Chị Thao |
Từng phút từng giây chiến trường đang mong đợi/Chị em mình ơi tải đạn nhanh lên/Quê hương ta đó chìm trong lửa máu/Anh giải phóng quân đang cần đạn để diệt thù…”. Hơn 40 năm trôi qua, chị Phạm Thị Thao vẫn như nghe đâu đó câu hát từ thời thanh xuân vọng lại. Thời mà ở tuổi 19, chị được giao làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vận tải 232 (Cục Hậu cần Quân khu 5) với gần 400 quân, hầu hết là nữ, ở độ tuổi mười tám, đôi mươi.
Người chị cả của Tiểu đoàn 232
Quê ở vùng cát Non Nước, mảnh đất kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ (nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), Phạm Thị Thao sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bố bị giặc bắt, tra tấn tàn khốc vẫn không một lời khai báo. Ông đã trút hơi thở cuối cùng trong lao xá Hòa Vang năm 1969. Mẹ mất sớm, còn anh và em trai đều đi bộ đội từ khi chưa tròn 17 tuổi. Không thể ngồi nhìn quân thù giày xéo quê hương, người con gái đầy chí khí ấy đã tình nguyện đi Thanh niên xung phong (TNXP) khi chưa đến tuổi thanh niên.
Thoát ly năm 1965, chị công tác tại Tổng đội TNXP Quảng Đà. Hai năm sau chuyển sang bộ đội và trở thành Đại đội trưởng của Tiểu đoàn Bắc Hải. Đầu năm 1969, khi thành lập Tiểu đoàn vận tải 232 (Cục Hậu cần Quân khu 5), chị được giao làm tiểu đoàn trưởng với gần 400 quân, hầu hết là nữ dưới 20 tuổi, quê ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Nhiệm vụ chính là vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực từ hậu cứ ra phía trước và chuyển thương binh từ các tuyến trước trở về.
Tròn 19 tuổi, người con gái Hòa Hải xông xáo, gan dạ trong mỗi chuyến hàng. Chị đã thổi lòng nhiệt huyết vào những cô gái căng tràn sức sống một quyết tâm “Đạp 50 cân xuống đất, vất 70 ký sang bên, vì chiến trường mang lên 1 tạ”. Vượt qua đèo cao suối sâu, mưa ngàn thác lũ và bom đạn quân thù, từ năm 1969-1972, đơn vị đã vận chuyển trên 9.000 tấn hàng các loại, với tổng quãng đường đi bộ hàng vạn km, tô đắp nên truyền thống “Kiện tướng hành lang, gương mẫu, đảm đang, chân đồng vai sắt”.
Suốt những chuyến hàng, chị Thao cứ ngỡ đồng đội của mình đã quên rằng mình là phụ nữ. Người nào cũng chất trên vai bao gạo nặng trĩu. Những bao gạo phải được mang nguyên vẹn ra mặt trận. Còn chị em, lương thực hằng ngày vẫn chỉ có bo bo. Chỉ những ai đau ốm, bị thương và có lệnh của chỉ huy mới được phép lấy gạo sử dụng. Những khi địch phong tỏa, các chị lại kiếm củ sắn, lá sắn và cây môn rừng làm thức ăn. Còn rau tàu bay, lúc nào cũng được xem là đặc sản.
Giữa đạn bom ác liệt, cả Tiểu đoàn hết lòng thương yêu nhau, san sẻ cho nhau từng viên thuốc, cọng rau, thìa cháo và hát vang các bài ca cách mạng để động viên nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Hồi đó, những bài hát “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Cô gái mở đường”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”…, chị Thao và cả đồng đội ai cũng thuộc lòng. Đặc biệt, khúc hát “Từng phút từng giây chiến trường đang mong đợi/Chị em mình ơi tải đạn nhanh lên/Quê hương ta đó chìm trong lửa máu/Anh giải phóng quân đang cần đạn để diệt thù…”, cả đơn vị hát rất say sưa, hào hứng. Như thể, đó là những câu hát vận vào đúng trách nhiệm và nhiệt huyết của cả đơn vị.
Trong 4 năm ấy, Tiểu đoàn 232 đã có 58 đồng chí hy sinh và hàng trăm người bị thương, bị nhiễm chất độc hóa học.
