống được đến 6-7. Để được cái danh hảo đó, anh ta đã cam lòng đánh rơi lương tâm người thầy thuốc.

Giá của mạng sống

“Xét cho cùng, trong cuộc chiến giành giật sự sống thì y học luôn là kẻ chiến bại”. Tâm đắc từ câu nói của cố GS Ngô Gia Hy, chuyên gia đầu ngành về Niệu học, lương y Tuấn nghiệm ra rằng, thầy thuốc chỉ có thể cứu người trong một giai đoạn nào đó chứ không thể mãi mãi được. Vì thế, với các ca cấp cứu, từ hồi mới vô nghề đến nay, anh Tuấn đều không lấy bất cứ ai một đồng bạc, cả tiền công lẫn tiền thuốc. Vì sao? Lúc đó, “bệnh nhân có thể sống hoặc chết ngay trên tay mình, làm vậy để nhỡ có mệnh hệ nào thì mình cũng không ân hận”.

Bác sĩ Phan Xuân Trung đưa ra một ví dụ lý thú. Khách đi nhà hàng “bo” cho người phục vụ để người này vui vẻ phục vụ mình tốt hơn. Bác sĩ mổ thành công, được người nhà bệnh nhân đền ơn bằng một túi trái cây và một phong bì thì bị bêu xấu rằng thiếu y đức. Thật là trái khoáy! Xã hội nên có một cái nhìn đúng đắn với người thầy thuốc trong cuộc chiến giành giật lại cuộc sống cho người bệnh. Mạng sống con người là vô giá.

Người mẹ trong câu chuyện ở đầu bài, khi được hỏi “Mạng sống của đứa bé đáng giá bao nhiêu?” đã dốc lòng: “Bằng toàn bộ gia tài của tôi”.

VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.