Lúc 0 giờ (*) là lúc nào? Không có cái “lúc” ấy. Và cũng… không phải. 0 giờ, chỉ là một cách nói, một lời gọi. Bởi vì, sống, thì phải thế: nói và gọi là phương tiện hữu hiệu nhất trong nỗ lực tìm đến mối tương liên giữa người với người.
Vì sao, cái bi kịch vĩnh cửu của con người không thể kết thúc? Giản dị, bởi vì, “Mọi người đổ xô đi mua cho mình/ Một gương mặt khác của cuộc đời vô định” (Đêm ở khách sạn Assam, trang 39). Như vậy, là… xong: đó là phận người. Làm sao khác được? Làm sao vượt qua được?
Là thế. Biết là thế. Nhưng, thi sĩ là kẻ liều lĩnh, điên rồ, luôn muốn phá vỡ những rào cản. Một trong những “cách” của anh ta là, những chữ: “Viết giữ khoảng lặng trắng giữa các từ/ Đón nhận mùi hương tinh khiết thoát ra từ nó và nghe gió ru bất cứ lúc nào” (Bốn điều răn chính mình, trang 28). Đọc Trần Hữu Dũng đến câu này, tôi chợt nhớ, có lần, tôi đã hỏi Thầy tôi cái ý tương tự: “Có thể đi đến chân lý bằng ngôn ngữ không?”. Thầy tôi trầm ngâm: “Cũng hy vọng là có thể; nhưng rất lâu, phải trải qua rất nhiều kiếp”. Nhưng, đó là việc của những hành giả. Trần Hữu Dũng không chọn mình là người – đi trên con đường ấy, dù có khi, bằng trực cảm của nhà thơ, anh ngỡ đã chạm được cái chéo áo của hạnh phúc ấy: “Chậm rãi tập làm quen với cuộc sống/ Bất chợt đâu đó những vòng tròn niềm vui/ Tỏa sáng” (Tập thở ở Bengal, trang 41).
Còn niềm vui thực của anh, chính là cuộc đời này, cuộc đời với bao ma chiết dày vò, là những lúc mà cái thực và cái ảo trộn lẫn vào nhau để phát lộ ánh - sáng - đẹp của Dòng Sống: “Vũ điệu cuộc sống Ấn Độ cuồng nhiệt/ Chỉ nụ cười em thật dịu dàng dễ hiểu/ Tôi nhảy vào em/ Và biến mất” (Bài thơ nhặt trên đường Kyed, trang 43). Đó là những khoảnh khắc của sự quên. Vui thay và cũng buồn thay. Bởi vì, làm sao có thể né tránh diện mạo thâm hiểm của cuộc đời, khi mà ở đâu và lúc nào, vẫn cứ “gió cứa những lát dao vô tình/ Quay mặt về phía nào cũng rát” (Chuồn chuồn kim, trang 70). Bởi vì, cái gương mặt ngạo nghễ của đời sống là “Cá và Người/ Cuộc săn đuổi bất tận” (Ấn tượng Vàm Nao, trang 74). Như thế đấy. Thế mà con người vẫn phải sống như “không có gì xảy ra?/ Cuộc sống quay cuồng, chúng ta bất động không hề hay biết” (Đại dương - cuộc sống, trang 85). Có thể chia sẻ với anh: đó là số phận của nhà thơ: Cứ chẻ cái cây thành những thanh củi nhỏ và gom hết vụn gỗ, anh mới có thể liên kết được chúng vào bên trong, để rồi, nơi anh có thể tìm thấy điều gì, thì, cái điều vừa nắm được chợt tan đi…
Và, thế đấy: Sau khi đi tới tận cùng những đau đớn, lại phải gặp cái sự thực giản dị là nước vẫn chảy, trái đất này vẫn quay.
Có lẽ, đấy cũng chính là ý nghĩa đầu tiên và cuối cùng của tập thơ thứ… của anh, nếu phải tìm ra một thông điệp: “Giờ/ Thiêng liêng/ Tĩnh lặng, rỗng không/ hãy học cách sống minh triết/ Lúc 0 giờ.
Đó cũng là lời cảm ơn dành trọn cho cuộc đời: Tất cả mọi điều bất hạnh nào cũng có thể giúp con người hiểu ra – tìm đến và yêu thương, cho tất cả những ai có đôi mắt biết soi tìm và có trái tim rộng. Đó cũng là sứ mệnh của thi sĩ: những bài ca không nhớ, những giọt lệ thầm tan giữa bóng hư vô… sẽ thấm vào trái tim nhà thơ để khúc hát yêu đời bay lên…
Cây đinh thời gian vẫn lắc đều. Để tiến dần đến cái lúc 0 giờ, dù đấy chỉ là ảo vọng. Như hành trình ngun ngút mà không ngừng nghỉ của sự tự hoàn thiện.
2-8-2011
Nguyễn Đông Nhật
(*) Tập thơ song ngữ Việt-Anh-Trần Hữu Dũng - NXB Hội Nhà văn, tháng 7-2011.
Nguyễn Đông Nhật
(*) Tập thơ song ngữ Việt-Anh-Trần Hữu Dũng - NXB Hội Nhà văn, tháng 7-2011.