Vừa qua, một ngôi trường mầm non được xây dựng theo các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên trên địa bàn huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã được khánh thành, đưa vào sử dụng tại xã Ba - một xã có trên 75% người đồng bào dân tộc sinh sống.
Sự ra đời của ngôi trường này là bước đột phá, nhằm xây dựng một mô hình chuẩn cho toàn huyện phấn đấu trong thời gian tới, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục ở huyện miền núi đi theo một hướng mới. Trong tổng giá trị 7 tỷ đồng của ngôi trường dành cho 400 cháu mẫu giáo này, thành phố Đà Nẵng đóng góp 2 tỷ đồng.
Đây là số kinh phí nằm trong chương trình hợp tác, hỗ trợ giữa hai địa phương theo Kết luận số 08-KL/TUĐN-TUQN của Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam, bắt đầu triển khai từ năm 2008. Kết luận này là nỗ lực của lãnh đạo hai địa phương, nhằm thực hiện tinh thần “chia mà không tách” từ khi chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương; đồng thời cũng là nền tảng để hai địa phương hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Một điều đáng lưu ý, trong những nội dung hợp tác, hỗ trợ này, thành phố Đà Nẵng đã dành một khoản hỗ trợ kinh phí đáng kể để tỉnh Quảng Nam giải quyết những vấn đề cấp bách cũng như lâu dài, trên lĩnh vực giáo dục và hỗ trợ người có công, người nghèo… Cùng với khoản hỗ trợ 2 tỷ đồng xây dựng Trường mẫu giáo Sơn Ca tại huyện Đông Giang, trong chuyến thăm và làm việc giữa lãnh đạo Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam vào cuối năm 2010, thành phố Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ ban đầu 10 tỷ đồng để xây dựng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và hai bên cũng đi đến thỏa thuận Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ để xây dựng một hạng mục công trình cho ngôi trường này. Bên cạnh đó, Đà Nẵng duy trì thường xuyên việc tuyển 20 học sinh của tỉnh Quảng Nam vào học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; trên 100 học sinh Quảng Nam vào học tại Trường THPT Phan Thành Tài; hơn 10 học sinh của Quảng Nam được tham gia đào tạo bậc đại học trong nước và nước ngoài bằng nguồn ngân sách thành phố… Đây chính là những động thái nhằm hỗ trợ tỉnh Quảng Nam tạo nền tảng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Cùng với việc hỗ trợ trên lĩnh vực giáo dục và xã hội, hai bên có những động thái tích cực trong việc hợp tác phát triển kinh tế và đã được ghi nhận. Đó là việc hình thành bước đầu liên kết trong phát triển du lịch giữa 3 địa phương Đà Nẵng-Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế. Các hoạt động này đã được ngành liên quan của 3 địa phương triển khai có hiệu quả hơn trước, với việc đã có dấu hiệu liên kết trong tổ chức quảng bá, triển khai các chuỗi sự kiện du lịch; khai thác lợi thế về điểm đến thuận lợi với các di sản văn hóa thế giới… Hoạt động phối hợp xúc tiến đầu tư xây dựng hệ thống giao thông khu vực miền Trung cũng được hai địa phương chú trọng, nhất là đối với những tuyến đường quan trọng như: Đường ven biển Đà Nẵng-Hội An sẽ được tiếp tục mở rộng về phía Nam khi cầu Cửa Đại được hoàn thành; tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Dung Quất dự kiến khởi công xây dựng vào cuối năm 2011... hợp cùng tuyến QL 1A, QL 14B sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong giao thông, góp phần tích cực vào vận hành hiệu quả Tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây...
Bên cạnh những mặt tích cực đó, thì việc hợp tác giữa hai bên trong một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế. Trước hết, đó là việc phối hợp trong bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Trong những lần gặp gỡ mới đây, lãnh đạo hai địa phương cũng đã bàn đến vấn đề này, nhất là nội dung phối hợp kiểm soát nghiêm ngặt về môi trường các vùng giáp ranh; đánh giá tác động môi trường đối với các dự án hoạt động kinh tế - xã hội dọc sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Yên, sông Vĩnh Điện, sông Cổ Cò… Việc khai thác vàng trái phép, triển khai các dự án thủy điện, các dự án công nghiệp... đã tác động rõ rệt đến môi trường lưu vực các sông này, ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế-xã hội của hai địa phương nhưng chưa được phối hợp giải quyết kịp thời và hiệu quả. Việc hợp tác quản lý và khai thác cát, sạn trên các sông cũng là vấn đề cần bàn đến, nhằm tạo nên sự hợp lý hơn trong phát triển và bảo đảm nguồn tài nguyên có hạn này.
Khắc phục được những “lỗ hổng” này, thì việc hợp tác giữa hai địa phương trên tinh thần Kết luận 08 sẽ được toàn diện và hiệu quả hơn.
Anh Quân