.

Libya thời hậu Gaddafi: Dầu “nóng”

.
Phe nổi dậy đã chiếm Tripoli nhưng còn lâu bình yên mới có thể trở lại với người dân Libya. Tuy vậy, cuộc đua tìm dầu mỏ ở Libya đã bắt đầu “nóng” lên.

Mô tả ảnh.
Lực lượng nổi dậy tiến vào một nơi sản xuất dầu.
 
Trước khi bất ổn chính trị xảy ra hồi tháng 2, Libya là một trong những nước xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới, khoảng 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày. Cuộc chiến ngày càng leo thang đã buộc hầu hết các công ty phải ngưng sản xuất nên đẩy giá dầu thế giới lên cao. Sản xuất giảm mạnh tới mức chỉ có 60 nghìn thùng/ngày. Chừng ấy chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu trong nước. Phe nổi dậy xuất khẩu một ít dầu ở các cảng để lấy tiền mặt thông qua Qatar.

Chỉ ngay sau khi thông tin phe nổi dậy tiến vào thủ đô Tripoli, giá dầu thế giới lập tức hạ nhiệt. Các nước phương Tây, đặc biệt là những nước thuộc khối NATO vốn hỗ trợ tối đa cho phe nổi dậy muốn những công ty dầu của họ sớm trở lại Libya làm việc. Ngoại trưởng Ý Franco Frattini nói trên đài truyền hình quốc gia rằng công ty dầu Ý Eni sẽ có vai trò số một trong tương lai ở đất nước Bắc Phi này. Ông Frattini còn cho biết là các chuyên gia của Eni đã sẵn sàng lên đường trở lại Libya (những vùng an toàn) để tái sản xuất.

“Chúng tôi không có vấn đề gì với các công ty của Ý, Pháp và Anh nhưng chúng tôi có một số vấn đề về chính trị với Nga, Trung Quốc và Brazil”, Abdeljalil Mayouf – người phát ngôn cho Công ty Agoco của phe nổi dậy - nói. Ba nước này không ủng hộ những biện pháp mạnh mẽ trừng phạt Gaddafi và có xu hướng muốn kết thúc cuộc chiến bằng đàm phán. Do đó, những công ty dầu mỏ của ba nước này sẽ gặp rất nhiều khó khăn ở Libya trong thời hậu Gaddafi.

Các nhà phân tích dầu mỏ nhận định Total và Eni sẽ cạnh tranh tìm kiếm những hợp đồng tốt nhất nhờ sự ủng hộ của chính phủ họ trong cuộc chiến ở Libya. Eni cùng với BP (Anh), Total (Pháp), Repsol YPF (Tây Ban Nha) và OMV (Áo) là những nhà sản xuất lớn ở Libya trước khi nội chiến xảy ra. Tất cả luôn ở trong tư thế sẵn sàng quay trở lại khi cuộc chiến kết thúc. Những công ty Mỹ như Hess, ConocoPhillips và Marathon cũng đã có nhiều hợp đồng từ thời Gaddafi dù rằng số lượng dầu nhập từ Libya vào Mỹ chỉ chiếm 1%. Ý những năm gần đây dựa tới 20% vào dầu từ Libya. Pháp, Thụy Sỹ, Ireland và Áo cũng phụ thuộc hơn 15%. Tầm quan trọng đó càng thấy rõ hơn khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã mời người đứng đầu Hội đồng chuyển tiếp của phe nổi dậy là Mustafa Abdel Jalil sang Paris để hội ý.

Dự kiến Libya cần một năm để sửa chữa, đưa các giếng dầu trở lại hoạt động một cách đầy đủ nhất. Rõ ràng là quá may mắn bởi Iran từng mất hàng chục năm để ổn định sản xuất, Iraq phải mất 8 năm sau ngày chế độ Hussein sụp đổ. Không biết rõ là chính quyền của phe nổi dậy có tôn trọng những hợp đồng từ thời Gaddafi hay sẽ tiến hành đàm phán để phân chia “miếng bánh” đầu tư vào sản xuất và thăm dò các mỏ mới bởi vì ưu tiên cho Pháp và Ý nhưng Libya không thể quên Mỹ.

Tịnh Bảo
;
.
.
.
.
.