.
Truyện ngắn

Mùa nắng hanh hao

Tôi tỉnh dậy sau một giấc ngủ trưa, thấy mùi nắng xộc vào mũi tôi qua khe cửa khép hờ rêu mốc. Tiếng gà mái cục con ngoài gốc roi nghe nôn nao đến lạ. Tôi ngồi dậy, ra chiếc võng mắc ngoài gốc cây nằm đung đưa hóng nắng. Bên cạnh xóm trọ là con mương nhỏ chảy qua bốc lên mùi hăng hăng của đất, và tanh nồng của nước. Tôi hít thật căng lồng ngực, nhắm nghiền mắt, tự nhiên tim cứ ứa ra khe khẽ một nỗi đau. Mùa nắng hanh hao thứ hai mươi đã đến, tôi đi miết mà không tìm thấy hồn mình về lại. Mãi mãi cái buổi trưa năm ấy đã đánh cắp tất cả những thương yêu hồn nhiên nhất trong trái tim tôi. Mưa nắng đã nhạt phai hàng trăm nghìn thứ ở đời mà sao nỗi đau vẫn còn nguyên sắc đỏ.

Mẹ điện xuống nhắc tôi ngày giỗ Bống. Tôi bã bời gói ghém nỗi đau bắt chuyến xe khách cuối cùng về quê trước khi trời ập tối. Nghe tiếng chân tôi khua lá khô xào xạc, ngoại ngồi nép bên hiên bỗng giật mình luống cuống gọi “Bống ơi! Bống nhỏ về với mẹ đấy à?”. Mẹ lật đật chạy ra, vấp phải bậc cửa ngã nhào xuống đất. Tôi vội chạy vào đỡ mẹ, thấy đôi mắt mẹ ngước lên nhìn tôi hoang hoải, trống rỗng và hụt hẫng. Tôi cười bảo “Là con đây mà, thưa mẹ. Con đã về rồi”. Mẹ ừ một tiếng nhẹ bẫng, ừ như không ừ, thế mà đã kịp cứa vào tim tôi nhói buốt. Ở nhà này không ai mong nhớ gì tôi cả, ít ra tôi cũng đã vắng nhà bốn tháng. Đó là khoảng thời gian dài đằng đẵng và nặng nề trôi đi trong tôi. Nhưng dường như so với ngoại và mẹ thì lúc nào tôi cũng chỉ đi chơi đâu đó, quanh quẩn làng trên xóm dưới. Khi nào đói thì lại về, hơi đâu mà để ý, mà nhớ thương cho mệt xác.

Tôi nhìn lên bàn thờ, Bống cười mắt tít, má đồng tiền xinh xinh lúng liếng. Nước ảnh đã mờ cũ, vài ba chỗ đã bắt đầu hoen ố. Ừ thì cũng hai mươi năm rồi, một phần ba đời người chứ có ít ỏi gì đâu. Tôi giờ cũng vừa qua tuổi ba mươi, trong khóe mắt những vệt buồn thời gian đọng lại đầy ẩn ức. Thế mà Bống vẫn cười ngây thơ, mỗi lần tôi trở về, em vẫn chào tôi bằng những nỗi đau không tuổi. Giá mà em có thể hiểu được rằng trái tim tôi vẫn ngày ngày rỉ máu vì sự ra đi của em. Dẫu cho thời gian đã gắng sức, dẫu cho hàng trăm nghìn lần trong cuộc đời hạn hẹp này tôi cố vứt đi nỗi ám ảnh để vui sống. Thì nụ cười của em và nước mắt của mẹ, sự thẫn thờ của ngoại vẫn in đậm trong tâm trí. Bống ơi!

Bữa cơm chiều ngoại bảo tôi:

- Phải chi hôm đó bay đừng dẫn nó đi tắm sông có phải bây giờ nó đã cao bằng con sào, đã thành thiếu nữ. Ờ! Mà cũng có khi nó lấy chồng rồi làm mẹ. Mấy hôm nọ ngoại thấy nó về, đứng ở ngoài hiên cười cười, tao vẫy gọi mãi mà nó không vào, cứ đứng cười một lúc rồi đi. Tội nghiệp!

Tôi cúi gằm mặt, cắm cúi ăn cho xong bữa. Lúc ngẩng lên thấy ngoại ngồi thẫn thờ, tôi gắp thức ăn vào bát ngoại nhưng bị ngoại gạt ra. Thức ăn văng tung tóe xuống mâm, ngoại khóc hờ, vừa khóc vừa nói “Bay là chị mà không biết trông em. Tội đó có đáng chết không?”. Mẹ nhìn tôi bảo:

- Ăn nhanh rồi ra vườn hái lá hương nhu về đun cho em nồi nước. Ngày xưa nó vẫn thích tắm bằng loại lá ấy, nó thường khen nước thơm mỗi khi được mẹ dùng nắm lá kỳ lưng.

