.
Giới thiệu sách

Khát vọng sống, khát vọng yêu(*)

.

Trong huyền thoại Ba Tư, Hòn đá kiên nhẫn - Nhẫn thạch là một hòn đá ma thuật mà người ta đặt trước mặt mình để trút gửi vào nó tất cả những đau đớn, những bi thương, những thống khổ không thể giãi bày… Người ta ký thác nó cho tất cả những gì không dám thổ lộ với ai khác. Và hòn đá, như một miếng bọt biển, hút lấy tất cả những lời đó, tất cả các bí mật cho đến một ngày nó nổ tung. Ngày đó ta được giải thoát.

Mô tả ảnh.

Mượn hình tượng đậm tính chất huyền thoại này, với sự hóa thân của người chồng thành hòn Nhẫn thạch cho người đàn bà được một lần nói thật. Nhẫn thạch ám ảnh người đọc bằng hình ảnh họa tiết chim di cư trên tấm rèm thủng lỗ chỗ cứ trở đi trở lại, cùng với những giãi bày của người đàn bà, những động tác, những câu nói khi chị hạ giọng, khi lại cao vút lên, bức bối… Đó là những diễn tiến của một vở kịch: Người phụ nữ gần như là nhân vật duy nhất trên sàn diễn. Bối cảnh chỉ là một căn phòng không trang trí, các lớp cảnh và các phân đoạn nối tiếp nhau, hết cảnh mặt trời mọc lại đến cảnh mặt trời lặn. Hành động hết sức giản tiện khi người chồng chỉ có một hành động duy nhất vào cuối vở kịch, khi “nổ tung” để bẻ gãy cổ vợ mình, điều đó làm nổi bật tiếng nói của người phụ nữ. Trên chất nền trầm đều của lời khấn nguyện thỉnh thoảng xen vào một tiếng bom nổ, là những câu văn thể hiện sự bấn loạn, nhức nhối, hoảng loạn của người phụ nữ trước những áp lực đang đè nặng lên tâm can mình. “Tiếng nói thoát ra khỏi cổ họng tôi, đó là tiếng nói đã bị vùi nén từ hàng nghìn năm nay”.

 

Mở đầu cuốn tiểu thuyết, tác giả viết như một lời đề từ : Đâu đó ở Afghanistan hay một nơi nào khác và có thể không chỉ hiện thực ở Afghanistan mà là hiện thực của cái thế giới đầy rẫy phi lý này, được “kể lại” một cách vừa bình dị vì vô cùng chân thật vừa dữ dội như vậy, bởi nó được mô tả không phải qua lý trí lạnh lùng của đàn ông mà là qua toàn bộ cảm nhận bằng thân xác sâu kín nhất, nồng cháy nhất của người đàn bà.

Tiểu thuyết Nhẫn thạch của Atiq Rahimi, nhà văn Afghanistan nhập cư vào Pháp, lần đầu tiên viết bằng tiếng Pháp, đã lập tức đoạt giải Goncourt năm 2008. Bởi như Hội đồng thẩm định giải Goncourt nhận xét: Nhẫn thạch được chọn vì chất văn học tuyệt vời, tính hiện đại, khắc nghiệt, độ chính xác và lối viết không chút cường điệu của nó. Atiq Rahimi đã đưa tất cả tâm hồn của một nhà thơ Afghanitan vào trong cuốn sách thứ tư của mình - cuốn tiểu thuyết đầu tiên ông viết bằng tiếng Pháp. Ông đã để mình trôi theo những đớn đau của người phụ nữ trong truyện, viết thay cô bằng những ngôn từ điên dại, thẳng thắn, khiêu khích, đầy ham mê, nhục dục cùng những hoan lạc bị cấm đoán.

Hoàng Nhung

(*) Đọc Nhẫn thạch – Atiq Rahimi, Nhà văn Nguyên Ngọc dịch. NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam ấn hành 2010.

;
.
.
.
.
.