Bắt đầu từ năm học thứ 2, sinh viên trường Y đã một buổi đến trường học lý thuyết, một buổi thực hành ở bệnh viện. Dù vậy, sau khi hoàn tất chương trình đại học, họ đều chưa thể làm việc ngay được. Bởi, trường Y chỉ là nơi trang bị cho các y, bác sĩ (BS) trẻ kiến thức về khoa học và y học…
Đào tạo chuyên sâu
Để vận hành được máy chạy thận Nipro của Nhật, các bác sĩ khoa Thận nhân tạo phải có ít nhất 1 năm làm việc liên tục tại khoa. |
Thực tế từ BV Đà Nẵng cho thấy, để khám, chữa bệnh có hiệu quả, các y, BS phải trải qua nhiều lớp tập huấn, học hỏi từ thực tế, các khóa đào tạo y khoa… để liên tục cập nhập thông tin. Đơn cử, sau một thời gian dài nghiên cứu và học tập, TS.BS Trần Bá Thoại, Khoa Nội thận Tiết niệu-Nội tiết đã trang bị cho mình khá nhiều bằng cấp về y học như Sinh hóa Y học, Nhi, Thạc sĩ về Nội khoa, Tiến sĩ về Nội tiết, cử nhân Anh văn, Chẩn đoán hình ảnh… Ông tâm sự: “Cái khó của BS là chẩn đoán bệnh và chữa bệnh. Nếu không vững về kiến thức chuyên môn, người thầy thuốc có thể vô tình hại chết bệnh nhân”.
Ngoài tham gia các khóa đào tạo cơ bản, ở từng khoa khác nhau, các y, BS cũng đã tổ chức những buổi trao đổi về nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác khám, điều trị. Theo BS chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Đa, Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Đà Nẵng, 100% BS tại khoa có bằng sau đại học, nhưng để vận hành được các loại máy chạy thận nhân tạo như Dialog (Đức), Nipro (Nhật)… thì mỗi BS phải làm việc ít nhất tại khoa 1 năm và 2, 3 năm nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm. Hiện, khoa có 30 máy chạy thận do 4 BS vận hành, hằng tuần đều tổ chức những buổi học tập, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ đang làm việc tại đây.
Gắn với yêu cầu thực tế
TS.BS Trần Bá Thoại (đội mũ) đang trao đổi nghiệp vụ với một bác sĩ trong khoa. |
Thời gian tới, BV Đà Nẵng sẽ tập trung đào tạo về phương pháp can thiệp mạch; nâng cao, mở rộng mổ nội soi cả về chuyên môn lẫn số lượng bác sĩ. So với các năm trước, nay người dân đã có thể yên tâm khi đến điều trị tại đây. Tuy nhiên, tiếp xúc với nhiều BS có thâm niên trong nghề tại BV, họ đều chung niềm trăn trở, các BS giỏi, trẻ đang có xu hướng đổ về các thành phố lớn, còn các tuyến quận, huyện, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ cán bộ y tế, đặc biệt là những BS có kinh nghiệm chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Trên thực tế, dù Đà Nẵng hiện có rất nhiều BV lớn, nhỏ phân bổ rải rác trên khắp các quận, huyện, nhưng lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại BV Đà Nẵng luôn ở tình trạng quá tải, từ 150% đến 180%.
BS Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng chia sẻ, hiện thành phố rất quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế, thu hút BS về công tác tại các tuyến quận, huyện. Mỗi năm thành phố trích khoảng 50% ngân sách đào tạo để hỗ trợ cán bộ ngành Y tế đi học tập ở các BV có uy tín trong và ngoài nước. Ngoài ra, chính sách thu hút nhân tài cũng đã bổ sung rất nhiều BS trẻ, có tay nghề, tâm huyết, tạo nên cú hích cho ngành Y tế Đà Nẵng. Hiện BV Đà Nẵng đã ngang tầm với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội trong một số dịch vụ như ngoại thần kinh, tim mạch… “Cái đúng, cái sai trong y học đôi khi rất mong manh. Do đó, chỉ có trau dồi kiến thức liên tục thì BS mới giảm được những sai sót đáng tiếc và đem lại lợi ích tối đa cho người bệnh”, bà Yến nói.
Tốt nghiệp Đại học Y dược Huế từ năm 1978, sau nhiều năm gắn bó với nghề, TS.BS Trần Bá Thoại đúc kết rằng: “Nhất y, nhì dược...”, vào được trường Y là một quá trình cố gắng không mệt mỏi của những học trò yêu mến nghề thầy thuốc. Tuy nhiên, muốn tinh thông nghề nghiệp, mỗi người phải tự mình có ý thức học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao y thuật, rèn luyện y đức, hết lòng tận tụy, tận tâm với nghề”. Có lẽ, không có nghề nào cần phải học tập, trau dồi kiến thức suốt đời như nghề y. Bởi, bệnh tật luôn thiên biến vạn hóa theo thời gian, điều kiện, hoàn cảnh sống, nếu không cập nhập thông tin, người thầy thuốc rất dễ phạm phải những sai lầm không đáng có.
TIỂU YẾN