.

Bản đồ cổ vật Chăm ở Đà Nẵng

.
Hầu hết các di tích, phế tích Chăm tìm thấy ở Đà Nẵng đều nằm dọc theo các con sông. Điều này không lạ, bởi theo các nhà nghiên cứu, ngày trước giao thông chủ yếu bằng đường thủy.

Mô tả ảnh.
Đài thờ trong động Huyền Không (Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn) luôn thu hút các nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa.
 
Sông nước và những giếng vuông

Ngày xưa, những bến sông tấp nập ghe thuyền đã dần tạo nên những khu thị tứ, thị trấn sầm uất.  Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Võ Văn Thắng cho biết, trên nền của sự phát triển này, người Chăm xưa đã xây dựng nhiều đền tháp để thờ cúng các vị thần Ấn Độ giáo và Phật giáo. Chẳng hạn, như dọc theo tuyến sông Yên - sông Cầu Đỏ - sông Cẩm Lệ - sông Hàn có các phế tích và hiện vật điêu khắc Chăm ở Cấm Mít (xã Hòa Phong, Hòa Vang), Quá Giáng (xã Hòa Phước), Khuê Trung (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), Lỗ Giáng (phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ)...

Mới đây, việc khai quật khẩn cấp và phát hiện 30 hiện vật tương đối nguyên vẹn cùng hàng trăm viên gạch, mảnh ngói, gốm, đá có nguồn gốc Chămpa có niên đại cách đây khoảng 1.000 năm tại làng Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) đã ghi thêm một địa điểm (phía tả ngạn sông Cẩm Lệ) có giá trị nghiên cứu trên “bản đồ” cổ vật Chăm ở Đà Nẵng.

Cũng xuất phát từ những nhu cầu thiết yếu cho giao thông đường thủy, các cư dân Chămpa xưa đã đào rải rác nhiều giếng để lấy nước ngọt. Hầu hết các giếng này đều vuông, do các phiến đá ghép lại. Ngày trước, biển còn lấn sâu vào trong đất liền nên các giếng này còn giữ vai trò cung cấp nước ngọt cho các tàu bè qua lại. Có thể thấy điều này qua các giếng Chăm cổ ở trước Miếu Bà phường Khuê Trung, nhất là ở làng Nam Ô, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.

Từ những lời kể của các bậc cao niên và qua khảo sát thực tế, ông Đặng Dùng ở tổ 35 Hòa Hiệp Nam đã bỏ công ghi chép, khảo tả 4 giếng vuông hiện còn của làng Nam Ô. Theo ông, đây là những di tích cổ quý giá, được các thế hệ người dân địa phương sử dụng bảo tồn khá nguyên vẹn, tất cả đều có mạch nước tốt, ngay cả mùa hè cũng không bị khô cạn.

Anh Lương Xuân Phước, chủ quán Thanh Trúc ở phường Hòa Hiệp Nam, nhà ở gần giếng Đình, còn gọi là giếng Làng, được cho là giếng vuông cổ nhất Nam Ô. Tuần rồi, anh đã đưa chúng tôi đi thực tế một số giếng vuông, trong đó có giếng Lăng (bên cạnh lăng thờ cá ông), cách chớn nước biển chỉ khoảng 50m nhưng nước giếng vẫn ngọt, mỗi khi mất điện, bà con vẫn đến lấy nước về dùng.

Ông Đặng Dùng ví giếng vuông như những mảnh hồn làng, nếu được bảo tồn, nó sẽ kể cho ta nghe được nhiều điều về sinh hoạt văn hóa của xã hội ngày xưa.

Trước khi quá muộn

Mô tả ảnh.
Cần lập một bản đồ cổ vật Chăm trước khi mọi việc trở nên muộn màng. TRONG ẢNH: Một linga để lộ thiên trước sân đình làng Dương Lâm (xã Hòa Phong).
Di tích Chăm xuất hiện dày đặc trên đất Đà Nẵng, ngay cả ở vùng đất mà ít ai nghĩ là có cư dân Chămpa như Ngũ Hành Sơn.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý Di sản Văn hóa thành phố Đà Nẵng, đã đề cập vấn đề này trong bài viết “Về những di vật điêu khắc Chăm ở Ngũ Hành Sơn” đăng trên báo Đà Nẵng cuối tuần số 694, ngày 7-11-1999. Theo đó, trong động Huyền Không có một phần đài thờ thuộc phong cách nghệ thuật Đồng Dương nằm bên phải bậc tam cấp xuống động, chính giữa đài thờ chạm hình sư tử đứng theo dạng bán phù điêu, bên cạnh là hình tượng mặt thần Kala được chạm đơn giản. Trước sân chùa Linh Ứng cũng có một đài thờ Đồng Dương được chạm trổ ở cả ba mặt. Sau lưng chùa, trong động Tàng Chơn có một hang nhỏ thường gọi là hang Chiêm Thành, còn lại một đài thờ, chiếm phần lớn diện tích của lối vào hang.

