Vùng Bình Lâm, huyện Hiệp Đức ngày nay còn giữ lại một giếng nước do những ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên ở Quảng Nam giúp người dân tôn tạo từ 65 năm trước.
Sau cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi trọn vẹn, cùng với việc lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến kiến quốc, Đảng và Chính phủ còn chú trọng đến việc củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng ta lúc này là tổ chức tốt Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tháng 9 năm 1946, tại Quảng Nam, ngoài việc tuyên truyền tốt cho công tác tổng tuyển cử, giới thiệu người ra ứng cử, để cổ vũ cho những người được Mặt trận Việt Minh cử ra tranh cử, nhiều truyền đơn, thơ ca, hò vè, câu đối... vận động cho ngày bầu cử đã xuất hiện để nhân dân dễ nhớ và bỏ phiếu cho người đại diện quyền lợi của mình. Ví như câu đối mang tên 14 ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở Quảng Nam: Xuyến Hiến Viện Diêu Bôi Kỷ Sạ/ Huệ Thao Tống Thự Nhĩ Bằng Tri. (Hoặc thể hiện cách khác như “Hiến Bôi Tống Nhĩ Tri Thanh Viện/ Thự Huệ Diêu Thao Kỷ Sạ Bằng”, trong đó Thanh là bà Lê Thị Xuyến vợ ông Phan Thanh – ĐNCT).
Cùng với những hình thức vận động trên, đoàn ứng cử viên gồm 14 người này (về sau bổ sung thêm ông Đinh Tựu người dân tộc Cor) đã có những hoạt động thiết thực tại vùng miền núi phía tây bắc của tỉnh, vùng Bình Lâm, huyện Hiệp Đức ngày nay. Tại đây, ngoài việc vận động nhân dân thể hiện quyền dân chủ bằng việc hăng hái tham gia bầu cử và bầu cho những ứng viên mà Mặt trận Việt Minh giới thiệu, các ứng cử viên còn thể hiện bằng hành động thiết thực như giúp dân tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống... Một trong những việc làm thiết thực, cấp bách của các ứng cử viên lúc này là giúp dân tôn tạo, xây lại thành và nền một cái giếng làng để bảo đảm nguồn nước sạch cho nhân dân trong sinh hoạt hằng ngày.
Giếng nước tuy không lớn, chỉ khoảng 20m2, nằm trên một khoảng đất giữa cánh đồng, tứ phía giáp ruộng và đất màu, nhưng nó đã để lại dấu ấn lịch sử rất sâu đậm trong lòng người dân nơi đây, thể hiện tình cảm giữa các ứng cử viên đại biểu Quốc hội với nhân dân, thể hiện tính ưu việt của chính quyền cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu.
Trải qua chặng đường 65 năm, kể từ khi cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong cả nước (1946 - 2011) cho đến nay, mỗi lần về Bình Lâm mọi người dân trong vùng đều nhắc đến cái giếng nước được người dân quen gọi là “Giếng đại biểu Quốc hội” để nói lên tình cảm gắn bó giữa nhân dân với Chính phủ cách mạng.
Phạm Văn Bính