Chuyến viếng thăm năm 2009 của gia đình liệt sĩ Hoàng Kim Tùng (Quảng Trị) cùng các anh em đồng chí, đồng đội của các liệt sĩ đã hy sinh tại căn cứ Hòn Tàu (Duy Xuyên) đến nay vừa tròn 3 năm. Sau bao nhiêu chuyến đi băng rừng vượt suối để tìm nơi các anh nằm lại, đúng vào ngày 22-7-2010, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Báo Đà Nẵng, Báo Quảng Nam cùng người thân, anh em đồng đội và gia đình đã đến được hang đá nơi các anh hy sinh, để thắp hương cho những anh linh đã khuất.
Bên hang đá điện đài, nơi 5 liệt sĩ bị trúng loạt bom B52 của giặc Mỹ, nay còn lại những kỷ vật của một thời. |
Tròn một năm sau, ngày 22-7-2011 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng, Ban Công binh Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, các anh em trong Ban liên lạc Đặc khu ủy Quảng Đà đã quyết định một việc thật táo bạo: Nổ mìn phá đá để phát lộ miệng hang (đây là một hang đá to với những tảng đá hàng trăm tấn làm nơi trú ẩn và làm việc của các cán bộ ngành Tuyên huấn trong thời chiến tranh).
Lực lượng công binh đã hành quân vào núi Hòn Tàu với hàng chục kilôgam thuốc nổ. Kế hoạch đánh mìn theo phương án tối ưu nhất đã khả thi. Mọi người nín thở chờ đợi trong giây phút... Kế hoạch buổi sáng coi như tạm thành công theo ý đồ. Lực lượng công binh rút về. Công việc còn lại dành cho các thợ đá lành nghề tại địa phương Duy Sơn.
Những anh thợ rừng từng gắn bó với chúng tôi mỗi chuyến đi đã có mặt để làm phần việc tiếp theo. Hơn chục người thợ mang theo gạo, thực phẩm, nước uống, và các dụng cụ xà beng, cuốc xẻng, dùi đục băng dốc, vượt khe để làm nhiệm vụ, hay nói đúng hơn là làm việc nghĩa. Tại đây, mọi thứ được vạch ra cụ thể. Những tảng đá lớn nằm lấp miệng hang đã được chẻ ra thành những khối đá nhỏ và được chuyển sang vị trí khác. Trong suốt gần một tuần liền, các thợ đá vẫn miệt mài với công việc “dời non”. Họ ăn trong núi, ngủ trong các hốc đá lân cận để bảo đảm tiến độ công việc.
Bữa cơm sơ sài giữa rừng do chưa kịp bổ sung thực phẩm. Vài trái cà tím xắt lát là món mặn duy nhất được anh Hoa (người đi rừng) đạo diễn nhưng anh em ăn vẫn ngon miệng. Vì bữa cơm giờ đây không còn quan trọng với mọi người, mà trên cả là tinh thần hướng đến mục đích thiêng liêng: Làm sao để tiếp cận lòng hang đá một cách nhanh nhất. Và rồi những thông tin liên tục cập nhật được báo về cho các ngành chức năng đã làm thảng thốt nhiều người. “Chúng tôi đã tìm thấy di vật của các liệt sĩ như võng, dép cao su, vải quần áo, đồng hồ, một số máy móc và xương cốt, trong đó có cả những chiếc răng người…”. Đó là những gì quý báu của con người còn sót lại sau sự phân hủy của tự nhiên.
Vậy là điều ước thăm thẳm tự đáy lòng của người thân cùng tất cả anh em, đồng đội một thời sống và chiến đấu ở căn cứ này đã sắp thành hiện thực. Hơn 39 năm, kể từ cái đêm máu lửa ác liệt của thời khắc sống và chết năm 1972 ấy, điều mong mỏi duy nhất thúc giục những nhân chứng sống là làm sao đem được hài cốt người đã khuất về quê cha đất tổ.
Trong số 5 liệt sĩ chưa về được với gia đình, người thân của họ luôn ngóng trông trong sự tuyệt vọng suốt quãng thời gian đằng đẵng trôi qua. Các gia đình liệt sĩ tìm kiếm và tưởng chừng như vô vọng, có lúc nghĩ rằng, thôi thì cha ông họ ở lại đó cũng đành vậy chứ biết làm sao mà lật tung hang đá đó lên.
Biết bao lần chia sẻ nỗi đau với người thân của các liệt sĩ, lần này, tôi lại nắm lấy tay họ an ủi trong lấp lánh niềm hy vọng.
Duyên Anh