Chúng tôi đã được chị Nguyễn Thị Phượng, Tổ trưởng tổ Quảng bá của Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đưa đến hang Chiêm Thành. Hang có hình bán nguyệt, rộng 3m, lối vào hang tối và gồ ghề, bên trong có tượng 2 vị hộ pháp người Chăm được chạm trổ khá công phu trên nền đá sa thạch theo phong cách nghệ thuật Đồng Dương khoảng nửa đầu thế kỷ X, đặt trên một chiếc bệ chạm hình hoa sen cách điệu. Điều này chứng tỏ rằng tại Ngũ Hành Sơn người Chăm đã có mặt tại đây và thờ Phật từ rất sớm.

Các di tích, cổ vật Chăm đã mai một dần theo thời gian. Ở Ngũ Hành Sơn, ông Tuấn kể, hơn 10 năm trước, trong khi cày ủi, san lấp mặt bằng để làm trường học, có lộ ra vài dấu tích đền tháp Chăm ở khu vực Âm Hỏa Sơn và Dương Hỏa Sơn. Người dân cho biết có rất nhiều gạch Chăm và một tượng sư tử còn nguyên, cao khoảng 0,5m, nhưng rất tiếc vết tích đền tháp Chăm và tượng sư tử hiện không còn.

Cùng thời điểm đó, người dân phát hiện một tượng sa thạch nằm dưới một thửa ruộng ở làng La Châu, gần Văn thánh La Châu, xã Hòa Khương. Tượng cao khoảng 2m, kể cả đế, tạc toàn thân một vị thần Chăm theo dạng bán phù điêu. Nghe người dân nói rằng, lúc đầu tượng nằm dưới ba-ra An Trạch. Cơ quan chức năng có cử cán bộ về khảo sát, nhưng gần một năm sau mới... xin được xe lên chở tượng về thì tượng đã biến mất!

Việc phát hiện di tích Chăm ở Phong Lệ vừa rồi là một tin vui, nhưng sẽ càng vui hơn nếu không còn xảy ra tình trạng chậm chân khiến cho di tích dầm sương gội nắng và cổ vật tứ tán phân ly.

Mô tả ảnh.
Ông VÕ VĂN THẮNG (ảnh), Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: Bay lên trời để tạo đặc trưng, đào xuống đất để khẳng định bản sắc

 

Những dấu vết di tích văn hóa Chămpa và cả văn hóa Sa Huỳnh dày đặc trên đất Đà Nẵng là một loại trực quan sinh động giải thích cho việc Đà Nẵng là một địa danh có bề dày lịch sử và văn hóa, ít ra là 2.000 năm và còn xa hơn nữa.

Những năm trước đây, khi nghe rằng Đà Nẵng “thiếu đặc trưng, thiếu bản sắc văn hóa”, tôi có ý kiến “chưa có đặc trưng thì sáng tạo đặc trưng, thiếu bản sắc thì làm nên bản sắc”. Vài năm lại đây, Đà Nẵng đã bắn pháo hoa lên trời để tạo đặc trưng. Bây giờ, Đà Nẵng có thể đào xuống đất để khẳng định bản sắc. Đó là chuyện chúng ta đang làm khảo cổ học ở Phong Lệ.

Đối với khảo cổ học Chămpa, thì Phong Lệ là di chỉ đầu tiên được khai quật ở Đà Nẵng và đã phát hiện những dấu hiệu của một di tích có ý nghĩa về mặt nghiên cứu kiến trúc Chămpa. Nếu được đầu tư mở rộng khai quật và bảo tồn, phục dựng thì địa điểm này hoàn toàn có thể trở thành một điểm nối dài của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, một loại “vườn khảo cổ” cung cấp những hình ảnh, thông tin thực địa về kiến trúc Chămpa, vốn là xuất xứ của các tác phẩm điêu khắc đang trưng bày tại bảo tàng.

 
VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.