Căn gác nhà chị, trong bốn bức tường cheo leo giữa phố phường náo nhiệt này, đã chứa tất cả những khát khao, đớn đau đến tột cùng. Với chị, lửa đạn đi qua cũng là lúc phải bước vào một cuộc chiến khác tàn khốc hơn những gì chiến tranh đã mang lại.
“Đàn bà đi biển mồ côi…”
Chị Minh ước mơ có một căn nhà thờ tự mẹ cha và con trai. |
Sinh ra tại xã Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam, mẹ hy sinh khi chị mới 1 tuổi, lên 9 tuổi cha chết vì giẫm mìn, Lê Thị Minh (sinh năm 1955) côi cút giữa cuộc đời. Hơn 10 tuổi, chị đi theo cách mạng. Có thời, chị bị bắt ở tù tại Hội An vì làm du kích mật. Sau khi ra tù, năm 1971, chị chính thức trở thành nữ TNXP thuộc Tổng đội Thanh niên Nguyễn Văn Trỗi, đóng tại Đại Lộc. Hòa bình lập lại, chị học bổ túc và làm nhân viên Bệnh viện Đà Nẵng cho đến ngày nghỉ hưu.
Cựu nữ TNXP Lê Thị Minh bắt đầu câu chuyện đời mình bằng một lý lịch tưởng “trơn tru” như thế, nhưng gương mặt chỉ có hai biểu cảm xen kẽ: cười rồi khóc, khóc rồi cười. Nếu những kỷ niệm về thời con gái tải thương, gùi đạn, làm đường khiến chị hân hoan chừng nào, thì cuộc sống hiện tại làm chị nức nở chừng ấy.
Tuổi xuân nằm lại chiến trường, 29 tuổi, nghèo túng và không mấy nhan sắc, Lê Thị Minh quyết định tự có một đứa con. Thời đó, búa rìu dư luận dành cho một người đàn bà như chị thật nặng nề, nhất là trong hoàn cảnh chị chẳng còn ai ruột rà thân thích để nương tựa. Chị bị đưa ra kiểm điểm trước đơn vị. Có người gặp riêng chị đến năm lần chỉ để yêu cầu phá thai. Chị cầu xin cho mình được giữ lại đứa bé, thậm chí bị đuổi việc cũng cam lòng. Chín tháng mang nặng, chị trốn chui, trốn nhủi. Từ đáy lòng, chị luôn thấy có lỗi, nhưng khát khao được làm mẹ thôi thúc chị bảo vệ mầm sống đang dần lớn lên trong cơ thể mình.
Cái ngày chị chờ đợi cũng đến. Hạnh phúc ôm đứa con trong lòng, nhưng, chút hạnh phúc lóe lên như một đốm sáng nhỏ nhoi. Đứa bé ra đời cứ liên tục nằm viện, phẫu thuật. Chị bán bộ quần áo đẹp đẽ duy nhất. Chị bán máu đến 15 lần để có tiền xoay xở cho con. Ngoài giờ làm việc, chị đi lượm ve chai, bới rác thải, tìm bất kể thứ gì có thể bán kiếm tiền được. Đôi bàn tay bao lần rớm máu, nhưng sâu thẳm trong trái tim người mẹ là niềm vui khôn cùng được che chở, nuôi nấng đứa con trai bé bỏng. Cứ mơ đến ngày tuổi già có con bên cạnh, chị như được tiếp thêm động lực để vượt qua tất cả những chông gai. Có lần mẹ bị bệnh, thằng bé cao nhong nhỏng 1m70 ngồi bón từng thìa cháo. Sợ con mệt, chị giả vờ đã no không muốn ăn. Thằng bé mếu máo: “Sao mẹ đau mà không lo cho bản thân, cứ nghĩ cho con hoài”. Chị mệt nhoài mà hạnh phúc trào dâng… Những tưởng đốm sáng nhỏ nhoi chị sẽ suốt đời gìn giữ. Ai ngờ….
