.

Làng đá chẻ

.
Giúp người dân địa phương “đổi đời” nhưng cũng gây nên một số vấn nạn về môi trường, về an toàn giao thông, đó là thực trạng của làng nghề đá chẻ Hòa Sơn sau 8 năm góp mặt với đời.

Mô tả ảnh.
Bàu Ông Lương trồng sen ở thôn Phú Hạ ngày càng hẹp dần do đá thải xâm lấn.
 
Được và mất

Anh Ngô Ngọc Anh ở thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, được cho là “tiền hiền” của nghề làm đá chẻ ở Hòa Sơn. Thấy nghề chẻ đá dưới Phước Tường phát triển mạnh, anh mua đá ở mỏ đá Trường Bản gần nhà về tổ chức làm thử. Đầu tháng 5-2002, anh đã cho ra đời những phiến đá áp lát đầu tiên tại nhà mình và hình thành một nghề mới. Đập đá lớn hoặc đá ngang thì dùng búa tạ với xà beng, chẻ đá chỉ cần chiếc búa nhỏ với mấy con ve.

Sau đó, một người em trai của Anh xuống các hộ làm đá dưới Phước Tường học cách cắt các tấm đá chẻ thành những phiến vuông vức theo nhiều quy cách, dùng áp tường hoặc trang trí nhà cửa rất đẹp. Tháng 8-2003, người này quay về nhà, bàn với anh mình mở cơ sở cắt đá. Nghề chẻ đá ra đời, được máy móc hỗ trợ đã nhanh chóng phát triển, trước một vài nhà, sau lan dần ra khắp làng, tập trung ở các thôn Phú Hạ, Xuân Phú, Phú Thượng, Đại La, Tùng Sơn, dọc theo đường ĐH8; tạo việc làm cho hàng trăm lao động, chưa kể những người già và các em học sinh làm các công việc vặt.

Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn tuy mới hình thành nhưng đã mang lại thu nhập ổn định giúp người dân từng bước thoát nghèo, một số hộ vươn lên làm giàu. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều nhỏ, mang tính tự phát, nhiều bụi và tiếng ồn, đổ đá thải (đá đề-sê) tràn ra mép đường làm ảnh hưởng giao thông trên đường ĐH8, nhất là vào ban đêm...

Xuất phát từ thực trạng này, ngày 22-3-2006, UBND thành phố Đà Nẵng đã có Công văn chỉ đạo Sở Xây dựng lập quy hoạch tổng mặt bằng làng đá chẻ trang trí tại Hòa Sơn. Đến ngày 31-1-2008, Văn phòng UBND thành phố thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố về việc “tạm dừng việc chọn địa điểm xây dựng Làng sản xuất đá chẻ trên địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Trước mắt, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hòa Vang kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân sản xuất đá chẻ trên địa bàn xã Hòa Sơn thực hiện các yêu cầu về môi trường, cảnh quan khu vực trong quá trình sản xuất”.

3 năm qua, làng nghề đá chẻ Hòa Sơn đã phát triển lên gần 100 hộ với gần 300 lao động nhưng các yêu cầu về môi trường, cảnh quan không được bảo đảm. Để khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có nhằm phát triển làng nghề này theo hướng ổn định bền vững, mới đây, tháng 11-2010, Phòng Công thương huyện Hòa Vang đã xây dựng đề án:
 
Quy hoạch, sắp xếp lại làng nghề đá chẻ Hòa Sơn

Đề án đưa ra mục tiêu và giải pháp phát triển làng nghề từ nay đến năm 2015 và những năm về sau. Theo đó, sẽ quy hoạch làng nghề tại một địa điểm mới, giải quyết triệt để về ô nhiễm môi trường, không để đá thải đổ bừa bãi làm mất đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Đề án cũng đề cập đến vấn đề ổn định giá cả và đầu ra cho sản phẩm, bảo đảm tính cạnh tranh, nâng cao giá thành và tiến tới xây dựng thương hiệu làng nghề nhằm phấn đấu đến năm 2015 nghề đá chẻ trở thành nguồn thu chính và đóng góp giá trị kinh tế lớn cho xã Hòa Sơn và huyện Hòa Vang.

Về ý kiến cho rằng nên giữ nguyên hiện trạng các cơ sở sản xuất đá như hiện nay, chỉ chọn địa điểm chung để đổ đá thải, ông Phan Văn Tôn, Trưởng phòng Công thương huyện, phân tích: “Như thế sẽ không giải quyết căn cơ được vấn nạn môi trường và an toàn giao thông. Đường ĐH8 từ Hòa Nhơn đi Hòa Sơn sẽ được khởi công mở rộng, nâng cấp trong năm nay (dự kiến lòng đường rộng 15m, lề đường mỗi bên 5m), nếu để các cơ sở sản xuất đá dọc theo đường như hiện nay sẽ vướng”.

Nói chung, từ người sản xuất đến người không sản xuất đá chẻ đều mong ước đề án sớm được phê duyệt. Một người dân không muốn nêu tên nói rằng báo, đài đã nói nhiều về chuyện bức xúc của làng nghề đá chẻ Hòa Sơn rồi, nhưng chưa thấy Nhà nước động tĩnh gì. Ông Ngô Tấn Huy, trưởng thôn Phú Hạ, nơi có 50/210 hộ làm nghề đá chẻ, nói trước đây còn có người kêu ca về chuyện bụi bặm, ồn ào, nước nôi... của các hộ làm đá, chừ ai cũng làm nghề nên chẳng còn ai kêu. Bụi đá li ti làm lá cây mốc thếch, người bị bệnh phổi tiềm ẩn, ăn cám trả vàng mà đâu có biết.

Ông Nguyễn Trung, một trong những người mở cơ sở sản xuất đá đầu tiên từ năm 2003, cho biết làm đá lo nhất là nước và đá thải, có đổ trong phạm vi đất nhà mình thì làm chi cũng ít nhiều tràn ra bên ngoài. Quy hoạch làng nghề tập trung là tốt, nhưng đề nghị Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ để các cơ sở có được phương tiện sản xuất cơ bản như điện, nước. Có thế, bà con mới yên tâm làm nghề và đóng góp kinh tế cho địa phương.

Theo khảo sát ban đầu của Phòng Công thương huyện, mỗi ngày làng nghề đá chẻ Hòa Sơn thải ra gần 43m3 đá đề-sê. Nếu không quy hoạch, cải tạo một diện mạo mới cho làng nghề hiện đại này thì không bao lâu nữa dọc theo đường ĐH8 sẽ không còn đất nông nghiệp, lâm nghiệp.

Mô tả ảnh.
Đá chẻ sản xuất ở Hòa Sơn hiện có 3 màu vàng, xanh, lông chuột với nhiều chủng loại, quy cách, chủ yếu dùng trang trí nội, ngoại thất (ảnh). Đá tiêu thụ mạnh vào mùa xây dựng, nhiều khi không đủ cung cấp cho thị trường miền Trung và TP.Hồ Chí Minh.

Chủ cơ sở sản xuất đá Ngô Thị Kim Hương ở thôn Phú Hạ cho biết, 5 năm trước mỗi mét vuông đá có giá từ 65-70 nghìn đồng, nay đã rớt thảm hại xuống còn 34 nghìn đồng. Một phần do cạnh tranh không lành mạnh, một phần do vốn ít, để đá tồn kho lâu sẽ đổi màu, không bán được, nên các hộ bán giá thấp.

 
VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.