17, 18 và thậm chí ở giữa tuổi 15, hàng vạn thanh niên đã xung phong lên đường, đặt những nhát cuốc đầu tiên để mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc; hay bạt đồi, khai đất, mở đường trên vùng cao nguyên xanh bao la, xây dựng các vùng kinh tế mới khi đất nước vừa im tiếng súng. Nhớ lại quãng thời gian đã qua, những cựu Thanh niên xung phong (TNXP)đều xem đó là một thời đáng sống.
Minh họa: Hoàng Đặng |
Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm Trước khi gia nhập lực lượng TNXP, chị Nguyễn Thị Nguyền (hiện sống tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) đã có hơn 2 năm làm công nhân công trình đập chứa nước Cẩm Ly của tỉnh Quảng Bình. Mới 17 tuổi, ăn chưa no, lo chưa tới, lại “thấp bé nhẹ cân”, đôi lúc không hoàn thành hết công việc nên cuối mỗi ngày, nhiều người cùng đội sản xuất đã cho chị thêm phiếu điểm để đạt ngày công (10 phiếu). Thế nhưng khi biên chế vào Binh trạm 7, đường 20 Quyết Thắng thuộc Đoàn 559 giữa năm 1965, chị Nguyền không còn là một cô bé yếu ớt của năm trước nữa. Hằng ngày, chị tất bật với bao công việc đắp đường, nổ mìn phá đá, khuân đá, chặt cây, mở đường. Từ Binh trạm 7, đại đội C7, D3 của chị mở đường qua bản Cà Ròong, băng qua sông Sê Băng Hiêng để nối vào đường Tây Trường Sơn.
Một năm sau ngày gia nhập lực lượng, Nguyền được kết nạp Đảng, năm sau nữa chị lên làm Tiểu đội trưởng. Ngày đêm bám mặt đường, làm việc bất kể ngày hay đêm. Những cung đường mở vừa đủ xe đi, có nhiều đoạn cheo leo giữa một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Có những ngày, chị chỉ ước khoảng nửa giờ không có tiếng bom dội.
Tuổi xuân gửi lại chiến trường, nhưng các chị cựu TNXP vẫn giữ được nụ cười lạc quan tươi mới. |
Ông Ngô Công Điểm (hiện sống tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) rời quê hương Nghệ An lên đường lúc 17 tuổi, vào đến đồn Công an Cu Bay (Quảng Trị), trung đội của ông mở một con đường nhỏ rộng khoảng 1 mét, dùng xe đạp thồ để gùi hàng. Ông là dân vùng biển, được giao cùng những anh em khác dùng loại thuyền ba lá chở vũ khí vượt dòng Sê Băng Hiêng chuyển vào chiến trường miền Nam. Khoảng 4 giờ sáng lên đường, đi về trong ngày, con sông nhiều thác ghềnh, nhấn chìm nhiều chuyến hàng và cả người vẫn không làm anh em nản chí.
Năm 1966, ông cùng đồng đội quay về Cự Nẫm-Phong Nha, đóng quân ở Binh trạm 14, bắt đầu mở tuyến đường 20 vượt Trường Sơn. Nghề làm đường cũng gắn với ông từ đó cho đến lúc nghỉ hưu. Cung đường này toàn bùn lầy và đá tai mèo và phải mất cả năm mới hình thành. Ông Điểm vẫn nhớ những khúc cua ở các đoạn có vực thẳm như ở km 33 chỉ dài khoảng 10 mét nhưng anh em phải dùng búa cầm tay đẽo từng chút đá, mở phải đủ rộng khoảng 4 mét cho xe tăng qua.
Trung đội của ông đóng ở đỉnh U Bò, phụ trách toàn tuyến, đặc biệt là những trọng điểm ở km 16, 17, 32, 33. Năm 1969, 1970 địch đánh phá liên tục khiến tuyến đường bị hư hỏng nặng, trung đội của ông mở 2 tuyến đường nhánh C và K. Đường K đi qua rừng nứa, không có cây rừng ngụy trang, bùn lầy quanh năm, dài khoảng 10km, các ông đã giăng dây mây làm thành những cái giàn trên lợp lá cây đùng đình, chặt những cây gỗ đường kính cỡ 10-15cm, kẹp lại bằng dây mây, lót đường cho xe qua. Cứ 3 ngày lại vào rừng chặt lá đùng đình về thay… Ông bảo hồi đó mình rất khỏe, chẳng mấy khi đau ốm. Anh em sốt rét xanh tím cả người, ông được chừa lại, nên hầu như lúc nào ông cũng có mặt trên đường, và không hiểu sao bom đạn cũng không đụng đến ông. Ông có người bạn buổi chiều còn gặp nhau ở cuộc họp chi bộ, vài giờ sau đã ngã xuống. Ông đi tìm từng mảnh thi thể bạn, gói ghém đem chôn ở khu nghĩa địa cạnh đường. Nỗi đau cứ thế lặn vào trong, không biết sợ là gì nữa. Năm 1969, khi đang vá đường, nghe tin Bác mất, anh em đứng ôm nhau khóc, nước mắt dồn nén nhiều năm giờ mới có dịp tuôn chảy…
Ông Ngô Công Điểm lần giở những trang nhật ký ghi chép trong thời gian ông tham gia mở đường Hồ Chí Minh những năm chống Mỹ. |
Những đôi chân vạn dặm 18 tuổi, rời quê hương Hòa Hải lên vùng B Đại Lộc, chị Phạm Thị Sen (hiện sống ở 143 Nguyễn Chí Thanh-TP. Đà Nẵng) biên chế của Tổng đội TNXP Võ Như Hưng gắn một quãng thời gian của đời mình với đôi dép cao su, cây gậy và gùi hàng trên lưng, chuyển hàng, tiếp tế cho các chiến trường đến ngày Đà Nẵng giải phóng. Ban đầu mỗi gùi hàng của cô chỉ nặng khoảng 16kg, qua vài tháng đã tăng lên 40-50kg. Mỗi ngày xuất phát lúc 5 giờ, 11 giờ trưa đưa hàng đến điểm tập kết, lúc quay về cứ hai người một, khiêng những người lính bị thương về các trạm xá. Nhiều thương binh được các chị khiêng về đến trạm nhưng vết thương quá nặng đã không qua khỏi. Trong một lần khiêng thương, Sen không ngờ người nằm trên cáng là anh rể. Anh em nhận nhau, vui mừng khôn xiết, vì biết mình vẫn còn sống, vẫn có thể tiếp tục chiến đấu.
