![]() |
Vẫn là những câu chuyện cũ, nhưng được viết bởi một nhà giáo (lẽ ra dạy môn sử như được đào tạo nhưng lại được phân công dạy môn địa, nên, tình yêu lịch sử càng thêm… sâu sắc), tác giả đã cung cấp thêm nhiều chi tiết, tình tiết mà có lẽ đa số người đọc bình thường không được biết. Ví như, hai câu “Nọ núi Ấn, này sông Đà / Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt” trong bài thơ Bài ca lưu biệt của cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhiều người vẫn ngộ nhận rằng, núi Ấn là ngọn Thiên Ấn (ở Quảng Ngãi, nơi an nghỉ của cụ Huỳnh) nên, sông Đà bị sửa lại thành sông Trà (sông Trà Khúc, ở Quảng Ngãi). Hay, ví như, ai cũng biết cụ Hoàng Diệu đã tuẫn tiết tại Võ miếu khi quân Pháp tấn công Hà Nội vào ngày 25-4-1882, nhưng mấy ai biết rằng, thanh gươm của vị Tổng đốc anh hùng này đã được người chắt nội của cụ mang đi cướp chính quyền vào năm 1945? Có nhiều chi tiết, tình tiết để lối văn tự sự - miêu tả của tập sách không rơi vào đơn điệu.
Còn có thể biết thêm về nữ sĩ đầu tiên trên văn đàn Quảng Nam là Phạm Thị Lam Anh (sinh khoảng thập niên 30 của thế kỷ thứ XVIII), về một nhân vật quan trọng của Nghĩa Hội là cụ Châu Thượng Văn đã áp dụng biện pháp đấu tranh tuyệt thực với giặc Pháp trước cả Thánh Ganhdi của Ấn Độ, về tấm lòng “vì Đà Nẵng” của thầy Phạm Văn Nghị, người đã tuyển mộ đội nghĩa dũng 365 người, từ Nam Định kéo vào tiếp ứng khi Đà Nẵng bị Pháp tấn công vào năm 1858, người từng là thầy dạy học của Nguyễn Khuyến, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân…
Những mẩu chuyện kể trong tập sách thường chỉ vài ba trang giấy nhưng tác giả đã có được cái nhìn riêng khi thuật lại. Và đấy cũng là điều đáng nói: Lịch sử chỉ có ý nghĩa tích cực khi cung cấp cho những thế hệ kế tiếp một khả tính, để từ đó, có thể rút ra được hành động - thái độ sống. Đó là lời tác giả trong các câu chuyện kể. Ví như, trong chuyện về
bữa tiệc đãi khách của Ông Ích Khiêm, nhân vật văn võ song toàn này đã mượn cớ kêu gia nhân phục vụ nước uống để mắng xéo đám tham quan ô lại: “Lũ chúng bay chỉ biết đứa lớn đứa nhỏ ngồi ăn, chẳng lo nước non chi cả. Ăn mà không lo nước, ăn làm chi?” - Lời tác giả: “Từ sau Ông Ích Khiêm, hình như không còn ai dám đãi một bữa tiệc như thế nữa”.
Tập sách đã đi quá lòng mong muốn của người viết. Là, để “phần nào có thể trả ơn cho cha tôi, cho các bác nông dân sau lũy tre làng của quê mình ngày ấy”. Vì sao? Giản dị thôi: Những chuyện kể ấy chính là một trong những biểu hiện của truyền thống văn hóa của một cộng đồng người đang mất dần đi. Người ta vẫn quen nói quá nhiều đến truyền thống mà lại quên rằng, truyền thống chính là những điều rất bình thường: những bài ca trên cây đàn người xẩm mù bất hạnh, những chiếc chõng tre trước sân nhà trong đêm trăng làng quê với những câu chuyện cha ông kể cho con cháu nghe…
Còn, với riêng người đọc là con dân đất Quảng, một câu hỏi có thể sẽ hiện ra, khi xếp lại trang sách cuối cùng: Con cháu ngày nay phải làm gì, phải sống như thế nào cho xứng đáng với những bậc tiền nhân của chính quê hương mình, mảnh đất hiếu học và anh hùng, nhất là trong thực trạng… “mù lịch sử” của không ít học sinh hiện nay?
Nguyễn Đông Nhật
(*) Người xưa đất Quảng - Lê Thí, NXB Đà Nẵng, 7-2011.