.

Thước đo phong trào

“... Hoạt động phong trào có lúc còn dàn trải, áp lực bởi số lượng và hình thức, chưa chú trọng đến chiều sâu và hiệu quả thực sự của phong trào”. Đánh giá này là sự nhìn nhận một cách nghiêm túc và đầy trách nhiệm được thể hiện trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2011-2016 của Hội LHPN quận Liên Chiểu.

Đứng trước đánh giá một cách thẳng thắn về những hạn chế này trong phong trào Hội, tân Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Phan Văn Tâm, trong phát biểu chỉ đạo tại đại hội, cũng đã chỉ ra những vấn đề cần khắc phục và nêu lên những tiêu chí cụ thể để đánh giá thực chất phong trào thời gian đến; trong đó nhấn mạnh đến việc xác định vai trò của Hội trong phát triển kinh tế gia đình là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. “Thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động phong trào của Hội nằm ở chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình” - ông Phan Văn Tâm nhấn mạnh.

Trên thực tế, việc triển khai các phong trào của các tổ chức, hội, đoàn thể..., nhất là các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội... trong thời gian qua đã góp phần tạo nên không khí thi đua, tạo nên những giá trị nhất định trong mọi mặt đời sống; từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến an ninh, quốc phòng... Trên lĩnh vực nào cũng có những phong trào thi đua, được cụ thể hóa bằng những tên gọi với mục đích, yêu cầu, phương pháp và nhất là những chỉ tiêu phấn đấu.

Thế nhưng, những chỉ tiêu phấn đấu với các tỷ lệ tròn trịa chưa hẳn được xem là thước đo hiệu quả của phong trào. Có lúc, lãnh đạo và kể cả các hội viên, đoàn viên đã không còn tin tưởng vào sự đánh giá phong trào thông qua các con số thống kê mà nhiều nơi đã “lượng hóa” một cách thiếu cơ sở. Điều họ quan tâm chính là sức thu hút, tính lan tỏa của phong trào đó vào trong đời sống của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương... Có lúc, hiệu quả đó được thể hiện chỉ trong số phận của một con người, một gia đình... nhưng lại có sức sống kỳ diệu, lan tỏa trong đời sống cộng đồng.

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” đối với các thí sinh, người nhà thí sinh vào mỗi mùa tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng - một trong những trung tâm đào tạo lớn của cả nước, là một ví dụ. Cách đây 10 năm, ở Đà Nẵng, chương trình gói gọn trong hoạt động với quy mô nhỏ của các cán bộ, đoàn viên, thanh niên quận Thanh Khê. Còn nhớ, ngày ấy, những bạn trẻ của quận đã lặn lội vất vả đến từng nhà vận động các gia đình cho thí sinh ở trọ miễn phí hoặc giá rẻ; vì còn mới nên ít ai mặn mà, các bạn phải đưa thí sinh và người nhà về với gia đình mình, dù điều kiện còn nhiều khó khăn. Rồi chính họ ra sân ga, bến xe hướng dẫn thí sinh và người nhà đến địa điểm thi. Họ đã không nhận được sự hưởng ứng, mà có lúc còn bị xem là “cò mồi”!

Thế nhưng, với sự tận tình của các cán bộ, đoàn viên thanh niên quận Thanh Khê, hiệu quả của chương trình đem lại ngày một lớn đối với những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, “Tiếp sức mùa thi” đã tạo nên hiệu ứng xã hội rộng rãi, thu hút cộng đồng tham gia một cách nhiệt tình đối với chương trình của các bạn trẻ và lan tỏa thành phong trào của các đoàn viên thanh niên toàn thành phố. Đến nay, chương trình “Tiếp sức mùa thi” - một hoạt động của phong trào “Thanh niên tình nguyện” được tổ chức quy mô, bài bản hơn, được cả xã hội ghi nhận và cùng tham gia vì hiệu quả và tính nhân văn cao cả của nó.

Từ đó, có thể thấy, để có chất lượng, hiệu quả thực sự của phong trào, thì những người làm phong trào phải đi từ cơ sở, căn cứ trên yêu cầu thực tiễn cuộc sống của mỗi địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, của mỗi đoàn viên, hội viên... làm khởi phát cho từng phong trào, chứ không phải chỉ ngồi “nghĩ” ra các phong trào để ép cơ sở phải đi theo, tạo áp lực cho cơ sở. Đồng thời, mỗi cơ sở cần phải biết sáng tạo trong vận dụng thực hiện phong trào, không nhất thiết phải rập khuôn để phong trào trở nên dàn trải, tạo áp lực đối với mình, nhất là hoạt động phong trào chỉ mang tính hình thức mà không đem lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần phải luôn luôn đổi mới tư duy về cách làm phong trào. Trong đó, cần thiết là phải tìm một thước đo “chuẩn” để đong đếm giá trị thật sự của từng phong trào!

Anh Quân
;
.
.
.
.
.