.

Xưa bày nay bắt chước?

.

Cưới xin ngày nay, bên cạnh nhiều tục được tiến hành y theo ngày trước cũng có một số tục đã có sự cải biên hoặc loại bỏ hẳn cho phù hợp với cuộc sống đương đại.

Phi lục lễ bất thành phu phụ

 

Mô tả ảnh.
Bên cạnh những nghi thức hiện đại...


Đó là quan niệm của người xưa khi nói về hôn nhân, nghĩa là không (đủ) sáu lễ thì không thành vợ chồng. (Cũng có sách ghi “Lục lễ bất bị, trinh nữ bất xuất” hoặc “Lục lễ bất bị, trinh nữ bất hành” – 6 lễ không đủ, thì người gái trinh không đi về nhà chồng).

 

6 lễ theo tục cưới hỏi ngày xưa gồm: (1) Lễ Nạp thái – nhà trai nạp lễ vật vào nhà gái để tỏ ý muốn chọn nơi này làm thông gia; (2) Lễ Vấn danh - nhà trai nhờ người mai mối đem trầu rượu đến để hỏi tên, tuổi, ngày sinh của người con gái; (3) Lễ Nạp cát - nhà trai đưa lễ vật đến để trình cho nhà gái biết đôi trai gái đã hạp tuổi, hôn nhân tốt; (4) Lễ Nạp tệ (Lễ Hỏi) -  nhà trai đem lễ vật và tiền bạc đến nhà gái để chuẩn bị đám cưới; (5) Lễ Thỉnh kỳ - nhà trai đến trình cho nhà gái biết ngày, giờ, tháng, năm mà mình đến làm lễ cưới; (6) Lễ Thân nghinh (Nghênh hôn) - đúng ngày giờ đã hẹn trước, nhà trai đem lễ vật đến nhà gái làm lễ rước dâu.
Nay, có nơi việc cưới hỏi đã giản lược xuống còn ba lễ cho phù hợp với cuộc sống mới: (1) Lễ Chạm ngõ (Chạm mặt, Dạm vợ, Thăm nhà, cũng gọi là Lễ Hứa hôn) bao gồm lễ Nạp thái và Vấn danh xưa; (2) Lễ Hỏi hay Lễ Đính hôn, gồm lễ Nạp cát và Nạp tệ xưa; (3) Lễ Cưới (Thành hôn, Vu quy) gồm lễ Thỉnh kỳ và Thân nghinh xưa.

Việc giản lược này đã làm cho hôn lễ bớt rườm rà, tốn kém về thời gian và tiền của cho cả hai họ, riêng nhà trai thì vơi đi cảm giác “cưới con dâu, sâu con mắt”.

Tâm linh, nên thơ và lãng mạn

Xưa, đám cưới là dịp để cả họ hàng chia sẻ tình thâm gia tộc. Che rạp, trang trí, gửi thiệp mời, làm bánh trái, chọn vải may áo cưới... mọi việc đều chia nhau ra tự làm tất. Việc trao tặng nữ trang mang ý nghĩa tâm linh cao qúy. Tặng chiếc nhẫn (có khi chỉ vài phân vàng thôi), cha mẹ (hoặc đại diện gia tộc) nhắn nhủ đây là chút quà cho hai con làm vốn liếng ban đầu để gây dựng gia đình, mà cũng là lời khuyên nhắc hãy “nhẫn” mỗi khi đường đời gập ghềnh, bất trắc. Tặng chiếc vòng xuyến là ngầm nhắc con gái/con dâu luôn quán xuyến công việc nhà chồng để làm rạng danh họ tộc.

 

Mô tả ảnh.
… đám cưới ngày nay nên giữ lại những nét đẹp truyền thống.


Nay đám cưới có vẻ nghiêng về phía thực dụng, nghi lễ mất dần đi vẻ thiêng liêng mà nặng phần trình diễn, nhất là khi diễn ra ở các nhà hàng. Không ít người tặng nữ trang cho con mà như khoe của, muôn tía nghìn hồng từ hàng ta tới hàng tây, nhưng có mấy ai biết cách gắn các món nữ trang đắt tiền đó với ý nghĩa tinh thần để con mình làm hành trang trong cuộc sống lứa đôi phía trước?

 

Xưa, chủ hôn chọn một người thân trong họ, cao tuổi, đức độ, vợ chồng song toàn, đông con cháu, ăn nên làm ra để trải chiếu cho giường tân hôn. Đây cũng là một hình thức văn hóa tâm linh, ngầm cầu chúc cho cô dâu chú rể được trăm năm hạnh phúc. Nay thì giường hộp, nệm xịn, không ai dùng chiếu cói xưa nên cái lệ thiêng liêng này đã gần như tuyệt tích.

