Lúc đó, biệt động thành từ Hòa Xuân mấy lần tìm cách vượt sông Cẩm Lệ qua Hòa Cường để đánh vào sân bay Đà Nẵng, nhưng lần nào cũng thất bại, bởi luôn có một chiếc bo bo của địch chạy dọc trên sông. Ông đã bỏ ra gần tháng trời nghiên cứu thực địa và vượt sông an toàn. Nhận ra một “quy luật” là cứ sau khoảng từ 12 đến 15 phút thì bo bo địch xuất hiện trở lại trên sông một lần, ông đi đến kết luận: Muốn không bị địch phát hiện, phải vượt sông trong thời gian tối đa là 10 phút.
Cọ xát với thực tế, ông đúc kết được nhiều kinh nghiệm tác chiến nội thành. Đầu tháng 6 năm 1973, khi đang là Quận đội phó quận Nhứt, ông được tham dự lớp tập huấn do Quân khu 5 tổ chức. Lúc đó, chưa có tài liệu chính thức về biệt động thành, ông tham gia nội dung tài liệu bằng những kinh nghiệm đúc kết từ thực tế hoạt động biệt động thành của mình.
Nhiều nội dung trong tài liệu tập huấn ngày đó lý luận là của Quân khu, thực tiễn là do ông đóng góp. Tất cả được ông ghi chép cẩn thận trong một cuốn sổ khổ 14x12cm, dày hơn 100 trang, trang đầu tiên ghi hai chữ “Học tập”, được ghép lại bằng nhiều loại giấy, một số trang hiện đã ố vàng. Bài đầu tiên ghi vào ngày 7-6-1973 là “Chủ nghĩa thực dân mới”. Tiếp đó, nhiều bài có tính cách lý luận như: “Tình hình đặc điểm các giai cấp xã hội miền Nam”; “Giai cấp và quan điểm đấu tranh giai cấp”; “Công tác bảo vệ”, “Chính sách hòa hợp dân tộc”… Đáng chú ý nhất là những bài về thực tế tác chiến có hình minh họa rõ ràng do ông tự vẽ như “Bình địa, ống nhòm, địa bàn, bản đồ”; “Ký hiệu quân đội”; “Mìn các loại”; “Cách đánh sân bay và máy bay của địch”...
Đây thật là cuốn “cẩm nang”, bởi nó được dùng để làm tài liệu hướng dẫn cho các chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng một thời.
LÊ HUỲNH