Phạm Thị Thao nhớ mãi hình ảnh đồng chí Chính trị viên phó Đại đội 3 Trần Thị Lâu hy sinh năm 1972 khi vận chuyển hàng qua sông Nước Chè (thuộc huyện Trà My). Hôm đó, giữa mùa lũ, nước sông chảy xiết, Trần Thị Lâu xung phong đi trước qua sông để buộc dây sang bờ bên kia cho đơn vị bám dây lội qua. Giữa sông, gặp cơn lũ mạnh, chị Lâu đã bị dòng nước lũ cuốn trôi. Đến khi nước rút, đồng đội mới tìm thấy thi thể chị bên một tảng đá. Người Tiểu đoàn trưởng đau đớn nhìn đồng đội hy sinh với gùi hàng còn nguyên vẹn trên vai. Mỗi một sự ra đi của đồng đội là mỗi một lần toàn đơn vị mím chặt đôi môi, kết thành sức mạnh không gì lay chuyển được.
Có lần, khi đơn vị đang làm đường thì một khối đất lớn sạt lở. Một anh bộ đội bị cuốn theo đổ ào xuống vực sâu. Không một phút chần chừ, chị Thao lao xuống. Hai bàn tay thoăn thoắt bới đất với niềm tin chắc chắn sẽ cứu được anh. Khi dìu được anh trở lên mặt đường, chị mới thấm mệt, ngồi nhìn cái vực sâu đến cả chục mét...
Thời gian trôi qua, ký ức của chị cứ xếp thành từng lớp. Niềm vui có thể quên đi, nhưng sự tổn thất, hy sinh của đồng đội thì không bao giờ chị thôi ám ảnh. Ám ảnh tới mức, chị nhớ mãi, cái lần chị chỉ huy 12 chị em vận chuyển hàng từ Đại Lộc xuống vùng ranh Quế Sơn, dọc đường bị địch pháo kích liên tục. Hàng, thì chị đã tổ chức vòng tránh và đưa được đến nơi quy định. Nhưng mãi mãi đã có 6 đồng chí không bao giờ còn trong veo tiếng hát cùng đồng đội. 6 đồng chí còn lại bị thương. Duy nhất mình chị còn lành lặn. Mãi đến tận giờ, chị vẫn còn nguyên ý nghĩ: 12 đồng đội ấy đã che chở cho mình được sống, được lành lặn để làm tiếp bao phần việc còn dang dở cho đồng đội yêu thương của mình.
Người chị hiền của đồng đội cũ
Thời đánh Mỹ, quân dân Khu 5 thường gọi Phạm Thị Thao là “Người chị cả của các cô gái giỏi”, còn trong thời bình chị lại được mọi người trân trọng gọi là “Người chị hiền của những đồng đội cũ”. Là Chủ tịch Hội Cựu TNXP thành phố Đà Nẵng, chị Thao dành sự quan tâm đặc biệt đối với những nữ CCB và hội viên TNXP nghèo khó.
Chị Thao tiếp nhận giày của một doanh nghiệp hỗ trợ cho hội viên cựu TNXP. |
Vẫn một nỗi ám ảnh không nguôi về thời chiến tranh, chị Thao bùi ngùi: Trong kháng chiến chống Mỹ, có biết bao cô gái mang nặng thù nhà, nợ nước, thoát ly gia đình tham gia cách mạng. Họ đã đem sức trẻ, lòng yêu nước và chí căm thù giặc lập nên bao chiến công hiển hách, góp phần làm nên ngày chiến thắng của dân tộc. Họ đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân mà chưa được học hành để có kiến thức phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất. Sau khi đất nước thanh bình, họ trở về quê hương, bươn chải kiếm sống bằng các nghề lao động phổ thông, làm ruộng hoặc buôn bán nhỏ và ít có cơ hội xây dựng gia đình. Nhiều chị đơn độc suốt đời.
Có nhiều người đã kịp níu lại khoảnh khắc làm mẹ với sự chấp nhận những đứa con sinh ra sẽ không bao giờ được có tiếng gọi “ba”. Hoàn cảnh những phụ nữ đơn thân không chỉ là sự vượt qua bao điều tai tiếng, mà phải đối diện với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Có chị sống trong một căn nhà xụp xệ. Có chị ở nhờ nhà người khác. Có chị triền miên thiếu ăn, thiếu mặc…
Bao nhiêu năm qua, vị thủ lĩnh Hội Cựu TNXP thành phố đã gõ cửa nhiều tổ chức, cá nhân, vận động kinh phí xây dựng được 17 ngôi nhà tình nghĩa và hỗ trợ hàng trăm suất gạo, tiền, quần áo, tặng vật cho những đồng đội cũ nghèo khó.
