.
Truyện ngắn

Mưa

Anh vừa ra khỏi thành phố thì trời lắc rắc mưa. Nhìn những người đi ngược lại trùm áo kín mít anh biết phía trước đang có mưa lớn. Anh đã thu xếp công việc để có thể đến A vào lúc 19 giờ,  tắm táp, nghỉ ngơi rồi ngày mai làm việc.
 
Quyết toán cuối năm với các chi nhánh bao giờ cũng khó khăn. Con người là vậy, thu bao nhiêu cũng được mà chi ra chút ít thì cứ như xát muối vào lòng, tiếng nặng, tiếng nhẹ, giằng co lui tới, giận hờn, sầu thảm đủ thứ. Nhiều khi anh thấy chán nản với công việc của mình, rồi lại nghĩ âu cũng là cái duyên cái số. Mà đã là số kiếp, làm sao thay đổi. Mẹ anh bảo số anh hai vợ, anh cười, mẹ muốn vi phạm luật Hôn nhân hả. Thế rồi, mới 3 năm gia đình anh đã tan vỡ. Mọi nguyên cớ đều nhỏ nhặt, thậm chí buồn cười trong lá thư 3 trang giấy cô để lại trên chiếc bàn nhỏ. Ban đầu, anh đọc lướt qua, không hiểu gì cả. Mãi đến lần thứ 3, thứ tư gì đó, anh mới biết rằng vợ anh đã ra đi. Anh chộp điện thoại gọi cho mấy người bạn gái của cô ấy, rồi cho bà dì họ, rồi ông bác ruột. Tất cả đều kêu lên sửng sốt, vẻ như còn sửng sốt hơn cả anh. Thế mà đã 7, 8 năm trôi qua. Đôi lần anh nằm mơ thấy cô. Không rõ hình rõ dạng nhưng có cảm giác cô rất gầy yếu. Anh không oán giận, hờn trách cô nữa, chỉ mong sao cô được bình yên. Từ ngày đó, anh không cầu mong điều gì hơn là sự bình yên.

Ở sở làm, các bà, các cô gọi anh là tu sĩ. Tất nhiên là gọi sau lưng. Một cách tự nhiên, họ loại anh ra khỏi các cuộc vui chơi, nhậu nhẹt tưng bừng của họ. Có cô còn nói một cách điệu đàng, chàng là một type đặc biệt. Anh nghe kể lại, chỉ cười. Sếp của anh thì lại nhìn thấy sự đặc biệt của anh theo kiểu khác. Anh sẵn sàng đi xa, tiêu tốn ít và lần nào cũng thu được nợ cho công ty. Anh cũng không hiểu vì sao mình lại có thể thu được tiền từ những kẻ kinh khủng đó. Có lẽ cả họ nữa, cũng có lúc mủi lòng. Họ thương anh chàng ít lời, không dậm dọa hò hét mà cũng chẳng than van rền rĩ.

Một tiếng sấm vỡ ra trong không trung, trời đất tối sầm, mưa như hắt vào mặt. Anh đẩy xe vào bên đường,  nơi có căn nhà nhỏ, cửa chính, cửa sổ đóng im ỉm. Anh đứng co ro dưới mái hiên chật hẹp như đứa trẻ bị phạt. Cơn mưa có thể kéo dài tới nửa đêm không chừng. Anh lại quên áo mưa. Mỗi mùa mưa anh phải mua hàng chục chiếc áo mưa, gặp đâu mua đó. Ở nhà, ở sở, mỗi nơi có tới 3, 4 chiếc mà giữa đường vẫn phải mua tiếp. Ngoài mẹ anh, chẳng ai biết anh là người lơ đãng, nhớ trước quên sau. Có lần, anh đi nhầm xe của người khác, xe hư, vào tiệm sửa, ngồi ngắm nghía một hồi mới biết không phải xe của mình. Sửa xong, chạy lại chỗ làm,  thấy một cô đang khóc. Cô ta không thèm nghe anh phân trần xin lỗi, giật lấy chìa khóa, nổ máy xe chạy thẳng. Anh đỏ mặt lẩm bẩm, người đâu mà kỳ cục, không biết nói về cô gái hay về chính mình nữa.

Trong bức thư để lại, vợ anh phiền trách vì có lần đưa cô đi xem phim, anh cầm 2 vé vào thẳng chỗ ngồi, để quên cô ngoài cửa đôi co với người soát vé rồi lang thang trên phố vì không có chìa khóa vào nhà. Anh cất bức thư vào cuốn album ảnh cưới, một cuốn album màu hồng phấn. Anh thở dài,  nhìn ra con lộ vắng ngắt.

