Khách đến thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng không quên ghé lại chiêm ngưỡng tượng nữ thần Laksmi, lắng nghe trong sự thinh lặng của đá lời chúc phúc của nữ thần.
3 tượng nữ thần Laksmi: ở giữa là tượng được thờ trong tháp Chăm, hai bên là tượng trang trí ngoài tháp. (Ảnh: LH) |
Trong văn hóa tôn giáo của Ấn Độ, nữ thần Laksmi là vợ của thần Bảo tồn Vishnu. Trong 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo thì thần Vishnu được coi trọng nhất, luôn giữ cho thế giới ở trạng thái cân bằng; khi không có mặt Vishnu thì nữ thần Laksmi gánh vác nhiệm vụ của chồng mình.
Theo truyền thuyết, nữ thần Laksmi được sinh ra từ biển. Khi các vị thần khuấy biển sữa, bà nổi lên từ bọt biển ngời sáng, tay cầm đóa hoa sen - một trong 14 vật quý nhất được sinh ra trong cuộc khuấy biển sữa này. Nghệ thuật điêu khắc Chăm thể hiện tượng bà ngồi trong tư thế chững chạc, oai vệ, đầy vẻ tôn kính. Hai tay (có khi đến 4 tay hoặc nhiều hơn để thể hiện quyền năng của nữ thần) cầm hình tượng 2 búp sen, vì thế, trong Ấn Độ giáo hay Phật giáo, người ta xem búp sen trong tay các vị thần tượng trưng cho sự trong trắng, trường tồn của cuộc sống muôn loài vạn vật.
Theo bà Phan Thị Bình, Trưởng phòng Hướng dẫn – Tuyên truyền của Bảo tàng, ngoài bông sen, nữ thần còn cầm ốc tù và - biểu tượng cho việc cai quản không trung, vì chức năng của vợ chồng vị thần này là cai quản không gian bao la để bảo tồn thế giới. Bà cầm hoa sen từ dưới nước đi lên, nên người ta còn gọi bà là Nữ thần Hoa Sen.
Nữ thần Laksmi không chỉ được tôn trọng trong tôn giáo, mà ngay trong đời sống dân gian, khi có lễ hội gì người ta cũng gọi tên Maha Laksmi nghĩa là Mẹ Vĩ Đại và cầu mong nữ thần ban phước lành. Laksmi là Nữ thần Sắc đẹp, Sức khỏe, Thịnh vượng và May mắn. Vì thế, hình ảnh nữ thần luôn thường trực trong đời sống tâm linh của tín đồ Ấn Độ giáo với một sự tôn kính rất mực, đặc biệt là trong cộng đồng người Chăm.
Tượng nữ thần Laksmi có niên đại thế kỷ VII-VIII, được một công sứ Pháp là Charles Lemira phát hiện ở Trà Kiệu và đưa về Bảo tàng năm 1899. Cả 3 tượng nữ thần (lớn ở giữa, nhỏ hai bên) hiện được đặt trên phù điêu 3 con vật gồm sư tử, nai và voi - những con vật gắn bó với đời sống của người Chăm xưa. Hai bên là hai mặt nạ sư tử, biến thể từ Makara (con thú thần thoại, vật cưỡi của vị thần quyền năng) dùng trang trí.
LÊ HUỲNH