.

Cổ vật Chăm phát hiện sau năm 1975: Định hình nhiều phong cách nghệ thuật

.

Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL đề nghị xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia cho 3 hiện vật quý tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm là Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu và Tượng Bồ Tát Tara. Trong đó, tượng đồng Tara được phát hiện vào năm 1978, là một trong những cổ vật quý của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nằm trong nhóm tượng được phát hiện sau năm 1975.

Mô tả ảnh.
Du khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Trong khoảng 100 hiện vật được phát hiện sau năm 1975, những cổ vật Chămpa như tượng đồng Tara (Đồng Dương, Quảng Nam), nhóm tượng An Mỹ (Quảng Nam), Thần Visnu, Thần Brahma (Phú Hưng, Quảng Nam) và Bia đá (Khuê Trung, Đà Nẵng) được xem là những báu vật, chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, nghệ thuật, và còn ẩn dấu nhiều bí ẩn với giới nghiên cứu và những người quan tâm đến văn hóa Chăm. 

Hơn nửa thế kỷ, sau khi các nhà khảo cổ Pháp khai quật, khảo tả về di tích Đồng Dương (xã Bình Định, huyện Thăng Bình), năm 1978, nhân dân địa phương đã đào được một pho tượng Nữ thần bằng đồng thau cao 114 cm, đường nét chạm khắc tinh tế, thể hiện hóa thân nữ của Bồ tát Quan Thế Âm Avalokitesvara dưới tên gọi Tara. Có thể đây là pho tượng đặt tại đài thờ trung tâm dâng cúng cho thần Lakshmindra Lokeshvara như được nhắc đến trong văn bia tại di tích Đồng Dương năm 875.

Nữ thần đứng thẳng, hai cánh tay để dọc theo thân, hai bàn tay cầm hai đóa sen đưa về phía trước, thân trên để trần; thân dưới mặc một sarong dài chấm mắt cá chân, tấm choàng ngoài sarong xếp nếp hình luống cày, cuộn vào trong. Khuôn mặt thể hiện đẳng cấp khác thường, với một vẻ nghiêm khắc pha chút lạnh lùng, lột tả một cách hiệu quả tất cả sự đặc sắc của phong cách nghệ thuật Đồng Dương. Minh chứng cho điều này chính là đôi mắt mở to, được cẩn bằng những viên đá bán quý; hàng lông mày dài cũng được chạm trổ theo lối cũ; hình ảnh của đôi tai và nhất là của chiếc mũi cân xứng rất dễ dàng để nhận ra phong cách nghệ thuật này.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Tượng Nữ thần Visnu, tìm thấy ở Phú Hưng, Quảng Nam. Tượng An Mỹ đang chờ đợi một sự nghiên cứu kỹ lưỡng, hứa hẹn gợi mở nhiều phong cách nghệ thuật độc đáo.

Bình luận về chiếc mũi của bức tượng, Jean Boisselier đã miêu tả: Được ban phát cho lỗ mũi có thế lực (quyền thế), rộng và thẳng, vậy mà với chiếc sống mũi lõm xuống nhẹ nhàng, chóp mũi được nâng lên kín đáo, nó ban cho khuôn mặt những nét biểu lộ đa cảm khác nhau tùy thuộc vào việc người ta ngắm nhìn trực diện hoặc nghiêng. Mái tóc được búi cao hình chóp, phía trên có hình Phật A-Di-Đà. Pho tượng này không những là tượng đồng lớn nhất trong nghệ thuật Chămpa, đây còn là một trong những tượng đồng Tara quan trọng nhất ở vùng Đông Nam Á.

Mô tả ảnh.
Tượng đồng Tara - UBND thành phố Đà Nẵng đang đề nghị Chính phủ đưa tượng đồng Tara vào nhóm báu vật quốc gia.