Có lẽ vì thế mà người nước ngoài đi ăn đám cưới Việt không “mê” các buổi tiệc đãi khách ở nhà hàng “công nghệ cưới” mà rất thích các lễ nghi truyền thống, trong đó thích nhất là lễ rước dâu ở các vùng quê, tâm linh, nên thơ và đầy lãng mạn.

Hòa nhịp xưa - nay

Một người vừa dự một đám cưới bên Hà Lan về kể rằng, khi chú rể đến xin rước dâu thì nhà gái đóng cửa. Họ đưa ra 10 câu hỏi liên quan đến cô dâu (Cô dâu thích màu gì? Hoa gì? Nhạc gì? Bàn cô dâu kê về hướng nào?…), nếu chú rể trả lời đúng được 6 câu thì sẽ mở cửa. Sau mỗi lần chú rể trả lời, nhà gái hỏi cô dâu đúng không, nếu đúng sẽ ném ra một đồng xu. Cuộc “sát hạch” trình độ hiểu biết của chú rể đối với cô dâu diễn ra gay cấn, đầy hào hứng dưới sự theo dõi của hai họ và khách mời. Kết cục, chỉ được 5 đồng xu, cửa không mở. Đến khi cô dâu bật khóc thì nhà gái mới “mủi lòng” mà cho nhà trai vào!

Tục lệ trời Tây này xem ra tương tự như tục đóng cửa, giăng dây trong đám cưới ta ngày xưa.

Sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính ghi rằng, lúc nhà trai đem lễ cưới đến thì trẻ con hoặc đầy tớ bên nhà gái đóng cửa không cho vào. Nhà trai phải cho ít tiền thì họ mới mở cửa. Trên đường nhà trai rước dâu về, một số người (tác giả gọi là “những kẻ hèn hạ”) lấy chỉ đỏ hoặc lụa đỏ giăng ngang giữa đường, nếu cho họ ít tiền thì sẽ nhận được lời chúc mừng và xả dây cho đám cưới đi qua, bèn ngược lại thì sẽ nhận những lời “nói bậy nói bạ”.

Người viết từng nghe kể ở quê mình xưa không có tục giăng dây nhưng có lệ đóng cửa thử tài nhà trai. Có đám cưới nọ đêm hôm đi rước dâu, tới nơi đúng giờ giao ước rồi mà nhà gái vẫn cửa đóng then cài mặc dù trong nhà đỏ đèn. Ông mai nhanh trí, tới trước cổng đốt một tràng pháo báo tin mừng, nhà gái phục tài, mở cửa rước nhà trai vào.

Dân gian bảo “xưa bày nay bắt chước”, nhưng không hẳn cái gì “xưa bày” thì nay cũng phải rập khuôn “bắt chước”. Phan Kế Bính đã viết trong sách đã dẫn: “Xét trong tục cưới xin của ta, có mấy điều trái với cách văn minh nên đổi”, đó là các tục tảo hôn, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó và tục thách cưới. Ngoài ra, tác giả còn nhắc đến một số việc kiêng kỵ rất nực cười như: “Ba tháng hè kiêng cưới xin, sợ không hay”; “Cha mẹ kiêng đưa con gái về nhà chồng, e người ta cười”...

Thế kỷ XXI rồi, một số phong tục xưa nay đã lỗi thời, thậm chí trở thành đồi phong bại tục, cần có sự nghiên cứu, tìm tòi để đưa những phong tục hay vào bổ kết, loại trừ dần những cái dở. Vừa rồi, một người tổ chức đám cưới cho con, thử gửi thiệp mời qua e-mail cho một số người rất thân thương (không dám gửi đại trà vì sợ bị... phê bình). Một anh nhà văn phản hồi: “Mình thấy gửi giấy mời qua mạng là tiện lợi và hiện đại, không cần gửi trực tiếp bằng giấy đâu”. Một chị cán bộ ngành văn hóa cũng gật đầu: “Ý nghĩ này sáng tạo đó, tôi hoan nghênh”.

Thiết nghĩ, gửi/nhận thiệp mời qua thư điện tử là một cách làm hay và tiện lợi thời kỹ thuật số. Bao giờ thì sự hòa nhịp giữa xưa và nay này trở thành phong tục hay để không phải “méo mặt” vì lo gửi mấy trăm thiệp mời đến từng địa chỉ?

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.