.

Ở Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng

Tôi tham gia hầu hết các hoạt động của Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng nhưng không phải là thành viên nòng cốt trong các hoạt động công khai. Rõ hơn, là chỉ sát cánh bên hai người bạn học cùng lớp là Lê Đức Hùng và Trần Phú Quý. Bởi vậy, không thể nhớ hết những ngày tháng tham gia hoạt động công khai cùng anh em trong phong trào TNSVHS chống Mỹ, tôi chỉ ghi lại một vài ký ức không quên.

Năm đầu tiên không còn gọi là các lớp “đệ”, từ đệ ngũ lên lớp 96 Trường Trung học Bồ Đề Đà Nẵng, niên khóa 1970 - 1971, Lê Đức Hùng và Trần Phú Quý cùng tuổi 17 (Quý Tỵ), lớn hơn tôi hai tuổi.

Ba đứa ngồi chung bàn đầu lớp học, Hùng ngồi giữa. Hai cụ “tuổi rắn” này không rõ lấy đâu ra truyền đơn, tuyên cáo, các tạp chí và sách báo phong trào, tập hợp các bài ca tranh đấu (Dậy mà đi, Tổ quốc ơi ta đã nghe, Tự nguyện…) của phong trào đấu tranh SVHS rất thịnh hành lúc bấy giờ sao chép, chuyền tay cho bạn bè trong lớp và sau đó mở rộng ra nhiều khối lớp khác, trường khác. Sau đó, tôi cũng góp nhiều tài liệu phong trào do anh trai tôi là Huỳnh Huề (Ba Hoàng) từ Sài Gòn gửi về. Cả ba chúng tôi và mấy anh chị em “nhóm Bồ đề” hình thành, thường xuyên tập hợp bạn bè, trao đổi thông tin về phong trào đấu tranh của SVHS ở Sài Gòn và Huế…

Vào đầu mùa thu năm 1970, nhen nhóm phong trào đấu tranh từ lớp 96 nhỏ bé này ở Trường Trung học Bồ Đề, ít lâu sau lại xuất hiện thêm “nữ tướng” Lê Thị Ngọc Lan ở cùng khối lớp. Ngọc Lan được thầy cô và học sinh trường Bồ Đề biết đến ở vai trò nòng cốt trong đám nữ sinh, công khai tập hợp, khởi động các đợt biểu tình bãi khóa; mỗi lần nghe tiếng kẻng dồn dập ngay trong giờ đang học, học sinh toàn trường đều biết chắc đó là tiếng kẻng của “nhóm Ngọc Lan” đang tập hợp học sinh xuống sân trường, rồi các nhóm nòng cốt khác xuất hiện dẫn dắt anh em bãi khóa, xuống đường... Cùng với Trần Phú Quý, Lê Đức Hùng, Lê Thị Ngọc Lan cũng là thành viên tham gia ban lãnh đạo Tổng đoàn HS Đà Nẵng sau này. Phong trào đấu tranh chống Mỹ của thanh niên, học sinh Đà Nẵng bắt đầu có những bước chuẩn bị khởi đầu.

Vào hè năm 1971, nhà trường tổ chức cho học sinh cắm trại tại Sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng. Tôi nhớ vài ngày trước đó, Trần Phú Quý, Lê Đức Hùng, Trần Hữu Dũng (Sáu Quý), Nguyễn Hiền (Ba Trọng), Ngô Đình Thuận, Lê Tấn Hồng… và nhiều nhóm bạn đã chuẩn bị truyền đơn, tuyên cáo ủng hộ phong trào đấu tranh của Tổng hội Sinh viên và Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn chống đàn áp SVHS. Các bạn chia nhóm phát tán truyền đơn và kêu gọi đấu tranh trong dịp cắm trại.

Việc chuẩn bị hành động trở nên quyết tâm và căm phẫn hơn, với tinh thần đấu tranh mạnh mẽ hơn khi ngay trong đêm cắm trại đầu tiên, tối 3-6-1971, bạn học cùng lớp và cùng nhóm hành động chúng tôi là Phạm Văn Cường, trên đường về nhà lấy thêm một số vật dụng và thức ăn thì bị xe lính Mỹ cán chết trên Cầu Vồng.

