.

Hẹn ngày về…

.
Loay hoay vài bữa đã thấy hết 3 ngày Tết. Mới hôm nào chộn rộn về quê đón Tết cùng gia đình, hôm nay, những người con xa xứ lại khăn gói lên đường, đợi mùa xuân năm tới…

Mô tả ảnh.
Giây phút quý giá tổ ấm nhỏ của anh Nguyên sum họp cùng đại gia đình.
 
Về được ăn món mẹ nấu

Có vẻ cứ càng lớn khôn, càng tự mình bươn chải nơi xứ người, những đứa con lại thèm khát hơn cái không khí ngồi bên bàn ăn thưởng thức những món do chính tay mẹ nấu. Vẫn là cơm, canh như bao ngày, nhưng bữa cơm có đông đủ cha mẹ, anh chị em và các con cháu lại “mặn mòi” khác lạ. Nó cứ thôi thúc người ta muốn quay về, bởi chẳng thể tìm kiếm điều này ở một nơi nào khác ngoài tổ ấm của mỗi người.

Với anh Trần Bảo Nguyên (kiến trúc sư đang lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh), vì là dân miền biển chính gốc, nhưng quanh năm phải ăn cá đồng của miền Nam nên chỉ có Tết anh mới được thưởng thức thỏa thích những món khoái khẩu. Bà Tám (mẹ anh Nguyên) đã trữ sẵn nào cá thu, ngừ, đuối, chìa vôi, chai, chét, v.v… Mà nhất thiết phải là cá rớ, loại vừa được dân chài kéo lưới lên, chưa qua bất kỳ khâu ướp đá hoặc hóa chất. Vậy là sáng bún cá, trưa cá kho, chiều canh cá.

Nếu ngày nào anh Nguyên cũng được “chắc cái bụng” từ sáng tới tối, thì anh Phú Lễ (đang công tác tại Công ty Tôn Phương Nam, Đồng Nai) gần như nhiệt tình “xử lý” hết sạch bất kể thứ gì do gia đình nấu. Mứt hay còn gọi là rong biển được mẹ anh Lễ chế biến thành nhiều món ăn vừa mát, vừa lạ miệng. Loại thực phẩm không mấy đắt đỏ này hóa ra lại được ưa chuộng hơn bao giờ hết trước cơ man nào là thức ăn hảo hạng.

Quà quê nặng hành lý

Không chỉ một loại đặc sản Đà Nẵng như bánh khô mè được nhiều du khách biết tiếng, mỗi người con còn có riêng cho mình một loại đặc sản không giống ai. Với cô sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp (thành phố Hồ Chí Minh) Trần Thị Trà My, tương ớt là thứ được ưu tiên mang theo làm quà cho bạn bè. Thêm một chút tương được nấu sệt với đủ vị nồng, mặn, ngọt, cay sẽ khiến các món ăn cốc, ổi, xoài, bánh tráng hay thịt kho, cá rang, v.v… đậm đà đúng chất Quảng. Có năm, để đem được thật nhiều tương ớt, Trà My đã đành bỏ lại một số quần áo ở nhà cho bớt nặng.

Năm nay, anh Phú Lễ cũng “hy sinh” một va-li rượu vì… cá tươi. Theo quy định của hãng hàng không, mỗi hành khách chỉ được mang theo 20kg hành lý. Thế nên anh Lễ đã phải cân… cá trước, những thứ khác từ từ được xếp sau. Anh còn không quên dành chỗ cho mứt biển đã được mẹ cất công phơi khô từ vài ba tháng trước.

Trong khi đó, dù đã gần đến giờ bay, anh Nguyên vẫn còn cùng vợ rong ruổi các chợ, cốt mua cho được vài ký nem, chả ngon nhất. Những thực phẩm này nơi nào cũng có, nhưng nếu được làm tại Đà Nẵng sẽ có hương vị khác. Thế nên, đó không đơn thuần là quà tặng, mà còn là niềm tự hào của anh với bạn bè đến từ mọi miền.

Hôm nay, trên những chuyến bay, chuyến tàu, xe, quà quê xứ Quảng đang cùng nhiều người con theo về…

THU HOA
;
.
.
.
.
.