Vậy cũng đã gần 40 năm kể từ ngày đầu tiên anh trở lại chiến trường xưa, ngắt từng bông hoa dại và sau này là mua hoa thả trên các dòng sông Quảng Trị, tưởng nhớ đồng đội. Không ai bán hoa, nên anh cứ tìm góp từng nhánh hoa rừng, từ hoa mua, hoa chạc chìu kết trên chiếc bè bằng mấy bó sậy khô, đốt mấy điếu thuốc lên thay cho hương rồi thả xuống sông cho anh em. Đến năm 1987, bên chợ Quảng Trị đã bắt đầu có bán hoa cúng, anh mới vào chợ mua hoa ra thuê thuyền xuôi Thạch Hãn thả vào lòng sông viếng anh em bè bạn. Không ngờ sau lần đó, mọi người biết đến, và cứ thế, mỗi người một nhành hoa tiếp thêm thành tập quán tâm linh và dần dần trở thành lễ hội thả hoa như bây giờ.
Anh nói:
- Vài năm nay, mỗi lần thả hoa, thắp hương cho anh em, trong anh cứ gợi lên nhoi nhói lời thề đồng đội. Những năm chiến tranh ác liệt, mỗi khi vuốt mắt, gói đồng đội đưa vào lòng đất, chúng tôi lòng vẫn nhủ lòng như một lời thề: Sau này hòa bình, nếu còn sống, chúng tôi sẽ vào đưa đồng đội về quê. Nhưng mấy chục năm nay, những khi lên rừng, những lúc xuống sông viếng bạn, tôi nhận ra một điều: Không thể đưa được hết các đồng đội đã hòa thân xác vào đất nước chiến trường về quê.
Lòng lại nhủ lòng, không đưa được đồng đội về quê, thì đưa quê hương vào cho đồng đội. Từ lời nguyền này, bắt đầu từ năm 2009, tôi đã đứng ra tự tổ chức hẳn chương trình “hành hương ấm rừng đồng đội” với chủ đề “Đưa quê hương vào cho đồng đội”. Cuộc hành hương năm 2009, thu hút được 153 đồng đội từ các tỉnh, thành cả nước mang theo đất và nước 3 miền gồm: 1 hộp Đất hoàng thành Thăng Long, 1 bình nước Hồ Gươm (Đồng bằng Bắc Bộ); 1 Hộp đất núi Chung (Nam Đàn quê Bác), một bình nước sông Lam (miền Trung);1 Hộp đất 18 thôn vườn trầu Bà Điểm - 1 bình nước bến Nhà Rồng (Nam Bộ) và mỗi người mang theo chai nước giếng nhà bạn bè đồng đội mình… đưa vào Quảng Trị thực hiện nghi lễ “Hòa đất nước sông quê vào lòng Thạch Hãn”… Tiếp đó, tháng 7 năm 2010, cuộc hành hương được sự hưởng ứng của 413 đồng đội và thân nhân liệt sĩ. Năm nay, dự định không tổ chức hành hương, nhưng tôi được quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup hỗ trợ 300 triệu đồng để xây hoa viên mộ một liệt sĩ ở Triệu Phong, và trao nhà tình nghĩa, quỹ học bổng “Quá khứ nuôi tương lai”.
Lê Bá Dương cùng đồng đội thả hoa bên dòng Thạch Hãn. |
- Cũng nhờ không có tên tác giả mà tôi luôn được mọi người hỏi đến. Cũng có lần ngồi với một nhà lãnh đạo địa phương, khi ông ấy bảo tôi: Không đề tên tác giả, nhưng ai cũng biết tác giả là ai rồi (!)… Có lần anh Phan Khắc Hải (nguyên Thiếu tướng Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, Thứ trưởng Bộ VHTT) nói thẳng thừng: Dùng thơ của tác giả mà không đề tên tác giả như vậy là trái luật.Tôi nói chuyện với anh ấy: Thôi thì tùy lòng người dùng. Thơ tôi rứt từ tấm lòng tôi với tình yêu Quảng Trị - Nơi đang nuôi ủ hàng vạn đồng đội tôi. Nếu thấy đề tên tôi mà thêm một người yêu Quảng Trị thì để. Còn nếu để tên tôi mà bớt một người yêu Quảng Trị thì thôi…
* Anh thường không tự nhận mình là nhà thơ, nhưng hầu như những câu thơ đã phổ biến của anh, đều tạo được xúc động trong lòng người đọc. Vậy anh có ý định khẳng định sự nghiệp về thơ hay không?
- Thơ tôi chỉ viết khi thấy phải rứt lòng ra. Những bài mình đọc được, cũng in được vài ba tập. Có lần, tranh thủ bạn bè thương quý, tôi xin được chút tiền đem sưu tập thơ của những anh em đồng đội đã hy sinh in thành cuốn “Nhật ký Trung đoàn viết bằng văn vần”. Sách in xong, ngoài việc tặng cho đơn vị, tôi gửi cho những gia đình thân nhân các liệt sĩ có thơ cũng như được nhắc đến tên trong tập thơ như một di vật để gia đình có cái mà thờ, cúng… Âu cũng là cách “nuôi” sự tồn tại của cuộc đời các liệt sĩ trên cõi đời. Đang định đợt này xin tiền bạn bè, bổ sung, tái bản lại thêm mới đủ cho các gia đình, bạn bè đồng đội. Chiến tranh mới quá mấy chục năm, đã kẻ nhớ người quên. Tôi cứ đau đáu: “Mai này ta khuất núi/ Ai là người đọc thay”.
* Cuộc chiến cũng đã qua lâu rồi, anh vẫn chưa nguôi trăn trở với những nỗi đau quá khứ, còn những vấn đề bức bối trước thời cuộc hiện nay thì sao?
- “Chẳng ai quên được nỗi đau/ Rứt lòng đau đến muôn sau vẫn còn”. Nhưng chính từ nỗi đau không quên đó, khiến người ta không thể không bạc tóc trước những “dâu bể” cuộc đời. Đó không phải là sự nhận vơ về trách nhiệm công dân… mà hơn hết đó là sự chấp nhận tự nguyện: “Cứ ngỡ ưu tư, mỗi ta tóc bạc/ Mới hay Trường Sa, sóng cũng bạc đầu/ Và cứ ngỡ trời nhuộm xanh màu biển biếc/ Ô hay, tóc trời, mây cứ trắng phau phau”.
Lê Bá Dương sinh ngày 10 tháng 4 năm 1953 tại Nghệ An; là chiến sĩ quân giải phóng tại thành cổ Quảng Trị, hiện là phóng viên thường trú của Báo Văn Hóa tại Nha Trang. Anh còn có các bút danh Tư Lê, Lý Quảng Trịnh, Triệu Gio Cam. Tháng 4 năm 1968, khi mới 15 tuổi anh khai tăng tuổi để được nhập ngũ. Từ 1968 đến 1973, qua nhiều trận đánh vào sinh ra tử trên khắp chiến trường Quảng Trị, Lê Bá Dương đã được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”, “Dũng sĩ diệt máy bay”. Trên mặt trận B5 (đường 9, Quảng Trị) đương thời từng dấy lên phong trào “Xung kích như Lê Bá Dương, chốt chặt như Lê Bá Dương”. Các tờ báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tiền phong đã có nhiều bài viết và in ảnh Lê Bá Dương mặt trẻ măng, kẹp AK giữa chiến trường, với ánh mắt trong veo và đôi môi mím chặt. |