Đỗ Thế Chấp (còn gọi Mười Chấp), sinh năm Canh Thân-1920, là người con của Tam Kỳ. Nhiều nhiệm kỳ, ông làm Bí thư Tam Kỳ, chiến đấu tử sinh trên đất Tam Kỳ suốt cuộc chống Mỹ, cứu nước và những năm đầu đầy khó khăn sau hòa bình năm 1975.
Đến thời kỳ nghỉ hưu, lúc bấy giờ là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, ông không nghỉ mà xung phong đi làm chuyên gia giúp bạn chống quân diệt chủng Pôn Pốt tại Campuchia. Hết nhiệm kỳ ba năm lần thứ ba, bước vào tuổi bảy mươi, ông về lại Tam Kỳ.
Ông được nhân dân Tam Kỳ (bao gồm hai huyện Núi Thành và Phú Ninh ngày nay) rất quý trọng và thương mến. Người dân nhắc đến ông như nhắc đến một người anh hùng với bao câu chuyện có thật mà nghe như huyền thoại. Ông đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhân kỷ niệm 105 năm phủ lỵ Tam Kỳ (1906-2011), 5 năm thành phố Tam Kỳ (2006 - 2011), xin giới thiệu một câu chuyện đầy tình nghĩa của Mười Chấp đối với những người anh em một mẹ Quảng Nam, cùng trên chiến hào chống Mỹ, trong những ngày ác liệt đạn bom, thiếu ăn, thiếu gạo.
Vào khoảng tháng 10-1969, ông Hồ Nghinh, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà dự Hội nghị sơ kết chống “Việt Nam hóa chiến tranh” do Mặt trận 4 tổ chức tại Trường Quân chính ở làng Mực-tây nam Hòn Cối, trên đồi nguồn Khe Tân-Đại Lộc. Sau đó, là bàn việc tổ chức cuộc họp Đặc khu ủy mở rộng.
Nhận được giấy triệu tập, ông Phạm Đức Nam (Sáu Nam), Phó Bí thư, dẫn một đoàn cán bộ trên 30 người xuất phát từ hang đá ở núi Cù Hang. Đoàn không tài nào đi qua được đường Cái Mới - cánh Tây Duy Xuyên, để vượt sông Thu Bồn qua vùng B Đại Lộc lên núi mà phải đi vòng vào Quảng Nam.
Vào đến đất Quảng Nam, đoàn hết gạo, quyết định tìm đến cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam, trước là thăm ông Trần Thận, nguyên là Bí thư Quảng Đà vừa vào làm Bí thư Quảng Nam, sau đó kiếm ít gạo, rồi hỏi đường đi tiếp. Trên đoạn đường qua các xã Bình Định, Bình Trị, qua đến đất Bình Tú của địa chủ Thất Sáu nổi tiếng nhiều lúa một thời mà không tài nào mua được gạo vì dân còn bám trụ rất ít, họ chỉ ăn khoai, sắn và rau.
Đến một cái xóm nhỏ gặp bà con tụ lại che nắng dưới một lùm cây, Phạm Đức Nam chào làm quen rồi hỏi:
-Tại răng không thấy đàn ông?
Mấy bà đồng loạt nói:- Đàn ông tàu gáo lượm hết không còn một mống để giống. Các ông ở xứ mô hỏi ngơ ngơ rứa?
- Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, bọn tôi cũng là dân Quảng “Nôm”, tách ra thành dân Quảng Đà. Đi công tác đến đây thì hết gạo, bà con có gạo thì bán cho một ít.
- Xin thì cho chứ mua thì không bán. Không còn đàn ông lấy ai làm… ruộng mà có gạo. Một chị sồn sồn nói, miệng cười rất thoải mái.
Thấy anh em im lặng, hơi buồn, chị ta hỏi:
- Đoàn các anh mấy người?
- Ba chục người. Sáu Nam trả lời.
Bà mô cũng le lưỡi, chắp miệng: Bà con tui cả thảy 19 người, đếm lại thử đúng không mấy bà. Còn các anh đến ba chục người, chừ tính răng đây! Hay là hai bà lấy một ông!
Sáu Nam nghe vậy, nhìn anh em trong đoàn nói nhỏ: Đúng là thiếu đàn ông!
Cũng chị sồn sồn vui tính ấy, đứng lên nhìn mọi người xung quanh, nói: - Ai xung phong 2 lon? Chị đưa tay đếm: Một, hai, ba... Mười người, được 20 lon.
- Ai xung phong 1 lon? Một, hai, ba… Sáu người, được thêm 6 lon.
- Ai xung phong nửa lon? Ba người, được lon rưỡi.
Vị chi cả thảy - chị đưa bàn tay xòe ra tính - hai mươi bảy lon, chia cho ba mươi người. Chi mà thảm ri!
- Được rồi. Quý quá! Sáu Nam nói: Miếng khi đói bằng gói khi no. Ở đây còn có cái tình của bà con nữa, phải không bà con?
Một chị nói: - Ừ, có cái tình là đã no rồi!
Sau khi cảm ơn, chia tay bà con, đoàn của Sáu Nam ghé vào một nhà dân ở xóm trong, trút hết 27 lon gạo vào cái soong to nấu cơm. Ăn một trận no nê rồi lên đường đi từ Bình Tú, vào đến Lâm Môn, ở lại một đêm nhờ gặp được bạn cũ người Tam Kỳ, lùng trong dân mua được 10 ang gạo. Tiếp tục nấu ăn, nghĩ lại một đêm, hôm sau vượt đường vừa đi vừa chạy từ Tiên Phước, đoạn giữa chợ Cây Sanh và Ngọc Tú. Ngủ lại Ngọc Tú một đêm, sáng mai mới hỏi thăm đường đến chỗ cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam.
