.

Được lòng dân

.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Ở thời nào cũng vậy, để được lòng dân, người làm công tác dân vận ngoài sự khôn khéo, chân thành, cần có cái tâm, hết lòng hết sức phục vụ công việc, phụng sự nhân dân.

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Thanh Thủy (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng đội của Đơn vị H29 trong ngày kỷ niệm 50 năm thành lập đơn vị. H29 sẽ được nhận Kỷ niệm chương của Ban Dân vận Trung ương trong ngày Dân vận 15-10 tới, ghi dấu những thành tích dân vận của Đại đội trinh sát đặc công H29 trong những năm trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu.
 
“2 chân, 3 mũi”

Trong những năm chống Pháp, chống Mỹ, dân vận là một mặt trọng yếu trong công tác đấu tranh giải phóng dân tộc. Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 2 năm 1959 đã mở ra con đường đưa Cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi. Trong đó phải kể đến phương châm “2 chân, 3 mũi” (2 chân: quân sự, chính trị song song; 3 mũi: tấn công vũ trang, đấu tranh chính trị của quần chúng và binh địch vận).

Ông Nguyễn Thanh Thủy (nguyên Chính trị viên phó Đại đội trinh sát đặc công H29), một trong những cán bộ đầu tiên trở lại chiến trường miền Nam theo Nghị quyết 15 cho rằng, nếu không có dân một lòng tin Đảng, theo Bác Hồ thì những người như ông không thể nào hoàn thành nhiệm vụ. Khi từ miền Bắc vào, 14 anh em chỉ có trong tay chiếc ba-lô. Không lương thực, không cơ sở, ông nói với dân làng bà Giáo (Tây Giang, Quảng Nam): Mình đánh giặc từ hồi Pháp, bị thương một con mắt nhưng chịu đựng được, mình tức thằng Diệm, thằng Mỹ nên không ở lại miền Bắc học tập mà vào đây đánh giặc.

Đó là tiếng nói “từ cái bụng” nên đồng bào tin. Ngày mới vào, các ông ở cùng dân, cùng học trỉa bắp, làm rẫy. Khi thành lập đội vũ trang tuyên truyền, các ông làm lán ở riêng thì dân cõng sắn, khoai tiếp tế cho cán bộ. Khi dân đã tin, có món gì ngon mà mời không ăn cũng giận. Món thịt rừng được treo lên, đến khi có giòi rớt xuống thì bắt con giòi đó ăn, biết ăn là nuốt không vô cũng gắng nuốt. Những năm tháng đó, công tác dân vận thấm thía với từng cán bộ như ông Thủy và đồng đội, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng.

Năm 1960, các ông đánh trận đầu tiên diệt tên chi phó cảnh sát Hiệp Đức, sau khi rút đi thì có 12 tên lính bảo an lên làng ông Tía, huyện Phước Sơn dò la tin tức. Dân một mực nói không có Việt cộng rồi chuốc rượu, thịt để những người lính đặc công mai phục giết 12 tên lính, thu 12 súng phát cho du kích. Thành tích này đã mở ra cao trào quần chúng nổi dậy rào làng chiến đấu, phá thế kìm kẹp của kẻ thù.

Giải phóng được vùng núi, năm 1961-1962 cách mạng mở ra phong trào giải phóng đồng bằng, giành với địch từng tấc đất, từng người dân. Những người chiến sĩ ngày ở vùng núi, đêm về nội thành đánh đồn. Ăn cơm dân nấu, ngủ hầm dân đào, nắm tin tức hoạt động qua từng cơ sở.

Những năm 1968, 1972, 1974, những vùng như Gò Nổi, Điện Thắng, Điện Hòa ( Điện Bàn); các xã Hòa Lợi, Hòa Thái (Hòa Vang) bị khủng bố, càn quét liên tục. Dân bỏ đi. Đất thành vùng trắng. Những chiến sĩ cách mạng không có dân che chở, phải tự đào hầm. Ở trong lòng địch mà đánh địch. Gian khó, ác liệt bội phần. Thời đó, nhiều gia đình có người tham gia ngụy quân, ngụy quyền nhưng vẫn là cơ sở cách mạng. Như ông Phạm Quốc (Guầng) ở xã Tam Dân, Tam Kỳ là ấp trưởng trong chế độ ngụy nhưng gia đình ông từ năm 1954 đến 1975 là cơ sở liên lạc, nuôi giấu cán bộ của Ban An ninh Quảng Nam. Ngày ông đi rào ấp chiến lược. Đêm ông cùng anh em đi phá. Năm 1967 ông bị địch bắn trong một trận càn, 3 đứa con trai ông theo cách mạng cũng lần lượt hy sinh. Vợ ông, Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Tùng nay đã 94 tuổi, chứng kiến hết bao biến cố đau thương. Giờ bà nhớ nhất căn nhà 6 lần dựng, bị địch đốt những năm loạn lạc và những căn hầm ấm tình nghĩa nuôi giấu cán bộ ngày xưa…

