Họ là những người có cùng đam mê sưu tầm hiện vật (HV) Chăm, cùng mong muốn đưa văn hóa Chăm đến gần hơn với công chúng. Mỗi HV như đứa con tinh thần quý giá mà họ phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức để có được.
Từ HV đa dạng
Nhà sưu tầm Đoàn Huy Giao đang giới thiệu với khách về những cổ vật Chăm được trưng bày trong bảo tàng Đồng Đình. |
Chiếc bình gốm hình trứng được xác định niên đại từ TK I – TK III được tìm thấy bởi những người nông dân Trà Kiệu mà ông đang gìn giữ được các nhà khoa học trong nước cũng như quốc tế rất quan tâm vì nó được coi như một trong những HV gốm của văn hóa Chăm sớm. Hay viên gạch nhỏ có hình ngôi sao được các vua chúa dùng để yểm trong kinh thành Trà Kiệu. Ông biết được nó là viên gạch quý, nhờ một lần, ông đã nhìn thấy một HV tương tự ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ông chia sẻ, muốn biết được giá trị của HV đến đâu, trước mắt phải có được vốn văn hóa và hiểu biết về HV. Đó là cả sự đam mê bền bỉ.
Luật sư Hồ Anh Tuấn lại đến với niềm đam mê sưu tầm HV từ truyền thống của gia đình. Trong bộ sưu tập của anh, ấn tượng nhất là bộ kim khí Champa với khoảng 700 - 800 HV. Anh cho biết, văn hóa Chăm rất đặc thù, nổi bật nhất là làm kim hoàn bằng tay, thủ công, rất tinh xảo, đặc sắc không ai bắt chước được. Mặc dù ông nội và bố anh thích đồ gốm cổ Trung Hoa, nhưng anh có niềm đam mê đặc biệt với những món cổ vật Chăm. Càng tìm hiểu sâu vào lĩnh vực này, anh càng kinh ngạc vì sự sâu rộng của nền văn hóa kỳ bí này. Những HV đầu tiên anh mua được là hoa tai, vòng, thậm chí cả một con rùa bằng vàng từ những người hút cát trên sông. Ngoài ra còn có cả những HV bằng đồng cũng được làm bằng tay.
Cách đây hơn 10 năm ở Đại Lộc, Quảng Nam có đào được 6 đầu tượng Siva vàng gọi là Mukhalinga. Mỗi khuôn mặt đều có một nét riêng biệt, không hề giống nhau, biểu hiện rất sống động. Anh may mắn có được một đầu tượng đó trong bộ sưu tập của mình.
Cũng suy nghĩ như anh Đoàn Huy Giao, mỗi HV đều có một lịch sử, văn hóa riêng, anh Tuấn luôn muốn giải mã từng HV mà mình có được. Trong một lần mua được pho tượng Phật bằng bạc ở Quảng Trị, bên trong, có một chất liệu đã bị chai cứng lại, anh thử đốt lên, phát hiện thấy mùi thơm rất dễ chịu. Nghiên cứu, anh mới biết nó là nhựa của cây kiến cánh trắng mà y học gọi là an tức hương (mùi hương làm cho hơi thở bình yên). Sau đó, anh lại tình cờ mua được một chiếc chân đèn và đặt bức tượng lên, thấy khớp thành một bộ. Tìm hiểu, anh mới biết người Chăm xưa rất hay hút thuốc, thường xuyên bị những cơn hen, suyễn kéo dài, nên đốt an tức hương để làm dịu những cơn ho. Hiện tại trong bộ sưu tập của anh có 56 pho tượng Phật bọc bạc như thế, bên trong vẫn còn chất thơm.
Ngoài ra, anh còn có những HV độc đáo như chiếc bình đựng nước của những người Chăm đi biển được đúc với miệng nhỏ, thân dài để không bị sánh nước ra ngoài; buồng cau bằng vàng thật, hoa tai hình trái cau, con ve… Trong bộ sưu tập của anh còn có một cây bút cổ bằng đồng có niên đại từ TK I đến TK IV sau Công nguyên. Bút trông giống như cây bút lông bây giờ, thể hiện sự tân tiến của người Chăm xưa đến kinh ngạc.
Những HV được sưu tầm và chăm chút từ những người theo mãi niềm đam mê như thế, đã giúp cho người xem thấy được bóng dáng của một nền văn hóa Chăm rực rỡ.
Đến bảo tàng tư nhân
Sau nhiều năm ấp ủ, NSƯT Đoàn Huy Giao đã xây dựng được bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Đà Nẵng mang tên Đồng Đình. Với bảo tàng này, ông trưng bày các HV sưu tầm theo từng bộ để giới thiệu tới công chúng. Trong 600 HV có khoảng 300 HV đã được hội đồng giám định quốc gia giám định. Ông cho biết, có thể giá trị HV không cao, nhưng mỗi HV mang trong nó dấu ấn lịch sử rất quan trọng. Suốt bao nhiêu năm thai nghén và hình thành bảo tàng, ông muốn khẳng định một điều: tính văn hóa trong mỗi HV là giá trị mà nhà sưu tầm hướng đến. Đó chính là nơi chứa đựng tri thức lịch sử của con người.
Với số lượng HV lên tới hàng ngàn, luật sư Hồ Anh Tuấn đang tiến hành mở một bảo tàng tư nhân ở Hội An để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước những HV về đời sống, văn hóa của người Chăm, đặc biệt ngành kim khí và đồ gốm. Anh cho biết các HV của anh có mối liên quan mật thiết. Nhìn vào chúng, có thể hiểu được người Chăm đã sinh sống như thế nào, sinh hoạt ra sao. Với anh, sưu tầm các HV cổ không chỉ vì đam mê mà còn muốn đưa văn hóa Chăm đến gần hơn với công chúng, để công chúng biết được văn hóa đặc trưng của từng vùng miền cũng như hiểu được giá trị lịch sử của từng giai đoạn.
Ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết trong các HV thì đồ gốm Chăm rất khó xác định. Nếu như đá điêu khắc Chăm sắc nét, dễ nhận ra thì đồ gốm văn hoa thường không rõ lắm, sự giao lưu văn hóa với các vùng lân cận nhiều, nên việc xác định không dễ dàng. Tuy nhiên, những nhà sưu tập tư nhân đã có công giữ lại được những cổ vật quý giá và không làm thất lạc nó. Đấy chính là cái giá trị lớn nhất.
Được biết, trong 3 năm trở lại đây Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã tạo điều kiện cho các nhà sưu tập tư nhân có không gian trưng bày các hiện vật của mình. Năm 2009, trưng bày bộ gốm cổ gò sành Chăm của Bảo tàng tư nhân Bình Định, năm 2010 trưng bày bộ sưu tập của nhà sưu tầm tư nhân Hoàng Tiến Dũng và năm 2011 đang trưng bày bộ sưu tập của ông Lâm Dũ Xênh, trong đó có nhiều hiện vật Chăm.
Và việc nên có một không gian nhỏ trong bảo tàng để những nhà sưu tập tư nhân ký gửi, giới thiệu cho mọi người rất cần thiết. Bảo tàng luôn là một trong những nơi lý tưởng cho công tác bảo quản, giới thiệu, để các hiện vật sưu tập quý giá không phải trôi nổi trên thị trường.
Thu Hà