.

Không chịu đá

.
Không chịu đá là câu than vãn của huấn luyện viên trưởng đội Khánh Hòa - ông Hoàng Anh Tuấn - về thái độ của ít nhất 3 cầu thủ học trò mình trong trận cuối cùng V-League với đối thủ Hòa Phát Hà Nội. Theo lời ông, khi tung các cầu thủ này vào sân, ông những mong họ thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của một câu lạc bộ có truyền thống nhưng chẳng hiểu sao họ thi đấu một cách chiếu lệ, không chịu di chuyển, không tranh bóng đến nơi đến chốn với đối phương.

Mô tả ảnh.
Trận đấu giữa Đồng Tháp (phải) và Bình Dương trong khuôn khổ V-League 2011. (Ảnh tư liệu)
Bất ngờ trước thái độ này của các đệ tử, ông Tuấn đã buộc phải làm chuyện lạ đời là thay cùng lúc cả hai cầu thủ mà mình vừa đưa vào sân, chấp nhận để đội Khánh Hòa thi đấu chỉ với 9 cầu thủ vì lúc ấy họ đã hết quyền thay người. Quyết định “trừng phạt” này khiến khán giả Hà Nội trố mắt ngạc nhiên, cả vị trọng tài thứ tư làm nhiệm vụ thông báo việc thay người cũng kinh ngạc.

Thiếu người một cách tự nguyện, cầu thủ thi đấu chểnh mảng, Khánh Hòa chịu một trong những thất bại cách biệt nhất của cả mùa bóng (1-4) trước một đối thủ đang cần 3 điểm cuối cùng để trụ hạng. Người dẫn dắt đội bóng này nói rằng qua trận đấu ấy, cầu thủ của ông đã tự hạ thấp và bôi bẩn chính mình. Dù đạt mục tiêu trụ hạng V-League nhưng ông Tuấn cảm thấy xấu hổ.

Không riêng trận cầu khiến người trong cuộc thấy xấu hổ trên sân Hà Nội, lượt đấu cuối của V-League cũng diễn ra những trận đấu mà kết quả của chúng đã được báo trước. Những đội xuống hạng, trên thực tế, đã được “xướng danh” ngay từ khi kết thúc lượt đấu áp chót. Suốt mùa giải vừa kết thúc ở V-League và Hạng nhất, người ta cũng thống kê sơ bộ rằng có không dưới 6 trận đấu đáng nghi ngờ về tính trung thực sòng phẳng của cầu thủ hai đội, những cuộc “tỉ thí” giả vờ nhằm đánh lừa khán giả vì trên thực tế, các đội đã móc ngoặc nhau bên ngoài sân bóng để chia điểm, nhường điểm.

 Ở những trận đấu ấy, kịch bản thường gặp là một đội đang thi đấu tưng bừng, tỏ ra đầy nhuệ khí bỗng dưng mất hết thần sắc, buông thả thế trận cho đối phương thao túng. Cầu môn được mở toang cho tiền đạo đối phương bắn phá để tạo nên một cuộc “lội ngược dòng” không kém ngoạn mục vì làm kinh hoàng người xem. Nhiều điểm số then chốt đã được thu nhặt từ các trận đấu “bốc mùi” này giúp không ít đội thoát hiểm trong cuộc chiến trụ hạng hay trong cuộc đua giành chức vô địch. Chưa ai tổng kết được có bao nhiêu số phận đã được định đoạt bằng những trận đấu giả vờ này, sự liên minh đi đêm đã dự phần đến mức độ nào trong bảng xếp hạng cuối cùng của mùa giải nhưng điều mà ai cũng nhận ra là gương mặt các giải đấu do VFF điều hành chắc chắn đã méo mó, xộc xệch đi rất nhiều.

Giống như huấn luyện viên trưởng của đội Khánh Hòa tự thấy hổ thẹn, Chủ tịch VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ, có lần gọi những trận đấu móc ngoặc ấy là đáng xấu hổ. Đích thân những người có trách nhiệm với chất lượng của mùa giải đều nhìn nhận những hạt sạn làm hư hỏng chén cơm V-League và giải Hạng nhất. Đó cũng là điệp khúc được nhắc đi nhắc lại từ mùa này sang mùa khác. Công chúng vì vậy tự hỏi phải chăng các nhà quản lý đã hết thuốc chữa căn bệnh trầm kha này? Có lý do nào để buộc khán giả đừng làm ngơ với các giải đấu mà từ năm này sang năm khác vẫn mang hoài khuôn mặt đủ thứ tì vết với vô số những trận cầu sắp đặt, những trận đấu mà cầu thủ… không chịu đá!

Đình Xê
;
.
.
.
.
.