.

Tên làng theo mãi đời ta

Đến cuối năm 2009, huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã cắm thêm 39 bảng tên làng tại các xã vùng cao như xã Dang, Tr’hy, Axan, Ch’um, Gary... Như vậy tất cả 70 làng người dân tộc Cơtu trong toàn huyện đã có tên viết bằng cả ba thứ tiếng (Anh, Việt và tiếng bản địa) trên nền các hình vẽ cách điệu ngôi nhà Gươl truyền thống với kinh phí khoảng 150 triệu đồng... Đây là một thông tin trên báo chí thuộc loại khá hay trong lĩnh vực văn hóa thời điểm đó. Nhờ đó, “điểm đến” Tây Giang cũng như những ngôi làng heo hút của huyện này sẽ được nhiều người biết đến.

Tây Giang là một huyện khó khăn thuộc loại bậc nhất của Quảng Nam ở phía Tây đường Hồ Chí Minh và có nhiều xã giáp với nước bạn Lào. Từ các năm 1999-2000, huyện này nổi tiếng trên báo chí vì bị cô lập nhiều ngày sau những trận bão lụt dai dẳng và sạt lở đất đá làm hư hại đường giao thông, nhiều người dân và học sinh nội trú thiếu lương thực trầm trọng vì không có đường tiếp tế. Gần đây huyện đã phát động làm kho dự trữ gạo, mì, muối tại chỗ để dự phòng thiên tai và huy động mọi nguồn vốn để xây dựng kiên cố các tuyến đường huyết mạch đến các xã.

Tây Giang cũng nổi tiếng với loài sâm ba kích quý hiếm có giá trị bồi bổ sức khỏe sau khi ngâm rượu hoặc nấu nước uống đã được ngành Y tế xác nhận, nhưng từ lâu chưa được tiếp cận với thị trường. Gần đây, huyện này đã phát hiện nhiều địa đạo độc đáo còn lại trong chiến tranh và đã được tỉnh Quảng Nam nhanh chóng công nhận là các di tích lịch sử. Các sinh hoạt giao lưu của các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà báo với người dân địa phương đã trở nên thường xuyên hơn. Và nhờ vậy, “thương hiệu” Tây Giang đang có tần suất xuất hiện trên các loại phương tiện thông tin đại chúng cao hơn.

Lại có thêm các tin tốt khác từ Tây Giang: Giám đốc điều hành Tập đoàn khách sạn Victoria Đông Dương vừa đưa một đoàn xe mô-tô ba bánh do ông sưu tập chở hàng chục du khách Âu - Mỹ đi thăm các làng Tây Giang; Vitours và Hàng không Việt Nam lại phối hợp với các hãng lữ hành từ Hồng Kông chuẩn bị đưa 1.500 vận động viên và du khách quốc tế tham dự cuộc đi bộ marathon trên hơn 100km qua các làng Cơtu trong tháng tới, đồng thời với việc tái lập đường bay thẳng Hồng Kông - Đà Nẵng... Những tên làng xa lạ với thế giới của Tây Giang, thông qua những hoạt động đó, chắc chắn sẽ được quảng bá.

Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học, tên làng là một thành tố quan trọng của bản sắc văn hóa. Việc xóa bỏ, thay đổi vội vàng tên các làng cũ và thay vào đó là những con số (như thôn 1, thôn 2 chẳng hạn) sẽ làm nhạt phai lịch sử hoặc cắt đứt mối ràng buộc giữa các thế hệ cư dân tương lai và quá khứ; đồng thời làm cho những nỗ lực giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương khó khăn hơn.

Các vấn đề mang tính bản sắc văn hóa đặc thù địa phương đó cần được gìn giữ trong thời đại toàn cầu hóa đang xuất hiện. Những đặc sản Ba Kích, những điệu nhảy Tungtung, Za zá, tiếng sáo Đing-tuk, nhịp điệu của những bài hát lý đặc trưng của người Cơtu Tây Giang..., và kể cả những địa đạo thời chiến tranh vừa phát hiện sẽ là những vốn quý ẩn sau những tên làng mộc mạc, trong những mái lá nhà Gươl thô ráp của vùng cao, sẽ làm cho người Tây Giang hãnh diện, tự hào với thế giới.

Và, khi Tây Giang không còn nghèo nữa, lúc có dịp dừng chân giữa hành trình bên những bảng tên làng ở đây, chắc ai đó sẽ giật mình thốt lên: Thì ra những tên làng đơn sơ này cũng đã có công kết nối cộng đồng cho cả một vùng đất!

Nói chuyện tên làng ở huyện Tây Giang, tôi lại lấy làm tiếc là nhiều làng ở phía đồng bằng đã bị thay đổi tên, thậm chí thay bằng số (như thôn 1, thôn 2...), hoặc trên nhiều cổng làng chỉ thấy các câu khẩu hiệu mà chẳng biết tên làng đó là gì! Người ta quên rằng, chính cái tên làng đơn sơ vậy, nhưng là cả một sự kết nối hết sức sâu nặng với con người. Ta yêu nước, yêu quê hương trước hết là yêu cái làng (với giếng nước, cây đa, mái đình, nhà thờ tộc họ...) mà mình đã gắn bó từ lúc sinh ra và lớn lên, là vì vậy!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
;
.
.
.
.
.