Nhóm tượng thần An Mỹ gồm 2 tượng nam, 1 tượng nữ được tìm thấy vào năm 1982, nằm giữa  những đống đổ nát của các tòa nhà gạch. Không thể xác định chính xác niên đại của các bức tượng bán thân này vì trên thực tế không tồn tại các phiến đá có cùng niên đại để so sánh; người ta ấn định chúng thuộc vào thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 10.

 

Theo các nhà nghiên cứu, có thể định hình một phong cách An Mỹ bởi bộ ngực tượng nữ giới không phù hợp với tính tự nhiên của các thời kỳ trước đây, thay vào đó nó phù hợp với miêu tả mới nhất trong nghệ thuật Chămpa: một giá trị khác của tượng bán thân, chẳng hạn như kut,  bia tổ tiên được lập ra dành cho giới hoàng gia trong ngôi đền, và đôi khi được trang trí thêm một tượng bán thân hình người. Với chiếc khăn đầu khác thường, chưa xác định được ở đâu trong nghệ thuật Chăm, khăn choàng qua vai và được giữ bằng một vương miện, người phụ nữ này có thể được nhận định như là một nhân vật hoàng gia hơn là một nữ thần. Khăn choàng tóc chỉ có thể mới được đưa ra gần đây - môi trường đạo Hồi - theo quan điểm của một số người Chăm sau này với Hồi giáo. Nếu tượng nữ là người của hoàng gia, và các bia này là kut, thì câu hỏi về niên đại của chúng vẫn chưa có câu trả lời.

Trong số những hiện vật được tìm thấy, bia đá Khuê Trung viết bằng chữ Chăm cổ được phát hiện ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng vẫn còn là một bí ẩn lớn với giới nghiên cứu. Theo ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, thì khi tìm hiểu được nội dung bia đá này, sẽ cho nhiều thông tin về các di tích Chăm ở khu vực Khuê Trung, có thể sẽ bổ sung địa danh vào bản đồ di tích Chăm ở Đà Nẵng. Hiện Bảo tàng Chăm đang phối hợp với Trường Viễn Đông Bác Cổ dịch tấm bia này.

Mới đây nhất, cuộc khai quật di tích Chăm Phong Lệ (Đà Nẵng) mở ra nhiều phát hiện mới cho giới nghiên cứu, đó là việc tìm thấy móng một tòa tháp còn nguyên vẹn, sẽ cho nhiều dữ liệu để nghiên cứu quá trình người xưa có kỹ thuật xây tháp Chăm. Lâu nay các nhà khai quật, nghiên cứu mới biết được các giá trị nghệ thuật, điêu khắc ở lớp bề mặt, còn phần chân tháp vẫn là một bí ẩn. Và việc khảo cổ di tích Phong Lệ là cuộc khảo cổ duy nhất từ sau năm 1975 đến nay. Dù nhiều hiện vật có giá trị được tìm thấy sau thời gian 36 năm, nhưng hầu hết đều do người dân thu thập được, thiếu những cuộc khai quật có quy mô, kỹ thuật.

Những hiện vật được phát hiện ở Phong Lệ cùng với Đồng Dương, An Mỹ, Chiên Đàn, Phú Hưng, Quá Giáng, Khuê Trung đã gợi mở nhiều phong cách nghệ thuật riêng trong điêu khắc Chăm.

Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho rằng những nhận xét về phong cách nghệ thuật, niên đại của các hiện vật được phát hiện trong hơn 3 thập kỷ qua mới là những ý kiến ban đầu, cần nghiên cứu có hệ thống, tỉ mỉ mới có thể đánh giá những giá trị của hiện vật. Những đóng góp của các bức tượng về mặt tạo hình, kỹ thuật, nghệ thuật; những phát hiện mới về nhóm tượng thần phương hướng được xem là mới, hiếm thấy… đã đem lại giá trị nghiên cứu, cũng như bổ sung hiện vật trưng bày, giúp Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một trong những nơi có giá trị bậc nhất không chỉ cho khách tham quan mà chủ yếu cho giới nghiên cứu.

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.