Chị Lê Thị Khương, một chiến sĩ của Tiểu đoàn 232 ngày nào, sau 1975 về lại quê ở Hòa Quý. Một mình nuôi con nhỏ và ở nhờ trong nhà người chị ruột. Con trai lớn lên có vợ, lại ở tiếp nhà thuê. Trăm bề thiếu thốn. Chị Khương không thể ngờ rằng, sẽ có ngày cả mẹ con, bà cháu chị được cùng tề tựu trong một mái ấm gia đình của một căn nhà tình nghĩa. Giọt nước mắt hạnh phúc của những người phụ nữ đã từng dâng hiến tuổi thanh xuân nơi chiến trường xưa như hòa trộn vào nhau.
Từ thành phố Hội An, chị Bùi Thị Hữu (trước ở Đại đội 4, Tiểu đoàn 232) một lần tìm đến nhà chị Thao. Cuộc gặp gỡ đã khiến chị Thao bật khóc khi biết được những chuỗi ngày gian khó mà bạn mình đã chịu đựng suốt một thời gian dài. Tuổi xuân gửi lại chiến trường. Chị cũng dũng cảm tìm một đứa con để hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ. Không ngờ, con sinh ra bị ảnh hưởng chất độc da cam rất nặng. Hai mẹ con chị Hữu sống trong một túp lều tạm bợ, quanh năm thiếu trước hụt sau.
Chị Thao thức trắng đêm để nảy ra quyết định, tìm gặp lãnh đạo Bệnh viện Quân y 17, vận động kinh phí xây nhà cho chị Hữu. Vào ngày 27-7-2010, căn nhà tình nghĩa này đã được bàn giao cho chị Hữu.
Thêm một mái ấm nghĩa tình, chị lại thêm những tin yêu, gửi gắm từ đồng đội. Chị luôn ghi ơn những cá nhân, những đơn vị đã nặng lòng làm việc nghĩa, bù đắp, xoa dịu một phần nào những thiệt thòi, mất mát mà những người phụ nữ năm xưa đã từng gánh chịu.
Chuyện chị Thao xin tiền để xây nhà cho chị Lê Thị Phúc ở Hòa Phong từ năm 2007 mà đến bây giờ nhiều người vẫn còn cảm kích.
Hôm đó, chị Thao đến để vận động xây nhà tình nghĩa ở Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng. Người giám đốc đi vắng, anh phó giám đốc thì đang bận họp. Chị Thao nhờ anh bảo vệ vào “nói khó” với phó giám đốc là “có bà Thao hồi trước ở Tiểu đoàn 232 xin gặp vài phút”. Anh bảo vệ vào một lát, trở ra nói với chị: “Phó giám đốc bảo, ai chứ bà Thao thì mời vào…”. Công ty Quản lý các chợ đã quyết định ủng hộ 12 triệu đồng. Nhưng, khi chị Thao đi khảo sát giá vật liệu tại chỗ, thấy ít nhất cũng phải 15 triệu thì mới làm được. Thế là, chị lại kiên trì, khéo léo vận động một số tiểu thương ủng hộ thêm và kết quả là ngôi nhà đã hoàn thành vượt cả dự kiến… Vợ chồng chị Phúc đều là CCB, không có lương hưu, lại đông con và hay đau ốm. Chồng làm phụ hồ bữa có bữa không, còn chị bán rau hành ở chợ Túy Loan, lời lãi chỉ mong mua đủ gạo... Hôm nhận căn nhà tình nghĩa, cả hai vợ chồng rưng rưng nước mắt.
Người Tiểu đoàn trưởng của Tiểu đoàn 232 ngày nào vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong tổng số 1.175 hội viên Hội Cựu TNXP thành phố và gần 400 nữ CCB Tiểu đoàn 232, chị đã chọn ra gần 100 trường hợp cần được giúp đỡ và mỗi lần làm được một ngôi nhà tình nghĩa hoặc trao tặng một món quà cho đồng đội cũ, chị lại thấy lòng mình tràn ngập niềm vui.
Chồng chị Thao là một cán bộ tập kết, học tập và trở thành kỹ sư cơ khí, có nhiều cống hiến đối với công cuộc xây dựng hậu phương lớn miền Bắc, đến năm 1973 được điều vào chiến trường miền Nam. Hai người gặp nhau và nên nghĩa vợ chồng sau ngày đất nước thống nhất. Các con của chị đều đã tốt nghiệp đại học và trở thành những cán bộ, công chức. Điều hạnh phúc nhất của chị Thao là cả chồng và các con đều nhất mực ủng hộ chị trong mọi hoạt động và đó là nguồn sức mạnh to lớn để người phụ nữ nhỏ nhắn này làm nên những điều nhân nghĩa.