Một bóng nhỏ lao thẳng vào căn nhà anh đang đứng trú mưa. Hóa ra là một đứa bé trai. Không có áo mưa, nó lấy túi ni-lon che đầu,  hai tay giữ chiếc cặp sách trước bụng. Nó liếc nhìn anh rồi la to, má, má. Cánh cửa bật mở như câu nói của nó là một câu thần chú vậy. Tiếng một người phụ nữ xuýt xoa, lẹ lên con, thay đồ kẻo bịnh. Hình như từ lúc này căn nhà mới có sức sống. Anh lắng nghe tiếng đặt mâm, tiếng chén đũa va nhau, tiếng chày giã ớt, tiếng một bé gái kêu ré lên, anh Hai, anh Hai. Rồi tiếng người phụ nữ ban nãy, đã bảo con mang áo mưa mà. Thằng bé, có lẽ là anh Hai đáp, con cứ quên hoài. Anh mỉm cười, lại một gã hay quên nữa trên đời. Mai sau nó cũng sẽ đi nhầm xe,  sẽ làm cho các đại lý áo mưa sung sướng, sẽ… Ừ, cốt nhất là đừng để quên vợ ngoài cửa rạp, hậu quả khôn lường. Chợt anh nghe thằng bé nói giật giọng, má, má có người đứng ngoài hè. Tiếng người phụ nữ, ai. Thằng bé cười, con đâu có biết, họ đứng trú mưa, ướt hết. Người phụ nữ thì thầm điều gì đó, thằng bé đáp, đàn ông. Im lặng. Rồi lại giọng người mẹ,  thôi, con kêu họ vô nghỉ tạm. Thằng bé như chỉ chờ có vậy,  nó thò đầu ra, chú ơi, má con mời chú vô nhà. Anh lúng túng lách qua khuôn cửa hẹp, nói khẽ, chào chị. Người phụ nữ đang bày mâm,  ngẩng lên, nói như nói một mình, cơn mưa lớn quá.

Thằng bé có mái tóc dày và đôi mắt rất sáng. Nó kéo tay anh, con dắt chú đi thay đồ. Hồi nãy con lạnh quá, run lập cập, mặc quần áo khô vào,  thấy ấm áp, dễ chịu ngay.

Khi anh trở lên, người phụ nữ đã bày thêm một đĩa trứng chiên lên mâm, bên cạnh tô canh và chén mắm chưng. Chị nói nhỏ nhẹ,  gặp bữa, anh ăn chén cơm nóng với mẹ con tôi. Anh không dám chối từ vì quả thực bụng đang đói và cũng vì bữa cơm quá đạm bạc. Thằng bé kéo tay anh, chú ngồi đây, chú có uống rượu không. Đứa bé gái từ nãy vẫn im lặng, bỗng dấm dẳng, làm như ba mình không bằng. Thằng anh trừng mắt nhìn nó, nó lè lưỡi trêu chọc. Người phụ nữ chăm chú xới cơm, không tỏ thái độ gì như chị không hề nghe câu chuyện của lũ con. Chị trạc 30 tuổi, tóc búi sau gáy,  khuôn mặt hơi xương, mũi thẳng, đôi mắt khuất dưới hàng mi dày. Chị đưa hai tay chén cơm mời anh. Thằng bé lấy đũa xắn làm tư miếng trứng, gắp cho anh một phần. Nó hỏi, chú đi đâu vậy. Anh đáp, đi A. Nó kêu, ba cũng ở đó. Anh quay sang người phụ nữ, anh nhà làm việc ở đó hả chị. Người phụ nữ đáp, không nhìn lên, dạ,  cũng lâu rồi. Con bé liếc nhìn mẹ, ba đi luôn rồi, dì Hai làm nghề uốn tóc ở dưới, Tết ba cũng không về. Giọng nó nghẹn ngào. Anh luống cuống, thôi bé ăn đi, để chú xuống tìm nhắn ba về.

Mưa tạnh thì đã nửa đêm. Thằng bé, người đàn ông của cái gia đình ấy, thu xếp, má với bé vô nhà ngủ đi, con với chú trải chiếu ngủ giữa nhà này, mai chú đi sớm là kịp. Anh đành vâng lời nó vì đâu còn cách nào khác. Anh lục túi lấy một cuốn sổ tay, một cây bút mới cho nó. Anh bảo, chú đâu có biết gặp anh em cháu mà mua bánh, mua kẹo. Nó cười, còn dịp khác mà chú. Anh đáp, cũng không lâu đâu, mai mốt về chú ghé. Có điều, chú sợ em cháu hỏi tin ba. Thằng bé thở dài, trầm ngâm, nó còn nhỏ, rồi nó sẽ quên. Chỉ tội má cháu, hồi đầu má khóc hoài. Bây giờ không khóc nữa nhưng buồn lắm. Ngoại cháu ghét ba, kêu ba vô tình. Nó bỗng im bặt khi nghe tiếng ho khẽ của mẹ. Nó đập vào tay anh, thôi chú ngủ đi, lấy sức còn chạy xe. Nó xoay lưng lại phía anh, giọng đã nhừa nhựa, mai cháu cũng đi làm sớm, phụ người ta bào dừa làm mứt Tết. Anh không đáp, đưa tay lên chỗ xương bả vai của nó,  khẽ nắn nắn, thấy nó thật thân thương, gần gũi với anh.