Ngay lập tức, được sự đồng thuận của gia đình, xác của Phạm Văn Cường được đưa trở lại Cầu Vồng, toàn bộ học sinh bãi trại, tập trung về Cầu Vồng xuống đường chống Mỹ, chặn đốt và đập phá một số xe Mỹ (kinh nghiệm sử dụng bom xăng chống lại các cuộc đàn áp biểu tình của phong trào tại Đà Nẵng bắt đầu từ đây). Đồng bào Đà Nẵng ra sức ủng hộ phong trào đấu tranh, tập trung đông đảo thanh niên, học sinh đưa Phạm Văn Cường từ Đà Nẵng về nơi an nghỉ cuối cùng.

Với sự hỗ trợ của các anh SV Huế tăng cường và sự giúp đỡ của các anh Thị hội Phế binh Đà Nẵng, đám tang Phạm Văn Cường trở thành sự kiện thu hút hàng ngàn đồng bào và thanh niên, học sinh tham dự, là ngòi nổ quan trọng đúng thời điểm để các nhóm học sinh yêu nước các trường Bồ Đề, Phan Châu Trinh, Sao Mai, Ánh Sáng… tập họp lực lượng xây dựng phong trào.     Cả đoàn xe đưa tang có băng rôn và truyền đơn chống Mỹ với hàng trăm học sinh nòng cốt liên tục, đồng thanh hô vang các khẩu hiệu chống Mỹ. Đây cũng là lần “tập dượt” quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của phong trào học sinh đấu tranh.

Nhắc đến bạn học Phạm Văn Cường, tôi lại nhớ đến đứa em hàng xóm Nguyễn Tam Vàng tham gia xuống đường bị đàn áp chết bởi phi tiễn và lựu đạn lân-tinh. Tam Vàng sợ ông nội lo lắng nên không cho biết mình luôn có mặt trong các cuộc biểu tình.  Nguyễn Tam Vàng thường trốn trong hầm tránh đạn trong vườn nhà đối diện nhà tôi. Đêm hôm trước khi Vàng bị bắn chết, tôi sang thăm cùng với vài lời động viên Nguyễn Tam Vàng tiếp tục tham gia cùng với anh em. Tôi sai mấy đứa em đem cơm, thêm 2 trứng gà lộn luộc sẵn cho Vàng. Trong ký ức của tôi, suốt thời gian học và hoạt động bí mật ở Sài Gòn sau đó, tôi luôn xúc động khi nhớ đến cái chết của Nguyễn Tam Vàng và tự trách mình không thông tin cho anh em Tổng đoàn về nhân thân của bạn, tưởng là anh em trong Ban Chấp hành Tổng đoàn đã biết rõ về Vàng.

Sau này, Lê Đức Hùng (Ủy viên Thường vụ Tỉnh Đoàn QN-ĐN) mới cho tôi biết, phải vất vả lắm, Tỉnh Đoàn QN - ĐN mới truy tìm và xác minh được nhân thân của Nguyễn Tam Vàng, ở Điện Trung, Điện Bàn - Quảng Nam, cùng lúc với việc truy tìm và xác minh nhân thân của Nguyễn Bá Tần, cùng hy sinh trong ngày 3-10-1971 với Nguyễn Tam Vàng để làm thủ tục xác nhận Liệt sĩ cho hai bạn. Hằng năm, vào dịp lễ - Tết, anh chị em phong trào đều đến thăm viếng và thắp hương cho các bạn.

Có rất nhiều sự kiện, hình ảnh đáng nhớ và tự hào về phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh Đà Nẵng. Chúng tôi biết ơn sự dẫn dắt tinh thần và tư tưởng của các thầy Nguyễn Phúc, Vũ Hân, Phạm Thế Mỹ... ở Trường Bồ Đề và nhiều thầy cô ở các trường Trung học Đà Nẵng; sự động viên chăm sóc của chị Ngô Thị Minh Nguyệt, người chị phong trào yêu quý của chúng tôi. Đó là những kỷ niệm đẹp và mạnh mẽ của tuổi học trò trong những ngày gian khó của chiến tranh, của một thời đau thương và quá nhiều mất mát…

  HUỲNH ĐỨC HẠNH (NĂM HIỀN)

;
.
.
.
.
.