Tôi khẽ gật đầu, vội buông bát chạy ra vườn. Tôi sợ nếu còn ngồi đấy thêm vài phút chắc thể nào tôi cũng òa khóc như con nít.

Tôi ngồi đun nước cho em, khói rơm cay mắt. Chợt nhớ những buổi hai chị em lùi lụt nướng ngô, phồng mang trợn má thổi bắp ngô nóng hổi dính than đen nhẻm. Bống vừa gặm ngô vừa nhìn vết nhọ trên mặt tôi cười tít mắt, những ngón tay nhỏ xíu, hồng hồng nhẹ nhàng lau má cho tôi. Những hôm mưa hai chị em ngồi ngoài hiên, chờ mẹ đi chợ về, Bống đòi làm công chúa đội vương miện mưa. Tôi hỏi:

- Nếu được làm công chúa, Bống có còn thời gian chơi với chị nữa không?

Bống ngẩng lên nhìn tôi bằng ánh mắt long lanh hạnh phúc, cười hở chiếc răng sún đen vì ăn nhiều kẹo bột. Em bảo:

- Bống thương chị bé nhất nhà mà. Chị bé đi đâu thì bống sẽ bám đuôi chị thật chắc.

Thế mà mùa hè năm ấy, Bống một mình ra đi, nhanh như sau một giấc mơ tỉnh dậy đã không còn thấy Bống. Rõ ràng hôm ấy là ngày nắng đầu tiên sau đợt mưa đầu mùa hạ. Hai chị em bảo nhau đi bày bán đồ hàng với đủ thứ đồ nghề lỉnh kỉnh. Hôm ấy ngoại còn tặng hai đứa cái rá con con được đan bằng tre ngâm rất đẹp. Ngoại dặn hai đứa chơi với nhau rồi vào ngủ, chiều ngoại đi chùa sẽ mang về nhiều oản. Bống thích lắm, cứ một lúc lại ra ngõ ngóng xem có thấy bóng ngoại trên con đường nhỏ hay không. Trời thì nắng to, mồ hôi Bống nhễ nhại, những sợi tóc mai bết lại trên trán. Tôi nghĩ đến con sông phía bên kia rặng tre râm mát, mùa hạ nước ngập chỉ còn dải cát nhỏ nằm thoai thoải hai bên bờ, chỗ đó thật lý tưởng để chơi đùa. Tôi rủ Bống:

- Hai chị em mình xuống bờ sông chơi cho mát đi. Chị sẽ vun cát cho em xây lâu đài. Thích không?

Mắt em mở to, tròn xoe, miệng nhoẻn cười thích thú. Thế là tôi dắt em chạy băng qua cánh đồng thẳng hướng rặng tre râm mát. Chúng tôi đã chơi ở đó rất vui, gió từ sông thổi vào mát rượi. Bỗng nhiên nhìn dòng sông lấp lánh, Bống bảo:

- Khi nào lớn lên em sẽ xuôi thuyền theo dòng sông này tìm bố.
- Vì sao chứ?
- Vì ngoại từng nói bố lên thuyền đi khai thác cát rồi từ đấy đi luôn. Bố đang ở đâu chị nhỉ? Em nhớ bố.
- Em lại thèm kem mút phải không. Không có bố chị sẽ mua kem cho em suốt đời. Chịu không?
- Chịu!

Bống chọc nách tôi rồi cười khúc khích, xinh xinh hai núm đồng tiền. Chơi một lúc khá lâu, tôi kéo Bống lên bụi tre nằm nghịch rồi ngủ quên lúc nào không biết. Chính giấc ngủ ấy đã cướp mất em tôi và đẩy tôi vào những ám ảnh khôn nguôi. Tôi nhớ như in hình ảnh Bống nhấp nhô trên mặt nước, tay vẫy về phía tôi, gọi tên tôi. Tôi lao ra dòng sông, nước chảy xiết, em tôi chìm nghỉm. Khi tôi tỉnh dậy, điều đầu tiên mà tôi nhìn thấy là ánh mắt đau đớn, hoang hoải của bà và mẹ. Không ai hỏi han tôi câu nào, tất cả xúm lại ngoài hiên nhà. Tôi đoán em đang nằm đó. Tim tôi dường như đã vụn vỡ từ buổi nắng hanh hao hôm ấy. Mãi mãi không thể nào vui trở lại.

*

Tôi về nhà vẫn thường nằm ngủ cùng mẹ. Lúc nhỏ mẹ bao giờ cũng khom người ấp hai chị em tôi vào mùa đông, tôi rất thích cảm giác ấm áp ấy. Ngay cả mùa hè mẹ cũng thường vòng tay qua đầu khum khum như một mái nhà che chở cho hai đứa. Thế nhưng từ khi Bống mất, mẹ lúc nào cũng nằm quay lưng lại phía tôi, kể cả tôi trở về sau một khoảng thời gian dài. Và cả những hôm tôi sốt đùng đùng, mẹ chườm khăn, giã thuốc, bón cháo cho tôi chu đáo, chỉ duy có một điều, mẹ vẫn nằm quay lưng lại với tôi. Tôi nghe tiếng mẹ thở mỏng tang mà xót xa, thèm muốn được choàng tay ôm mẹ. Nhưng tôi không bao giờ đủ sức...

