Anh đào nở hoa – một cảnh tượng tự nhiên được sùng mộ nhất ở Nhật Bản và rõ ràng là một trong những biểu hiện hấp dẫn nhất của cái đẹp trong trắng, không chỉ gợi những xúc cảm thẩm mỹ thuần túy, như người ta có thể giả định, chẳng khác nào mùa hoa mai, hoa đào nở khắp cùng trời cuối đất ở Việt Nam.
Năm rồi, từ Đà Nẵng tôi lên Đà Lạt cùng với các anh chị văn nghệ sĩ Ngân Vịnh, Trần Trung Sáng, Thái Bá Lợi, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Thu Sương, Lê Anh Dũng, Lê Huy Hạnh, Nguyễn Duy Khoái… lại xui xẻo, không phải mùa Hoa đào. Trong thất vọng và tiếc nuối khi lên vùng đất mệnh danh thành phố Hoa đào, tôi đi miên man trong suốt hai tuần ở đó chỉ để tận mắt nhìn thấy cây anh đào. Và rồi tôi đọc được một tài liệu, mới rõ là ở cao nguyên Lâm Viên, Đà Lạt có hoa anh đào bản địa, được gọi là mai anh đào, vì hoa có 5 cánh giống hoa mai (Cerasus), màu hồng thắm và có dáng của cây đào (Prunus) miền Bắc nước ta. Sau đó, tôi có viết cái “tản văn” – “Ai lên xứ hoa đào…” về xứ ngàn hoa, tôi chợt nhớ nhà báo Phan Quang, có nhắc lại mấy câu thơ của Chế Lan Viên (trong một bài viết của ông):
Sáng nay ra đường gặp ai?
Gặp đóa đào hồng
Hồng như chưa có môi nào hồng được vậy!
Chỉ có đôi môi cô gái mới đẹp và hồng. Thôi thì, không thấy hoa mà gặp được những đôi môi, thế cũng đủ an ủi cho nỗi khát khao của một tâm hồn đăm đắm vì hoa.
Hoa của cây Sakura (anh đào) là biểu tượng của sự trong trắng, trong sạch, chính vì lý do ấy mà nó trở thành biểu tượng của người võ sĩ, của lý tưởng hiệp sĩ. Trong các lễ cưới, người ta thay thế trà bằng nước hoa anh đào. Trong trường hợp này thì hoa anh đào lại tượng trưng cho hạnh phúc.
Khi mùa anh đào nở rộ khắp nơi lại trùng với Xuân chí. Đó là dịp cho những cuộc vui chơi và những lễ hội tôn giáo, mà mục đích là làm gia tăng và bảo hộ cho hoa màu. Anh đào nở trước khi lúa trỗ, cho nên nó càng nở nhiều và lâu bao nhiêu thì càng báo hiệu một mùa thu hoạch dồi dào bấy nhiêu. Trong mọi trường hợp, hoa anh đào là biểu hiện sự phồn thịnh và hạnh phúc ở cõi trần thế; ngay cả khi người ta không nhận thấy trực tiếp, vẫn là sự tiên báo về một chân phúc phi vật chất.
Hoa anh đào cánh rất mỏng và chóng tàn, chỉ cần một cơn gió thoảng qua là đã rụng. Ở Nhật Bản, hoa biểu tượng cho cái chết lý tưởng, không vương vấn với những lợi ích trần gian, và cả cho sự sống mong manh, vô thường:
Nếu người ta bảo tôi
Hãy định nghĩa tinh thần Nhật Bản
Tôi sẽ nói - Hoa Anh đào trên sườn núi
Thơm ngát trong nắng ban mai
(Motooria Norinaga, 1801)
Quả anh đào tượng trưng cho tiếng gọi hiệp khách của người Samourai (võ sĩ đại danh) Nhật Bản, và cái sứ mệnh mà con người ấy phải luôn luôn sẵn sàng thực hiện: Lột cùi màu hồng, tách lấy cái hạt rắn; hoặc nói một cách khác, hy sinh máu thịt để tìm tới hòn đá nền của nhân cách con người. Những người Samourai lấy hoa anh đào hướng về phía mặt trời mọc làm biểu tượng về sự tận tụy suốt đời của họ. Bao gươm của người võ sĩ cũng được trang trí bằng những quả anh đào. Đây là một tương thích khác về sự tìm kiếm cái vô hình bằng cuộc hành trình nội tâm như một “vật chất” tiềm ẩn trong các lễ thụ pháp của phương Tây.
Ở Việt Nam, tôi mới được biết một tin vui, du khách lên thăm vùng du lịch Sa Pa vào dịp Tết Dương lịch vừa qua đã được chiêm ngưỡng những cây hoa anh đào Nhật Bản nở hoa rực rỡ trong nắng ấm sau những ngày giá lạnh dưới 5 độ C. Đây là những cây anh đào do Hội Hữu nghị Nhật - Việt tặng huyện Sa Pa tròn 100 tuổi vào tháng 10 năm 2003.
Tôi chờ một dịp nào đó ngược Sa Pa.
Cuối tháng 11 năm 2010, Khu du lịch Bà Nà đã đón nhận và trồng tượng trưng những cây hoa anh đào đến từ xứ sở mặt trời mọc Nhật Bản. Hy vọng, nay mai, cũng như ở Sa Pa, khách du lịch khi tới Đà Nẵng cũng sẽ được nao lòng trước sắc hoa bừng thắm.
Chung quanh loài hoa anh đào là cả hằng số truyền thuyết, giai thoại và triết lý, luôn cuốn trí tưởng tượng của những ai yêu hoa, chơi hoa, lụy vì hoa …
Hoàng Hương Việt