.
Chuyện xưa xứ Quảng

Làng có nữ… tiền hiền

Làng Nga Sơn, nay thuộc xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, là một trong những làng thành lập khá muộn, vào năm 1920, cách nay gần 100 năm. Tuy nhiên, xung quanh sự ra đời của ngôi làng “trẻ” này, có nhiều chuyện kể khá lý thú và hấp dẫn, được lưu truyền qua nhiều đời.

1- Chuyện kể rằng làng Nga Sơn vốn gốc từ làng Chiêm Sơn mà ra. Nguyên bấy giờ, vào khoảng đầu thế kỷ XVII, có một người tộc Lưu, gọi là ngài Lưu Công Đại Lang, không biết vì lý do gì, từ Thanh Hóa vào Chiêm Sơn, nay thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, lập nghiệp. Làng Chiêm Sơn sau chia ra làm hai làng là Chiêm Sơn Tây và Chiêm Sơn Đông. Mãi đến nửa cuối thế kỷ XIX, ở làng Chiêm Sơn Tây, có một thanh niên lấy vợ là bà Trần Thị Gặp, con gái lý trưởng làng Cẩm La (nay thuộc xã Bình Lãnh, Thăng Bình) gần đó. Xưa có câu “xuất giá tòng phu”, dĩ nhiên, khi lấy chồng, bà Gặp phải theo về ở quê chồng, tức về làng Chiêm Sơn Tây, xây dựng cuộc sống gia đình.

Nhưng, không biết nguyên nhân vì sao, ăn ở với nhau đã nhiều năm, bà Trần Thị Gặp vẫn không mang thai. Sau, chồng bà mất vì bạo bệnh. Còn lại một mình, bà cứ nghĩ vẩn vơ. Bà sợ rằng do không có con, nếu chẳng may về bên kia núi, tất nhiên, bà sẽ không có người thờ tự, giỗ quảy, hương khói. Thế là bà về nhà cha đẻ, vốn là lý trưởng làng Cẩm La, lẻn lấy hai tờ địa bộ, giấu đi. Ý bà cất làm của riêng để khi về đưa cho làng Chiêm Sơn Tây. Có như vậy, khi mất, bà sẽ được làng thờ tự, cúng giỗ, nhờ vào hai tờ địa bộ có ghi đất đai trong đó. Nộp cho làng xong, một ngày nọ, không biết sao, bà dắt theo một người cháu họ Lưu. Đó là ông Lưu Công Yểm. Cả hai vào vùng đất mới, lập xóm Nga Sơn. Ngày họ đi, theo truyền khẩu, là ngày mồng 1 tháng 9 năm Mậu Ngọ 1858.

Ở vùng đất mới này, bà cùng người cháu đã khai phá được 45 mẫu ruộng. Thế cho nên, sau này, khi lập làng, bà được làng tôn vinh lên làm tiền hiền làng. Có lẽ, đây là một trong những làng có… bà tiền hiền khá hy hữu. Còn người cháu, ông Lưu Công Yểm, được tôn vinh làm thế thứ tiền hiền. Hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, cũng như nhiều làng, xã nằm ở phía Tây huyện Thăng Bình, làng Nga Sơn cũng lập nhà thờ tiền hiền. Trong lúc hầu hết nhà cửa của người dân đều là nhà tranh, cứ vài năm tranh mục nát, phải lợp lại một lần, rất phiền toái, mất công mất sức, thì nhà thờ tiền hiền được lợp ngói, xây vôi, khá vững chắc. Tiếc rằng, trong kháng chiến chống Pháp, nhà thờ tiền hiền làng Nga Sơn bị tàn phá, không còn dấu tích. Nhà thờ tiền hiền hiện nay mới được xây dựng lại.

2- Về chuyện lập làng, thật ra, làng bắt đầu khai phá từ hồi cuối năm 1858. Nhưng, Nga Sơn bấy giờ chỉ được gọi là xóm, gọi là xóm Nga Sơn. Theo ông Lưu Thuận, sinh năm 1921, một bậc lão làng ở Nga Sơn, đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cả xóm chỉ có 14 hộ. Số nhân khẩu cũng ước khoảng sáu, bảy mươi người. Mãi đến năm 1945, lên khoảng 30 hộ. Số nhân khẩu tăng lên, ước khoảng 150 người. Từ lúc bắt đầu khai phá đến khi lập làng, tính ra, phải mất 62 năm. Nghĩa là năm 1920, xóm Nga Sơn chính thức đổi thành làng Nga Sơn, với bộ máy hành chính đầy đủ. Còn trước đó, Nga Sơn chỉ là một xóm, trực thuộc làng Chiêm Sơn Tây, các khoản thuế má đều nộp về làng này. Phụ trách xóm có ông Trùm xóm; trong đó, ông Trùm cuối cùng là ông Trùm Trí, là ông cố của ông Lưu Thuận. Do họ Lưu chiếm số đông tuyệt đối nên cả ba đời lý trưởng đều là người họ Lưu: đầu tiên là ông Lưu Công Mười, sau đó là ông Lưu Công Lê. Ông Lê làm lý trưởng lâu nhất, gần 17 năm, được triều đình phong chức cửu phẩm, gọi là ông Cửu Lê. Riêng ông Lưu Công Cao, lý trưởng cuối cùng, làm 5 năm 8 tháng thì xảy ra Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chính quyền thuộc về nhân dân, không còn lý trưởng nữa.

Xung quanh chuyện lập làng còn liên quan đến chuyện đất đai. Nguyên sinh thời, bà Trần Thị Gặp, tiền hiền làng Nga Sơn, có cúng một số đất cho làng cũ Chiêm Sơn Tây. Tương truyền, tổng số đất gồm 45 mẫu. Trong đó, có 35 mẫu đất ruộng và 10 mẫu đất đồi. Đất ấy nằm ở chính giữa xứ đất Kiền Kiền của làng Cẩm La. Tuy nhiên, đến năm 1920, khi làng Nga Sơn được thành lập, dĩ nhiên, làng Chiêm Sơn Tây phải trả số đất nói trên lại cho làng Nga Sơn. Và, hằng năm, đến ngày mồng 2 tháng 8 âm lịch, làng Nga Sơn tổ chức lễ cúng tiền hiền, tức cúng bà Trần Thị Gặp, một… nữ tiền hiền khá độc đáo của Quảng Nam xưa.

Phạm Hữu Đăng Đạt
;
.
.
.
.
.