Dân vận khéo…

Trong 10 năm, Quỹ vận động “Vì người nghèo” thành phố đã vận động được 522 tỷ đồng. Trong “150 ngày hành động cao điểm Vì người nghèo” năm 2010 đã thu trên 15,3 tỷ đồng, sửa chữa 331 căn nhà xuống cấp, xây mới 247 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo.
Nguồn: Ủy ban MTTQ Việt Nam  TP. Đà Nẵng
Con đường ĐT 602 đi qua các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, huyện Hòa Vang được xem là con đường có tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công nhanh trong số các dự án triển khai trên địa bàn thành phố. Đường đi qua 4 thôn của xã Hòa Sơn dài 5km, khoảng 1.000 hộ dân phải di dời, giải tỏa và đến nay đa số bà con đã có cuộc sống ổn định, đời sống khấm khá hơn trước.

Ông Lê Văn Lượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Sơn nhấn mạnh đến vấn đề dân có đồng thuận hay không một phần do người cán bộ: “Đó là sự ngay thẳng, không hứa hẹn, nói suông. Mọi việc phải công khai, rõ ràng. Dân phải biết những việc liên quan đến đời sống của họ. Rứa là dân đồng thuận”. Khi tiến hành giải tỏa để làm con đường, xã Hòa Sơn đã thành lập một tổ vận động giải tỏa, đền bù; giao các hội, đoàn thể nắm ý của dân để có giải pháp thích đáng. Ông Lượng còn đứng ra chủ trương đề nghị người dân gửi hết số tiền nhận đền bù vào ngân hàng ngay trong buổi nhận tiền, để sử dụng đúng mục đích, có thể làm được căn nhà to, đẹp hơn trước, còn để dành vốn mưu sinh. Những lời nói chân tình của ông khiến người ta “thấm”. Những thanh niên bỏ học, hay lêu lổng ông cũng kêu lại hỏi chuyện, đề nghị đi học nghề, ông bao luôn phần xin việc.

Hòa Sơn có 10 thôn thì 5 thôn hầu hết người dân theo đạo Công giáo (2.062/2.944 hộ) và các tôn giáo như Phật giáo, Cao đài, Tin lành. Từ muôn đời nay dân các đạo sống cùng thôn, hòa hợp. Đến một lễ đưa tang, trong gia tộc sẽ có người theo đạo, người không, ông Lượng cũng giải quyết thấu tình. Làng có từ đời tiền hiền, công dân là của làng nên ông đề nghị cờ và chiêng trống của làng đi trước, rồi đến cờ và chiêng trống của tôn giáo và sau cùng là cờ, chiêng trống của tộc họ. Qua những việc như thế, ông Lượng và bao lớp cán bộ của Hòa Sơn đã thực hiện dân vận khéo, được sự ủng hộ rất cao của dân.

… Để được lòng dân 

“Thời trước, công tác dân vận nói khó nhưng vẫn dễ, bởi toàn dân hướng đến một mục tiêu chung là độc lập dân tộc. Nhưng nay dân hiểu luật, chú ý đến quyền lợi của mình và nắm được từng việc làm của cán bộ, nên người làm công tác dân vận phải đặc biệt khôn khéo, công tâm”, ông Lê Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh. Qua những vấn đề cụ thể của dân vận như 15 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã thực sự “bám rễ” trong dân. Từng gia đình, cộng đồng xây dựng nếp sống văn hóa, giúp nhau phát triển kinh tế. Hay cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” thực hiện chủ trương an sinh xã hội… Những cuộc vận động đó được Đà Nẵng áp dụng linh hoạt vào từng mục tiêu, chương trình cụ thể như  “5 không”, “3 có”.

Từ cây cầu Sông Hàn huy động sự đóng góp của nhân dân, trở thành biểu tượng của Đà Nẵng, của tình đoàn kết, đến quá trình chỉnh trang đô thị,  người dân Đà Nẵng đã đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước, mong muốn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Ngày nay, nhìn lại vị trí làng chồ phía bờ đông sông Hàn với bao cuộc sống bấp bênh hơn 10 năm trước thấy những phố xá hiện đại, những khu dân cư bề thế mọc lên, hẳn mỗi người đều hiểu có được điều đó là nhờ sự đồng thuận, nhờ được lòng dân…

Ghi chép Hoàng Nhung
;
.
.
.
.
.