Ngoại có thói quen dậy lúc nửa đêm. Thi thoảng lại thắp hương lên bàn thờ nói “Cháu ơi, cháu sống khôn chết thiêng, có về bên bà thì xin cháu bước vào nhà. Đừng đứng  ngoài hiên gió to, cảm đó”. Rồi ngoại khóc hờ, nước mắt như đã cạn khô cùng mấy chục năm thương nhớ. Chắc ngoại còn ám ảnh hôm đưa tang Bống, do tục lệ kiêng mang những người chết đuối vào nhà mà phải đặt Bống ngoài giọt tranh. Trời nắng hanh hao, rồi bất chợt đổ cơn mưa. Mưa tái tê lòng người, em tôi dầm mưa ướt sũng. Có phải vì thế mà mỗi lần trở về em đều không bước chân quá thềm nhà. Tôi nghĩ, quặn thắt thương em, thương ngoại, thương mẹ và thương mình quá đỗi. Bống ơi!

Sau đám giỗ em, tôi lại đi, lúc ra đến cổng còn tần ngần ngoảnh lại. Thấy mẹ đứng ở đầu hiên nhìn, tôi biết mẹ cứ đứng thế thôi chứ không khi nào mẹ bảo “Ở nhà thêm vài ngày nữa con. Đi gì vội thế”. Tôi đi, những bước chân ngập ngừng, chậm chạp, chỉ mong sao có ai đó ới một câu, tôi sẽ quay lại, sẽ khóc cười, sẽ không bao giờ rời xa miền quê này nữa. Nhưng dường như có sự xuất hiện của tôi ở nơi đây chỉ càng làm cho nỗi đau khơi gợi.

Tôi ra bờ sông ngồi, nhìn chiếc thuyền khai thác cát trôi dọc sông mà bỗng nhiên nhớ em, nhớ bố. Không biết em đã tìm gặp được bố chưa, bố đang ở cõi thực hay đã về cõi ảo? Bao nhiêu năm qua, những chiếc thuyền ngược xuôi mang theo lời đồn thổi. Người thì bảo bố đã xuôi về vùng đất khác, có một cuộc sống bình yên bên người vợ và những đứa con xinh. Người bảo bố tôi lang bạt tứ phương, đâu cũng là quê hương, ngả lưng ở đâu thì đấy là nhà. Nhưng cũng có không ít người bảo bố tôi cùng vài người thợ khác đã bị lũ cuốn khi uống rượu say, ngủ quên trên thuyền đúng đêm thác lũ. Đã nhiều lần tôi định hỏi mẹ về bố nhưng dường như dòng sông đã đổ ập vào bà quá nhiều nỗi đau nên bà không còn muốn đối diện với nó nữa. Mẹ sợ một lần nữa nỗi đau sẽ khiến trái tim bà rệu rã. Tôi rất muốn gặp Bống trong cơn mơ, bởi tôi biết chắc rằng kể cả khi đã về một thế giới khác em cũng sẽ không quên ước mơ đi tìm bố. Còn tôi, tôi đang làm gì trong thế giới này suốt hai chục năm qua? Hay chỉ biết quẩn quanh với nỗi đau trong ký ức?

Bỗng nhiên tôi rất thèm được sống một ngày thật bình yên, quên hết đi mọi nỗi ưu phiền, sống như thể cuộc đời chẳng có gì khiến mình phải đau đớn nhiều thêm nữa. Tôi cũng rất muốn ngoại và mẹ cũng được sống khoảng thời gian còn lại của cuộc đời thanh thản. Bỗng nhiên tôi thấy nhớ bố vô cùng, nhớ một khuôn mặt người không mấy khi hiện rõ trong tâm trí của mình suốt hai chục năm qua. Một nỗi nhớ vừa gần gũi vừa mông lung rất lạ. Tôi đã đi qua tháng ngày bằng cách ôm nỗi đau quá khứ để quay lưng lại với những thương yêu thực tại. Tôi tự hỏi bố đã ở đâu, làm gì trong mấy chục năm qua. Liệu bố có nhớ đến chị em tôi loắt choắt chạy ra bờ sông ngóng bố mỗi chiều. Để chờ một que kem mút, để được úp mặt vào ngực bố hít hà mùi mồ hôi, được nắm tay bố vui cười khúc khích. Liệu bố có biết những mùa nắng hanh hao Bống đã nhớ bố đến nhường nào.

Tôi đi tìm bố...

Vũ Thị Huyền Trang
;
.
.
.
.
.