Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 2 (3-9-2010 - 3-9-2011) cùng với nhiều sự kiện diễn ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Hội Âm nhạc TP. Đà Nẵng đã tổ chức khai mạc Trại sáng tác Âm nhạc Đà Nẵng 2011 (từ 25-8 đến 30-9-2011) và nhiều hoạt động nhằm tôn vinh nền âm nhạc, động viên các văn nghệ sĩ phấn đấu có nhiều tác phẩm hay, hoạt động âm nhạc ý nghĩa, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng trong đời sống của công chúng.
Công chúng vẫn đang khao khát những bài hát hay về Đà Nẵng. |
Dịp này nhạc sĩ THÁI NGHĨA, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Đà Nẵng đã cho ĐNCT biết:
-Trại sáng tác Âm nhạc Đà Nẵng 2011 đã huy động 71 hội viên các chuyên ngành sáng tác, lý luận, đào tạo và biểu diễn, trong đó lấy lực lượng của chuyên ngành sáng tác làm trung tâm. Trại sẽ tổ chức các cuộc tọa đàm: Âm nhạc trong thời kỳ hội nhập; kinh nghiệm sáng tác về đề tài Đà Nẵng, kể cả trao đổi, tư vấn, đề xuất các giải pháp tổ chức sáng tác nhạc nền pháo hoa của thành phố trong các Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Ngoài ra, cũng dịp này, sẽ có các buổi giới thiệu tác phẩm mới của các nhạc sĩ Đà Nẵng để giới chuyên môn đánh giá, rút kinh nghiệm. Nói chung, mục đích lớn nhất của Hội Âm nhạc Đà Nẵng lần này là tìm những ca khúc mới, hay cho phong trào ca nhạc thành phố.
* Nhạc sĩ có thể nói rõ thêm những đóng góp của Hội Nhạc sĩ Đà Nẵng trong thời gian gần đây?
- Trong thời gian qua, Hội Âm nhạc Đà Nẵng chủ yếu liên kết với Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng giới thiệu tác phẩm mới của nhạc sĩ Đà Nẵng. Cụ thể là những ca khúc đạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2010; ca khúc đạt giải chủ đề Việt Nam quê hương tôi do Hội Âm nhạc và Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức; ca khúc đạt giải về đề tài Chất độc màu da cam do ASEAN tổ chức; các giải thưởng 5 năm về Âm nhạc của thành phố Đà Nẵng lần thứ 2 (giai đoạn 2005-2010)... Mặt khác, Hội tiếp tục giới thiệu quảng bá CD 35 bài hát về Đà Nẵng cho các Đài truyền thanh và Phòng VHTT của các quận, huyện...
* Nhiều người vẫn cho rằng, suốt mấy thập niên qua, Đà Nẵng vẫn chưa tìm được những tác phẩm xứng tầm như một số địa phương khác?
- Thực vậy, tính đến nay, đã có hơn 1.000 ca khúc viết về Đà Nẵng, nhưng công chúng vẫn luôn khát khao thành phố có được một vài ca khúc đi vào lòng người như “Huế thương”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Nha Trang mùa thu lại về”... có sức lan tỏa cả nước. Nhìn lại suốt nhiều năm qua, khách quan mà nói, bên cạnh những nhạc sĩ địa phương, Đà Nẵng thường xuyên mở rộng cánh cửa, chào đón các nhạc sĩ tên tuổi khắp mọi miền về sáng tác. Trong số đó, không phải là không có những bài hát hay, nhưng dường như những ca khúc ấy chỉ đứng vững một giai đoạn nào đó rồi chìm lắng. Lý do thì mỗi người nói một cách khác nhau, nhưng điều quan trọng là ca khúc Đà Nẵng như nhiều người mong đợi vẫn còn là ẩn số, đang ở phía trước...
* Trong khuôn khổ những nội dung được quan tâm của Ngày Âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ có nhận định gì về ca khúc Việt trong thời kỳ hội nhập?
- Trong giai đoạn hiện nay, phải thừa nhận có rất nhiều nhạc sĩ đưa tác phẩm của mình đến với công chúng khá nhanh chóng, thuận lợi qua nhiều phương tiện, nhiều hình thức phổ biến. Cũng có nhiều chương trình truyền hình quảng bá những tác phẩm ở mức trung bình mà quên đi nhiều tác phẩm đang cần cho công chúng. Thế nên, cần không thể lầm tưởng đó là âm nhạc đích thực. Bởi nó như một dạng thời trang, trong giới chuyên môn không mấy ai công nhận. Điều đó có thể giải thích ở nhiều nguyên nhân: Một là vì lợi nhuận của một số hãng băng đĩa, họ chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt. Hai là các nhà Đài quên đi chức năng phục vụ công chúng. Có thể nhìn thấy, hầu như tất cả các giờ vàng của các chương trình truyền hình Trung ương và địa phương đều dành phát sóng các chương trình của các nhà tài trợ, mà các nhà tài trợ thì có những yêu cầu phục vụ cho thương hiệu của họ. Sự việc này vô tình dẫn đến việc sử dụng đội ngũ biên tập viên nghiệp dư (vì phần lớn các nhà tài trợ không xây dựng BTV chuyên nghiệp), nên việc chọn lọc tác phẩm không đáp ứng được giá trị nghệ thuật chung.
Cần nói thêm mỗi loại âm nhạc đều có công chúng khác nhau, chúng ta tôn trọng quyền lựa chọn của họ. Nhưng trên các phương tiện đại chúng, tỷ lệ âm nhạc thời trang đã phổ cập quá nhiều so với loại hình khác. Nói một cách ví von, điều này như cách giải quyết cơn khát: Một ly trà đá cũng có thể giải quyết cơn khát; một ly cam vắt cũng vậy. Tuy nhiên, chất lượng ly cam vắt cao hơn và dài lâu hơn.
TRẦN TRUNG SÁNG