Cao bồi Ý trong nhiều thế kỷ trước rong ruổi gặp các nơi ở Maremma, bờ biển kéo dài từ Tuscany tới Lazio để chăn nuôi gia súc. Người, ngựa và gia súc sống trong rừng thông và ôliu có từ thế kỷ 19 cùng với tháp canh thời trung cổ. Trang trại Alberese thuộc quyền quản lý của chính quyền Tuscany với hàng nghìn mẫu đất trồng cỏ, cây lấy gỗ, nho, ôliu và cả cồn cát.
Thế giới hiện đại với nhiều thay đổi tiếp cận nơi đây rất chậm nhưng rồi… cũng tới. Số lượng cao bồi đang ngày càng suy giảm bởi công việc của một cao bồi rất vất vả, vừa cần sự nhanh nhẹn và phải dậy rất sớm. Hiện chỉ còn khoảng 5 người cưỡi ngựa ở Tuscany và một số nhỏ khác ở Lazio. Có một nghịch lý là trong lúc số cao bồi đang giảm gần hết thì lượng gia súc ngày một phát triển mạnh mẽ. Giovanni Travagliati, 101 tuổi vẫn không thể rời bỏ lưng ngựa dù đã có hơn 80 năm làm cao bồi Alberese. “Thậm chí một nông trại nhỏ cũng cần 2, 3 cao bồi trong thập niên 30 của thế kỷ trước. Vậy mà giờ đây khi gia súc phát triển mạnh thì số cao bồi lại ít đi”, ông Travagliati nói. Dường như “máu” cao bồi đã thấm vào người ông khi ông bảo rằng nếu bỏ thanh roi ngựa thì có thể khó mà… đi thẳng được.
Khi nguy cơ cao bồi Maremma biến mất, nhiều người mới giật mình nhận ra đây là vùng đất tiềm năng cho du lịch. Món thịt bò ở đây từng được xem là đặc sản nay được phát triển mạnh hơn nữa. Người dân nơi đây có hẳn dự án phát triển du lịch để khách có thể leo lên lưng ngựa làm cao bồi với sự giúp đỡ của những cao bồi chính hiệu. Khách du lịch sẽ tự tay làm những việc của cao bồi như thắt dây ngựa, chăn bò… Du lịch cao bồi đang có cơ hội mở ra khi mà nhiều người chịu cảnh thất nghiệp từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã tới đây tìm thử thách mới. Yuri Pieretto, 28 tuổi tỏ ra thích thú với ý tưởng làm cao bồi sau khi mất việc thợ điện do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dù anh hiểu rằng đó là công việc nặng nhọc nhưng sẽ là bước đầu cho ngành du lịch ở đây và khôi phục hình ảnh cao bồi nước Ý.
Tịnh Bảo