Anh không chắc mình đã ngủ. Khi mở mắt,  anh nhìn thấy một vệt sáng nơi khe cửa. Không biết ánh trăng hay ngày đã rạng.

Chủ nợ lần này là một gã nhỏ thó, cặp mắt ti hí giấu sau cặp kính gọng vàng to bản. Hắn không gào thét, không than van,  không nài nỉ. Hắn chỉ khất lần. Sáng thì hẹn đến trưa, trưa hẹn đến chiều,  chiều hẹn đến tối, tối hẹn đến mai. Mãi đến sẩm tối ngày thứ 3 anh mới cầm được món tiền cần đòi. Anh thực sự chỉ nhớ đến anh em thằng bé khi anh tình cờ đi ngang qua một tiệm cắt tóc nhỏ nơi góc đường. Căn phòng vuông vức được quét vôi màu xanh nhạt, màu vôi khá phổ biến ở thị trấn này. Trong phòng có ba chiếc ghế cắt tóc, một tủ đựng các loại dầu gội, các loại thuốc nhuộm tóc, trên tường dán đầy ảnh các nam thanh nữ tú cắt từ họa báo với nhiều kiểu tóc lạ mắt. Vào giờ vắng khách, chủ cửa hàng quây quần bên mâm cơm tối. Họ có ba người, hai vợ chồng và một bé gái khoảng 3, 4 tuổi. Người vợ quay lưng ra cửa, chỉ nhìn thấy mái tóc cắt ngắn và chiếc cổ cao mảnh mai. Người đàn ông chắc thấy bóng người, ngẩng nhìn lên. Anh bật kêu khẽ, trời đất, khi nhận ra sự giống nhau kỳ lạ giữa ông ta và thằng bé. Anh vội vã bỏ đi, bước thấp, bước cao, rẽ ngoặt vào con hẻm, lòng nghẹn ngào.

Anh quyết định trở về thành phố ngay trong đêm để còn có thể gặp hai đứa nhỏ. Ba mẹ con họ cũng đang ăn tối. Họ ngạc nhiên nhìn anh ôm gói quà lớn bước vào nhà. Trong lúc người mẹ vào gian trong lấy thêm chén đũa, con bé sà đến bên anh, quà ba con gửi phải không. Thằng bé lừ lừ nhìn em, bé để yên cho chú nghỉ ngơi. Rồi nó quay sang anh, giọng ái ngại, chú đi đêm đi hôm chi cho cực vậy. Nó đỡ gói quà trên tay anh,  đặt lên chiếc bàn học của hai anh em nó bên cửa sổ. Lại còn mua quà cho bọn cháu nữa chứ. Anh thở dài, quàng nhẹ tay lên vai nó. Nó đã là một người đàn ông, là trụ cột của gia đình này. Người mẹ trở ra, gặp bữa, anh ăn tạm chén cơm cho ấm bụng. Chị đã kịp chiên một đĩa trứng vàng ươm. Thằng bé cười lớn, má có một món đó đãi hoài. Nó lôi anh ngồi xuống, chú ăn cho no luôn chứ tạm cái gì. Cánh đàn ông chúng ta cứ là phải chắc bụng. Có dịp qua đây là chú phải ghé nhà cháu đấy.

Anh tạm biệt họ ngay sau bữa cơm. Anh không biết thật rõ mình ngại ngùng vì sự im lặng của người mẹ, ánh mắt dò hỏi của con bé hay sự vui vẻ gắng gượng của thằng bé. Nó tiễn anh ra cửa, giọng dỗ dành, chú đừng lo, rồi mọi việc sẽ đâu vào đó thôi. Nó với tay, vỗ nhẹ vào vai anh, chú khỏe mạnh nha. Anh xoay người định ôm nó vào lòng nhưng đã kịp dừng lại. Anh biết, nó đã chịu đựng đến cực điểm rồi, chỉ cần chạm khẽ là mọi thứ sẽ vỡ òa, đứt gãy,  không sao thu xếp nổi.

Anh lặng im nổ máy xe. Ngoảnh nhìn lại, anh thấy thằng bé đang cúi xuống đỡ đứa em gái ngồi thẫn thờ trên bậu cửa.
 
Sài Gòn 7-2011
Ý Nhi
;
.
.
.
.
.