.
Cửa sổ tri thức

Chín tầng

* Trong bài “Giật mình đọc lại Nguyễn Hàm Ninh” đăng trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 21-8 vừa rồi có câu thơ “Nghe nói Chín Tầng đà cử tướng/ Hằng mong thắng trận báo tin ra”. Xin cho biết, “chín tầng” ở đây nghĩa là gì? (Nguyễn Mai, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Theo bài đã dẫn, đây là hai câu thơ do cụ Nguyễn Tú phỏng dịch hai câu “Tự văn cửu bệ cần thôi cốc/ Nhật vọng Cam Tuyền tấu tiệp thư” trong bài Lệ Sơn xuân vọng nguyên văn chữ Hán của Nguyễn Hàm Ninh.

Chín tầng là dịch từ chữ cửu bệ (trong nguyên văn), nghĩa là chín bậc thềm; ý nói bậc cao, chỗ vua ngồi, cũng chỉ nhà vua. Với nghĩa này, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có câu thơ “Bái biệt long lâu cửu bệ hàn/ Mang huề cầm kiếm xuất đô quan” (Giã từ cửu bệ với long lâu/ Đàn kiếm ra thành dạ ngẩn ngơ).

Đồng nghĩa với cửu bệ có cửu trùng, nghĩa là chín tầng. Sách Điển cố Văn học (NXB Khoa học Xã hội – Hà Nội, 1977) không có mục từ cửu bệ, chỉ có mục từ cửu trùng với lời giảng như sau:

“Người xưa cho rằng trời có chín tầng (cửu trùng); các tầng thấp là nơi ở của trăng sao; còn tầng thứ chín cao nhất, yên tĩnh nhất là nơi ở của Thượng Đế. Sau lại dùng để chỉ nơi ở của nhà vua, rồi chỉ nhà vua. Sở từ có câu: “Thiên tắc cửu trùng, thục dinh độ chi?” (Trời cao chín tầng, ai xây đắp nên?), và “Quân môn hề cửu trùng” (Cung vua chừ ở chín tầng).

Văn học cổ thường dùng để chỉ trời, vua hoặc nơi vua ở.

Cửu trùng cảm đến lòng thành/ Sai Kim Tinh xuống thác sinh cõi trần (Phạm Thái). Đóa lê ngon mắt cửu trùng/ Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng vẫn xiêu (Nguyễn Gia Thiều)”.

Trong hai đoạn thơ được Điển cố Văn học trích dẫn ở trên, đoạn đầu cửu trùng chỉ trời, đoạn sau chỉ vua.
Nói thêm, hai câu “Tự văn cửu bệ cần thôi cốc/ Nhật vọng Cam Tuyền tấu tiệp thư” nói trên có sử dụng một số điển cố văn học, có nghĩa là “Dường nghe trên chín bệ đã cất nhắc vị đại tướng/ Hằng ngày mong mỏi trông thấy Cam Tuyền báo tin thắng trận”.

Thôi cốc là đẩy bánh xe, nghĩa bóng là cử đại tướng đi đánh. Theo sách Sử ký Phùng Đường truyện, khi phong chức đại tướng thì vua tự đẩy xe (cho đại tướng) mà bảo: Trong nước thì quyền ta, ngoài mặt trận thì quyền đại tướng. Ở đây, thôi cốc chỉ việc vua Tự Đức cử tướng Nguyễn Tri Phương đi đánh giặc cướp phương Tây lúc đó.

Cam Tuyền là tên một ngọn núi ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Đời Tần, đời Hán đều có xây dựng Ly cung trên núi này và thường gọi chung là cung Cam Tuyền. Đời Hán Văn Đế, khi quân Hung Nô xâm lấn Trung Quốc, quan quân cho đốt khói lửa báo tin suốt từ núi Cam Tuyền tới huyện Trường An.

ĐNCT
;
.
.
.
.
.