Những đôi dép cao su theo đội quân tóc dài của chị Sen không biết bao nhiêu cây số đường rừng. Dép mòn lại đi chân không. Những ngón chân bấm xuống đất, làm trụ. Chiếc gùi làm bằng bao tải, được buộc 2 đầu 2 sợi dây làm thành chiếc gùi như của đồng bào dân tộc, cây gậy giúp các chị vững bước, vượt những con dốc dựng đứng, đường lầy và trơn tuột. Cứ thế, những tổng đội TNXP của Quảng Nam-Đà Nẵng bằng đôi chân của mình vượt qua biết bao dặm đường, lên Trường Sơn, về đồng bằng, ra Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị. Hàng nghìn km đường họ đã bước qua, với tất cả ý chí, lòng quyết tâm và tinh thần quả cảm.
Một thế hệ TNXP mới sau hòa bình Đất nước im tiếng súng, nhưng một lớp TNXP ra đi xây dựng quê hương sau ngày đất nước giải phóng đã ghi danh vào trang sử vẻ vang của lực lượng TNXP. Trần Thị Liên (hiện sống ở 11 Ba Đình-TP. Đà Nẵng) là con gái thành phố, mới 17 tuổi, chỉ biết cắp sách đến trường cho đến ngày 29-3. Lúc đó thành phố kêu gọi thanh niên lên đường đi xây dựng Tây Nguyên trong thời gian 6 tháng, Liên đăng ký với tất cả lòng quyết tâm, nhiệt huyết của tuổi trẻ và một ý nghĩ “ngây ngô” là giống như đi… Đại Lộc. Ngày 10-10-1975, Liên hòa vào dòng người gần cả nghìn thanh niên lên đường đến Đăk Tô, Kon Tum. Đến nơi, thấy núi rừng hoang vu, những cô cậu con gái con trai đã ôm nhau mà khóc.
Chị Liên kể, lần đầu đi phát rẫy, lấy đất sản xuất lương thực, gặp đồi cỏ hoa trinh nữ, các chị lấy thùng phuy lăn qua, thấy cây gục xuống hết, gặp nắng Tây Nguyên, những cô gái thành phố yên tâm là cỏ đã chết, nhiệm vụ phải làm 2-3 ngày giờ chỉ cần làm một buổi là xong! Nhưng đến hôm sau ra rẫy, thấy cây sống lại…
Sau 3 tháng, Liên về ngành cầu đường của Kon Tum, mở đường Đăk Lây từ Kon Tum về Quảng Ngãi, làm tất cả mọi công việc, từ khuân đá, đan những sọt tre đựng đất, chặt cây… hết công trình này đến công trình khác. Mảnh đất Gia Lai-Kon Tum, nơi nào chưa có đường là TNXP có mặt. Làm đường đến đâu, nữ TNXP (gồm mỗi A từ 12-13 người) đến các cung đoạn chặt tre, dựng nhà, cắt tranh về lợp mái, tự kiếm cây về đóng thành giường.
Hằng tháng mỗi người được phát 21kg lương thực, trong đó độn khoai, sắn một nửa, quanh năm ăn cá khô, rau thì hái lá tàu bay, lá sắn. Đến lớp vỏ trong của củ sắn cũng được muối chua để làm món xào. Nước mắm làm bằng nước trà, nước mỡ và muối. Mỗi tháng được phát một miếng xà phòng bánh để vừa giặt vừa tắm gội. Cuộc sống thiếu thốn là thế, nhưng chị em yêu thương nhau rất mực. Chị Liên cho rằng chính tình cảm đó đã giúp những người thanh niên mới lớn như chị dù sống và làm việc trong cảnh cực khổ nhưng không ai cảm thấy hối tiếc khi rời thành phố ra đi.
Thời TNXP của các chị, dù không có bom dội trên đầu, nhưng bom, mìn còn sót lại đã cướp đi bao đồng đội. Vẫn còn hơn 100 người trong số gần 1.000 TNXP của Đà Nẵng ra đi ngày đó đang sống, làm việc tại thành phố. Nhưng cho đến nay lực lượng này vẫn chưa được công nhận chính thức.Họ gặp nhau, tự giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đôi khi ngậm ngùi, vì một thời gần 10 năm họ cống hiến tuổi xuân, sức lực cho đất nước, nhưng gần như bị lãng quên trong ngày kỷ niệm 15 tháng 7 hằng năm…
Hoàng Nhung