.
Chuyện xưa xứ Quảng

Tam Kỳ xưa qua gia phả một tộc tiền hiền

.
Có thể phác họa được diện mạo quê gốc của những cư dân đầu tiên đến vùng đất mà nay gọi là thành phố Tam Kỳ và diện mạo nơi này vào buổi đầu được quy dân lập ấp qua lịch sử một tộc tiền hiền vùng ven sông Tam Kỳ.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Văn bản năm Cảnh Hưng thứ 20 (trái) có nói đến vùng đất ven sông nay có tên là sông Tam Kỳ.
 
Theo gia phả còn lưu tại các phái tộc Trần làng Hương Trà (nay thuộc phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ) thì các ngài thỉ tổ tộc này có quê gốc từ “xã Kim Chuyết (NV nhấn mạnh), huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa”.

Tra sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn vào khoảng đầu thế kỷ XIX, ta gặp địa danh “Kim Chuế sơn” trong phần mô tả về sông núi tỉnh Thanh Hóa. Đoạn mô tả bằng chữ Hán ấy đã được dịch ra như sau: “Núi Linh Trường ở cách huyện Hoằng Hóa 19 dặm về phía đông bắc, lại có tên nữa là núi Kim Chuế, ở ven phía nam sông Y Bích nối liền 7 ngọn, theo ven sông ra đến biển…” (ĐNNTC, bản dịch của Viện Sử học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội - 1970, tr.221).

Dựa vào các mô tả về địa lý tỉnh Thanh Hóa trong sách này và chữ chuế (缀) còn có cách đọc khác là chuyết, có thể phân tích được như sau:

Địa giới hai huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc được phân cách bởi con sông Y Bích (về sau đổi thành sông Linh Trường); sông này đổ về cửa Y Bích (sau gọi là cửa Linh Trường); huyện Hoằng Hóa nằm về phía hữu ngạn và Hậu Lộc ở tả ngạn. Núi Kim Chuyết (Chuế) nằm ven nhánh sông Y Bích ở địa giới huyện Hoằng Hóa. Đến nay, tra sách xưa, chưa tìm được tên làng Kim Chuyết (Chuế) nhưng tìm được một tên cũ là “tổng Ngọc Chuế” (nay thuộc địa phận xã Hoằng Ngọc), huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Chẳng rõ có phải Kim trong địa danh Kim Chuyết (Chuế) do kỵ húy tên vị thỉ tổ triều Nguyễn là Nguyễn Kim nên đến thời Nguyễn đã được đổi ra Ngọc hay chăng? (Kim 金, Ngọc 玉).

Tìm hiểu qua gia phả các tộc vào vùng ven các con sông ở Tam Kỳ đồng thời với tộc Trần (lĩnh danh vị tiền hiền làng Tam Kỳ) như tộc Trần Kim - lĩnh tiền hiền làng Phú Quý (nay là xã Tam Phú, Tam Kỳ), tộc Nguyễn (đồng lĩnh tiền hiền làng Tam Kỳ với tộc Trần) thì thấy quê gốc các vị thỉ tổ của hai tộc này ở làng Y Bích (tộc Trần Kim) làng Ngọc Lâm (tộc Nguyễn) đều thuộc huyện Hậu Lộc (tên cũ là Thuần Hựu sau đổi thành Thuần Lộc), tỉnh Thanh Hóa.

Các chi tiết vừa nêu đã xác nhận lại điều mà các sử xưa cho biết là phần lớn các cư dân ban đầu đến vùng nam Quảng Nam và Quảng Ngãi có quê gốc từ vùng Nghệ An, Thanh Hóa.

Các văn bản chữ Hán còn lưu tại tộc Trần - Tiền hiền làng Tam Kỳ, cho biết hai vị thỉ tổ của tộc này là các ông Trần Cảnh Lan và Trần Cảnh Huệ từ vùng cửa biển Y Bích, Thanh Hóa đặt chân đến vùng ven sông Tam Kỳ và sông Bàn Thạch vào khoảng cuối thế kỷ XVI. Tại vùng đất mới này, các ông đã khai phá rồi cùng với một số tộc họ khác như tộc Nguyễn, tộc Phạm đã quy dân lập ấp; biến vùng đất sa bồi Hương Trà, Hương Sơn (nay thuộc phường Hòa Hương và phường Phước Hòa, thành phố Tam Kỳ) thành đồng ruộng với tên các xứ đất lúc mới khai phá là Ê Đáp, A Bốc, Hóc La, Bà La La, Cà Bang, Do Gò Tha, Cồn Nính, Truông Dài, Cửa Dương, Cây Cầy, Cồn Sạn, Bàu Lăng, Gò Núi… Đến khoảng 80 năm sau, đời cháu các vị thỉ tổ tộc Trần là ông Trần Văn Nghiêm đã đứng tên khai bộ điền năm Cảnh Trị thứ 7 (1669) và ông này đã được truy nhận là tiền hiền làng Tam Kỳ cùng với ông Nguyễn Đăng Vinh - tiền hiền tộc Nguyễn với danh hiệu “Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần”.

Các văn bản ấy còn cho biết, đến năm 1760 (Cảnh Hưng thứ 20) tên vùng này là “Tân lập vi tử Tam Kỳ xã” trực thuộc “Thăng Hoa phủ, Kim hộ thuộc” tức là vùng có đa số cư dân hành nghề khai thác vàng nạp thuế trực tiếp vào phủ chúa Nguyễn. Điều này hoàn toàn phù hợp với các ghi chép của học giả Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục soạn vào năm 1776 (Cảnh Hưng 26).

Các bản đồ xưa như “Toản tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư” (vẽ vào cuối thế kỷ 17), “Đại Nam nhất thống toàn đồ” (vẽ vào thời Tự Đức) đã thể hiện rất rõ hình thể các nhánh sông, cồn, đầm… vùng Tam Kỳ mà đến nay còn có thể nhận dạng.  Các nhà nghiên cứu địa lý, thổ nhưỡng… xếp  Tam Kỳ vào vùng có “địa hình cồn bàu”. Nơi đây, do sự phân chi của các nhánh sông đã tạo thành những bàu, đầm lớn và những cồn cát lớn. Vùng Hương Trà, Hương Sơn xưa là một cồn sa bồi như thế! Lúc ấy nó còn hoang hóa và đủ rộng để là chỗ dừng chân của các ngài Thỉ tổ tộc Trần buổi đầu rời xã Kim Chuế (Chuyết), huyện Hoằng Hóa thuộc thừa tuyên Thanh Hoa  vào vùng Tam Kỳ, thuộc thừa tuyên Quảng Nam lập nghiệp.

Hương Trà
;
.
.
.
.
.