.

Tự ái để vươn lên

Hết sức tự ái!

Đó là câu cảm thán của một vị lãnh đạo tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung khi bàn đến việc xúc tiến liên kết 7 tỉnh, thành trong vùng (từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa).

Điều mà vị lãnh đạo này thể hiện sự tự ái, chính là các địa phương trong vùng đều có một lịch sử hết sức tự hào trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập, thống nhất nước nhà. Thế nhưng, sau 36 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều địa phương trong vùng vẫn chưa tự lo nổi cái ăn cho mình.

Nói một cách nôm na là chỉ có 2/7 địa phương là có thu vượt chi được với mức thu ngân sách đạt 8 nghìn và 12 nghìn tỷ đồng (năm 2010). Tổng sản phẩm nội địa (tính theo giá so sánh năm 1994) của toàn vùng chỉ đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3% của cả nước. Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2010 hơn 86 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,46% so cả nước nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ chiếm 3,53% so cả nước. 4 tỉnh vẫn còn tỷ trọng ngành nông nghiệp cao hơn mức bình quân cả nước (20,43%); 4 tỉnh có mức thu ngân sách dưới 3 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo của 4/7 tỉnh vẫn còn chiếm khá cao so với mức bình quân chung cả nước năm 2010 (10,6%)... Toàn vùng có 6 khu kinh tế, 34 khu công nghiệp, 28 trường đại học và tương đương, 106 bệnh viện... nhưng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, thu hút đầu tư còn dàn trải, chưa có những ngành và sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực chưa được cải thiện đáng kể...

Để diễn ra tình trạng trên, có nhiều nguyên nhân, kể cả sự quan tâm đầu tư của Trung ương cũng như nỗ lực của mỗi địa phương. Nhưng gần đây, các nhà lãnh đạo trong vùng đều thống nhất với nhau rằng, đó là do thiếu sự liên kết nhằm đẩy mạnh hợp tác, phát triển trong vùng. 

Từ sự tự ái đó, các nhà lãnh đạo địa phương đã có một cuộc gặp mặt được xem là lịch sử vào đúng ngày kỷ niệm lịch sử - 36 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-2011) nhằm thống nhất việc tổ chức một hội thảo quy mô cấp vùng. Mục đích, xây dựng một cơ chế liên kết mang tính hiệu quả; từ đó tạo nên sức mạnh nội sinh, giải quyết những vấn đề vướng mắc nhằm tạo cơ hội mới cho phát triển của toàn vùng cũng như mỗi địa phương.

Thật ra, trong thời gian qua, trong khu vực vùng cũng đã diễn ra nhiều hội thảo lớn. Thế nhưng, đó là những hội thảo xuất phát từ bức xúc của từng lĩnh vực, từng địa phương dưới sự chủ trì của một cơ quan, tổ chức hoặc một địa phương và thu hút sự tham gia của các địa phương khác trong vùng với tư thế khách mời. Lần này, các nhà lãnh đạo 7 địa phương đã cùng thống nhất để đi đến hiện thực hóa ý tưởng liên kết bằng một hội thảo quy mô (*), với sự tham gia của lãnh đạo 7 địa phương đều với tư cách “chủ nhà”, có sự góp sức từ các nhà nghiên cứu, quản lý, hoạch định chính sách, chuyên gia trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... Từ đó, có thể hy vọng rằng, việc chỉ ra những thế mạnh, những tồn tại, hạn chế cũng như đưa ra các giải pháp cho việc liên kết phát triển sẽ có chiều sâu và đạt được những thỏa thuận quan trọng.

Điều quan trọng hơn, việc thực thi những nội dung bàn thảo và thống nhất tại hội thảo sẽ sớm được các nhà lãnh đạo của mỗi địa phương triển khai một cách mạnh mẽ và quyết liệt nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất. Những kiến nghị nhằm tạo cơ hội thúc đẩy phát triển cho từng địa phương cũng như toàn vùng sẽ có trọng lượng và sớm đi vào hiện thực hơn! Hy vọng rằng, sự tự ái cách mạng của các nhà lãnh đạo hôm nay sẽ tạo nên một bước ngoặt mới cho liên kết phát triển của toàn vùng, phát huy lợi thế, giải quyết những khó khăn vướng mắc, tạo nên thành quả mới cho phát triển, để thế hệ mai sau có những niềm tự hào mới!

(*) Hội thảo “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung diễn ra vào ngày 15-7-2011 tại Đà Nẵng.


Anh Quân

;
.
.
.
.
.