.
Chuyện xưa xứ Quảng

Giếng cổ làng Nam Ô

.

LTS: Về các giếng vuông cổ bằng sa thạch ở làng Nam Ô, hiện vẫn chưa có một nghiên cứu, khảo sát rốt ráo của các nhà chuyên môn nhằm kết luận là của người Chăm hay người Việt. Để rộng đường dư luận, xin giới thiệu bài viết của tác giả Đặng Phương Trứ, một cư dân của làng Nam Ô.

 

Mô tả ảnh.
Thành Giếng Lăng. Ảnh V.T.L

Làng Nam Ô thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, được nhiều người biết đến, không những vì các sản phẩm nổi tiếng như nước mắm, pháo (một thời), gỏi cá... mà bởi còn lưu giữ nhiều giếng cổ có đến trên dưới ba trăm năm. Việc tồn tại những giếng đá cổ hàng trăm năm tuổi với mạch nước trong sạch, ngọt mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông trong một làng như thế là điều khá hiếm. 

 

Theo lời kể của các cụ, để làm kiểu giếng đá vuông này, tổ tiên ta thời ấy phải lấy đá xanh từ xa, nghe đâu là ở Trường Định (nằm giữa nguồn sông Cu Đê, nay thuộc xã Hòa Liên, cách làng Nam Ô khoảng 7km về phía tây), đem về chế tác theo quy cách và khắc chữ ghi năm tạo lập giếng vào trụ đá.

Để giếng có được mạch nước tốt, không bị khô cạn kể cả ngày đại hạn, người xưa đã mời các bậc thâm nho trong vùng cùng với thầy địa lý tìm và chọn nơi tụ thủy. Sau đó đào một khoảng đất rộng chung quanh chỗ đánh dấu, đào đến khi nào gặp mạch nước, múc một chén, nếm bằng lưỡi, ngửi bằng mũi và để qua đêm nhìn bằng mắt xem có phèn đọng hay không. Xấu thì lấp tìm chỗ đất khác, tốt thì tiến hành xếp từng phiến đá bốn phía thành hình ô vuông, xong ô nào thì lấp đất phía ngoài để cố định thành giếng, trên cùng đặt trụ và khép đá lại thành tang giếng.

Lắp xong giếng, làng thiết lễ bái tạ, tiến hành nghi thức “khai tỉnh”. Gàu nước đầu tiên, người chủ lễ uống trước, sau đó chuyền tay cho mọi người. Sau khi giếng được mọi người công nhận là gặp được mạch nước tốt, dân làng reo hò hoan hỉ. Từ đấy, giếng được đưa vào sử dụng.

Theo quan niệm văn hóa tâm linh xưa gắn với yếu tố phong thủy thì giếng chứa đựng 3 yếu tố là đất, nước và không khí - một tổng hòa quan trọng trong không gian sống của người xưa. Giếng không chỉ là con mắt của đất, trái tim của làng mà còn là nơi hội tụ nguồn sống, những mảnh gương để một thời cả cộng đồng lân lý soi xuống, thấy mặt mình hiện lên từ trong đáy giếng! 

Làng Nam Ô còn bảo tồn nguyên vẹn ít nhất 4 “mảnh gương soi” như thế, gồm: Giếng  Đình, giếng Thành Cung, giếng Cồn Trò, giếng Lăng. Trong đó, giếng Cồn Trò và giếng Lăng còn lưu nhiều chuyện tích.

Giếng Cồn Trò nằm trên cồn cát cùng tên. Thời ấy cồn cát nằm sát đường cái quan lại có nhiều cổ thụ tỏa bóng mát nên học trò các tỉnh trong Nam khi về kinh ứng thí thường tụ tập ở đây, chờ đông người lập thành đoàn vượt Hải Vân hiểm trở và nhiều ác thú. Tên gọi Cồn Trò ra đời từ đó. Số sĩ dân tập trung đình trú ngày một nhiều và thường xuyên nên triều đình đã lập tại đây một nhà công quán và sức dân sở tại đào một cái giếng để đáp ứng nhu cầu của dân tình - đó là giếng Cồn Trò.

Nơi đây còn lưu truyền nhiều câu chuyện mang dấu ấn lịch sử thú vị. Những chí sĩ lừng lẫy, các quan tướng lưu danh, các sĩ tử danh thành, các sĩ phu bất khuất… thời ấy đều đã qua đây, dừng chân và uống nước giếng Cồn Trò. Các nghĩa sĩ trong Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam dưới sự chỉ huy của các chiến tướng Thống Hay, Cai Cải… sau những lần “sát tả bình tây” trở về, từng tắm gội bằng mạch nước trong lành của giếng, thanh lọc cơ thể để ý chí thêm kiên cường, thân hình thêm tráng kiện.

Giếng Lăng, gọi thế vì giếng nằm bên Lăng Ông - một di tích cổ thờ Cá Ông, nay thuộc tổ 35, Nam Ô 2A. Giếng được tạo lập thời “Bảo Đại thập niên (1935), Ất Hợi tuế, lục nguyệt tạo” như dòng chữ Hán lưu khắc trên thành giếng. Các cụ kể: Thoạt đầu giếng dùng cho công việc giã vôi trùng tu Lăng Ông năm ấy, sau đó là nơi cung cấp nước ngọt cho nửa làng Nam Ô. Các thuyền buôn, ghe bầu của khách thương nam bắc, các ghe nghề chuồn ở Thanh Khê, các ghe giã buồm ở Mỹ Thị đã một thời thường ghé bến Nam Ô lấy nước ngọt giếng này dùng cho sinh hoạt dài ngày trên biển.

Hiện nay, thành của cả 4 giếng vuông cổ đã được dân làng xây thêm lên bằng gạch và xi-măng để tránh nguy hiểm, bởi các giếng nằm giữa khu dân cư, nền đường theo thời gian được bồi cao nên thành giếng xưa bị thấp xuống gần bằng với mặt đất chung quanh.

Những giếng vuông có tuổi hàng trăm năm ở Nam Ô là những di tích văn hóa vật thể quý giá mà tiền nhân đã để lại cho ta, được các thế hệ nhân dân địa phương sử dụng và bảo tồn khá nguyên vẹn.

Với đà phát triển xã hội hiện nay, chẳng mấy chốc những di sản quý giá ấy sẽ bị nhà cửa, đường sá lấp hết. Cần một sự quan tâm kịp thời của các cơ quan chức năng, bởi đây không chỉ là nguồn cấp nước ngọt một thời cho dân làng mà còn là chứng tích ghi lại tài năng kỹ thuật của cha ông, ẩn chứa những giá trị văn hóa lịch sử.

Đặng Phương Trứ

;
.
.
.
.
.