Trên đường đi chưa đến nơi ông Trần Thận ở thì gặp Mười Chấp, Phó Bí thư Thường trực, người có quyền cao nhất cấp gạo.
Thấy Sáu Nam, Mười Chấp chào hỏi:
- Mi đi mô trong ni?
- Đi thăm ông Thận.
- Thằng nói tầm bậy. Ác liệt như thế ni mà đi thăm. Còn gạo không?
Sáu Nam không thể ngờ Mười Chấp hỏi đúng tim đen của ông.
- Đi từ Thăng Bình vào đây, toàn lội qua những đồng trắng trơ gốc rạ làm chi có lúa gạo mà mua. Sáu Nam nói oang oang thật lòng.
- Ngồi xuống đây nghỉ, uống nước, tau cho ít ang... Đoàn mấy người, còn bao nhiêu gạo? Mười Chấp hỏi vì thấy có mấy cái bao no nghĩ là có gạo.
- Ba mươi người. Không có một hột. Cho xin 10 ang nghe! Sáu Nam cười nói.
- Bán cả tau nữa mới đủ 10 ang. Thôi, 5 ang. Mười Chấp nói mà không cười, vì vừa nghe thủ kho báo động trong kho còn rất ít gạo.
- 5 ang cũng tốt. Sáu Nam nói.
Thế là Mười Chấp mở cặp lấy giấy ra kê trên đầu gối viết “lệnh xuất kho”: Kho gạo Cây Sanh xuất cho đoàn Quảng Đà 5 ang gạo.
Mười Chấp đưa cái “lệnh xuất kho” cho Sáu Nam, nói: Để lại một giao liên đi theo vào chỗ ông Thận, còn thì đi theo tau trở lại.Vào chỗ ông Thận không có gạo mô.
Quay sang bắt tay Sáu Nam, Mười Chấp nói:
- Nhớ ở lại chơi chờ tau về nói chuyện nghe.
- Đi bao lâu về? Sáu Nam hỏi.
- Khoảng tuần lễ.
- Ở lại cả tuần lấy chi ăn?
- À, hè. Hả, hả. Mười Chấp cười thật to, thoải mái lạ.
Mười Chấp đưa đoàn lấy gạo ra đến Cây Sanh, gặp thủ kho dặn:
- Đây là đoàn cán bộ Quảng Đà, phải cấp đầy đủ. Nhìn mặt thủ kho lạnh tanh, Mười Chấp hiểu: Hết gạo, tau biết, không thì tau cho cả chục ang cho anh em sướng!
Khi Mười Chấp đi rồi, người thủ kho nói với anh em: Dân Quảng Nam của ít lòng nhiều. Chú Mười Chấp là biểu hiện đức tính của người Quảng Nam.
Dường như người thủ kho cảm thấy áy náy vì hết gạo trong kho, nói thêm: - Xin các anh về báo lại với ông trưởng đoàn, kho em làm chi còn đủ 5 ang gạo mà cấp. Các anh biết không, cả tháng nay địch càn bao vây phong tỏa các cửa khẩu không “móc’’ gạo ra được, các anh nhận tạm vài ang về ăn đỡ. Người thủ kho kéo bao gạo trong góc kho ra nói đây là bao gạo dự trữ cho Tỉnh ủy khi có lệnh đột xuất, đong được 55 lon. - Đó là hai ang các anh nghe!
Sáu Nam mỉm cười, nói nhỏ:- Đúng là của ít lòng nhiều!
Sau 14 ngày xuất phát thì đoàn đến cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam gặp thăm ông Trần Thận. Gặp lại Sáu Nam, Hồng Quang… là những người anh em thân thiết, ông Trần Thận nói nhỏ với ông Việt Dũng, lúc đó đang là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam, cố chạy mà tìm không ra một con heo nhỏ để làm thịt chiêu đãi đoàn cán bộ Quảng Đà. Trước khi chia tay, đoàn ông Nam chỉ còn trong gùi 300 lon gạo, đủ ăn 4 ngày, như vậy chỉ đủ ăn đường đi đến đất vàng Bông Miêu. Ông Trần Thận hỏi anh em văn phòng còn trong kho được bao nhiêu và quyết định cho đoàn của ông Nam 150 lon để ăn đi tới Tiên Lãnh. Còn đoạn đường từ Tiên Lãnh đi ra thì các ông Quảng Đà tự lực.
Trên đường đi ra, ông Sáu Nam bàn với anh em quyết định đi tắt dù rất nguy hiểm, ra đến Phương Đông ngắn hơn 7 ngày đường. Đoạn đường từ Dương Yên về Tiên Lãnh thì quá nguy hiểm vì ban ngày sợ Mỹ phục kích, còn ban đêm thì sợ cọp, nhưng cắn răng đi về cho kịp sợ ông Hồ Nghinh ở nhà trông.
Đến Tiên Lãnh thì quá mừng nhưng dân không có gạo, họ toàn ăn sắn tươi. Không thể mang sắn tươi đi xa đành nghỉ lại một ngày tỏa ra các cánh đồng thôn 6, thôn 7 bắt ốc bươu. Bắt một buổi được gần 2 tạ ốc, ăn uống no nê còn làm lương khô mang đi dọc đường tìm rau nấu canh ốc ăn. Đoàn về đến Trường Quân chính Quảng Đà đúng 30 ngày! Hồ Nghinh rất mừng, nghe kể lại chuyện gặp Mười Chấp, chuyện đói gạo…
Hồ Nghinh cười, nói: Nói như Sáu Nam là đúng rồi. Dân mình là rứa đó, của ít, lòng nhiều, trọn nghĩa, trọn tình!
Hồ Duy Lệ