Hạnh phúc xa xăm
Ông trời không rủ lòng thương, khi gieo xuống đời Lê Thị Minh cái ngày định mệnh. Đó là buổi sáng của 10 năm về trước. Trên đường đi chợ về, nhận tin báo đứa con trai 18 tuổi bị tai nạn giao thông, chị lao vào Bệnh viện Đà Nẵng, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Không có gương mặt nào quen cả, trở lại nhà. Thi thể tắt lịm sự sống của đứa con đã được mang về trước cửa.
Chị “chết” từ dạo đó. Dập tắt nguồn vui. Dập tắt hy vọng. Dập tắt niềm tin. Chị sống như một người không còn gì đón đợi. Cứ nhắc đến con là chị nấc lên từng hồi như cái tin quái ác kia mới đến từ hôm qua. Căn bệnh ung thư vú đang hiện hữu trong cơ thể cũng chẳng là gì với chị nữa. Kiệt sức lắm chị mới vào Sài Gòn uống thuốc một đợt. Ai khuyên nhủ điều trị, chị mặc kệ. Hai, ba ngày chị mới nấu cơm một lần, bởi sợ đối diện cái cảm giác lúc cơm vừa chín tới. Chẳng còn con sà vào mâm cơm với mẹ. Những hạt gạo bỗng hẩm hiu, đắng chát đến vô cùng. Đêm đêm, chị thao thức không ngủ, mở cửa đợi con về. Chị sang nhà hàng xóm, gọi đứa bé mới lọt lòng là “cháu nội” để đỡ nhớ con. Nhưng sao càng cố nguôi ngoai, nỗi đau càng thăm thẳm.
Hạnh phúc với người đàn bà từng là nữ TNXP ấy không phải xa xăm nữa, mà tít tắp như tận cuối chân trời.
Trước hiên nhà có “vườn” rau với… 10 cây cải con, vài cọng ngò, mấy cây sả. Đó là mầm sống duy nhất vỗ về lòng chị những ngày quạnh vắng.
Ước nguyện
Nếu không vì tìm đến nhà chị (gác trên nhà 129 Hải Phòng), có lẽ chẳng thể nào tôi hình dung được trên con đường này-một con phố chính thuộc nội thành Đà Nẵng lại đang tồn tại một khu nhà có căn gác cũ nát đến thế. Chỉ 7 bậc thang gỗ dẫn lên “lầu” mà dễ khiến ai đi lần đầu cũng thót tim khi nó đã mục ruỗng, mòn nhẵn với hàng tỷ bước chân và chỉ được gắn với tường gạch loang lổ bằng sợi dây thép bé tí tẹo đã hoen gỉ từ đời nào. Thế mà nữ TNXP Lê Thị Minh, nay đã là người đàn bà 56 tuổi đã ở thuê tại đây ngót nghét trên 30 năm. Chị cố cười: Hồi chiến tranh, ngồi trên núi cao, chị và đồng đội ước mơ được ngủ dưới Đà Nẵng một đêm rồi chết cũng cam lòng…
Vài tháng trước, đồng đội cũ ghé thăm và giúp “chỉnh trang” chỗ ở bằng cách lợp lại mái và lát gạch nền. Căn gác nhờ thế thôi xập xệ và “rộng” hơn khi tổng diện tích của nó đã lên đến… 9 mét vuông. Từng ấy đủ đặt bàn thờ của con và một chiếc giường ngủ của mẹ. Chỉ có điều, cái “công trình phụ” 0,5m x 1,5m vẫn là chỗ phải kham cả nấu nướng, tắm giặt, v.v…
Chị không than vãn về sự đãi ngộ đối với một người từng dành tuổi trẻ cho Tổ quốc, bởi nghĩ rằng đóng góp của bản thân như hạt cát bé nhỏ giữa sa mạc. Bao đồng đội ngã xuống, mình còn sống đến hôm nay đã là diễm phúc. Chị chỉ còn ước nguyện cuối cùng trong lúc tuổi già đang đến và bệnh tật hành hạ, là có một mảnh đất của riêng mình để dựng một căn nhà thờ tự mẹ cha và con trai. Mai kia mốt nọ, chị không còn trên cõi đời này nữa, thì đó cũng là chỗ đi-về của một kiếp người từng biết thế nào là tận cùng cô đơn và bất hạnh.
Thu Hoa