“Sinh vi tướng, tử vi thần” (sống làm tướng, chết làm thần), suốt mấy trăm năm qua, Hưng Đạo Vương đã được dân gian vinh danh là Đức Thánh Trần và để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống tâm linh của người Việt.
Đường Trần Hưng Đạo nhìn từ cầu Sông Hàn. |
Đất nước thanh bình, Thượng Quốc Công Trần Quốc Tuấn về sống trong thái ấp ở Vạn Kiếp. Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý năm Hưng Long thứ tám (tức ngày 5 tháng 9 năm 1300), ông mất tại tư dinh, được triều đình phong tước hiệu cao nhất Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.
Ông để lại công nghiệp lừng lẫy nghìn đời, thật là hiếm có. Tiếng vang đến phương Bắc, chúng tôn kính gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên.
Cảm phục tài năng đức độ của ông, sử thần Ngô Thì Sỹ ca ngợi: “Tài văn võ có thể làm phép cho muôn đời, mà riêng không nhận sự tốt đẹp ấy; anh hùng có thể lừng danh hai nước mà cũng không coi mình là người có công nghiệp ấy. Thế lực có thể lật núi lấp sông, xua tan sấm gió mà vẫn nơm sợ oai trời gang tấc… về lòng trung thấu đến mặt trời, mặt trăng, khí tiết động đến quỷ thần… Thật đáng làm gương hàng trăm đời cho những người bề tôi”.
Thương tiếc người anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông, người dân Đại Việt lập đền thờ ông ở nhiều nơi, trong đó lớn nhất là đền Kiếp Bạc. Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc).
Hơn 7 thế kỷ qua, ông được người dân nhiều đời tôn sùng là Thánh, không gọi trực tiếp tên ông mà gọi một cách kính ngưỡng là Hưng Đạo Vương, Hưng Đạo Đại Vương, Đức Thánh Trần, hoặc gọi là Cha (tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ). Có thể khẳng định rằng, trong hệ thống nhân thần được thờ tại Việt Nam, không có vị thần nào được nhiều nơi thờ như Đức Thánh Trần, nhưng nơi được coi là thiêng liêng nhất là đền Kiếp Bạc. Hằng năm, cứ đến ngày 20 tháng 8 âm lịch, nhân dân ở mọi miền đất nước vẫn luôn hướng về đền Kiếp Bạc như hướng về nguồn cội của mình. Điều này đã được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mô tả trong lời thơ của mình như sau:
Nghi ngút khói hương không dứt/ Đền thiêng Vạn Kiếp trang nghiêm/ Thiêng liêng thờ phụng tôn sùng/ Sánh với thập phương Bồ Tát.
Ngày 17 tháng 8 năm Bính Tuất (2006), Viện Văn hóa-Thông tin và Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Hải Dương đã thử nghiệm tổ chức liên hoan diễn xướng hầu Thánh ở đền Kiếp Bạc với một số bài hát chầu văn ca tụng cuộc đời và sự nghiệp của Đức Thánh Trần như: Bạch Đằng nhất trận thủy công/ Tặc Nguyên đại phá huyết hồng mãn giang.
Ở Đà Nẵng, trước đây con đường mang tên ông chỉ dài 287m, nối từ đường Nguyễn Thái Học ra đến giáp đường Bạch Đằng. Theo Nghị quyết của HĐND thành phố khóa VI, ngày 12-1-2002, đường Nguyễn Thái Học được nối dài thêm đoạn đường Trần Hưng Đạo cũ. Còn con đường mang tên ông là con đường mới nằm dọc theo bờ Đông sông Hàn, dài 4.610m. Đây cũng là cách mà người dân Đà Nẵng tỏ lòng tôn vinh công đức của Đức Thánh Trần.
Lê Gia Lộc