.
Hồ sơ tên đường

Đường 2 tháng 9

.

Ngày 2-9-1945 là mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đứng lên lật đổ chế độ thực dân phong kiến, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Mô tả ảnh.
Ở Đà Nẵng, trên đường 2 tháng 9 có Đài Tưởng niệm thành phố và Quảng trường 29-3, nơi diễn ra Chợ Hoa Xuân hằng năm.

 

Sau khi Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi ở Hà Nội và nhiều nơi trên cả nước, ngày 25-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu trở về Hà Nội, ở căn gác 2 nhà số 48 phố Hàng Ngang. Ngay sau đó, Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và thông qua ý kiến của Người. Theo sự phân công của Ban Thường vụ, Người trực tiếp soạn thảo chương trình và viết bản Tuyên ngôn Độc lập - văn kiện lịch sử bất hủ, tạc dấu hùng anh vào trang sử vàng dân tộc.

Người đã chọn Quảng trường Ba Đình để tổ chức Lễ Tuyên bố Độc lập vào ngày 2-9-1945.

Quảng trường Ba Đình xưa nguyên là cửa phía Tây của thành cổ Hà Nội. Năm 1894, thực dân Pháp chiếm Hà Nội, phá thành và cho xây một vườn hoa nhỏ tại cửa Tây này. Tên gọi Quảng trường Ba Đình do bác sĩ Trần Văn Lai, người giữ chức Thị trưởng thành phố từ ngày 20-7 đến 19-8-1945, đặt. Gọi vậy, vì ông Lai cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng đã chống Pháp rất anh dũng ở căn cứ Ba Đình (Thanh Hóa) trong nhiều năm liền. (Sau Lễ Tuyên bố Độc lập, Quảng trường Ba Đình có tên mới là Quảng trường Độc lập. Sau năm 1954, có ý kiến lấy tên là Quảng trường Độc lập nhưng Hồ Chủ tịch đề nghị giữ tên Ba Đình).

Người giao cho ông Nguyễn Hữu Đang lo việc thiết kế lễ đài. Theo dự tính, lễ đài phải đủ cao, đủ rộng để 2/3 số dân nội và ngoại thành Hà Nội tham dự có thể nhìn thấy. Là người có kinh nghiệm tổ chức, ông mời ngay các kiến trúc sư đến thiết kế và cho gọi thợ mộc thi công lễ đài. Công việc dựng lễ đài bắt đầu từ ngày 28-8 và hoàn tất trong ngày 1-9, đúng dự kiến.

Đúng 14 giờ ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ ka-ki giản dị bước lên lễ đài. Bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, Người thay mặt Chính phủ lâm thời - tức là Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương - đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.

Người khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Người trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Ngày 2-9-1945 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, ghi dấu chính quyền phong kiến triều Nguyễn đã sụp đổ hoàn toàn, nhân dân ta đã chấm dứt thời kỳ nô lệ dưới ách thống trị của đế quốc Pháp và phát xít Nhật. Đây là sự kiện quan trọng vì Cách mạng Tháng Tám đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 2-9-1945 đã trở thành ngày Quốc khánh của nhân dân Việt Nam, ghi nhận chiến công hiển hách của dân tộc đã đánh đổ ách thống trị thực dân và chế độ quân chủ, cổ vũ sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới.

Sự kiện trọng đại này đã được đặt tên đường phố trên cả nước. Ở Đà Nẵng, đường 2 tháng 9 dài 4.500m, rộng 21m, nối từ đường Bạch Đằng (trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm) đến đường Cách mạng Tháng Tám.

Đường 2 tháng 9 được làm mới hoàn toàn, qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ bùng binh đường qua cầu Nguyễn Văn Trỗi đến đường Cách mạng Tháng Tám, dài 2.500m; giai đoạn 2 từ bùng binh này đến giáp với đường Bạch Đằng (trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm) dài 2.000m. Cả tuyến đường được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 50 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 – 2-9-1995), từ đó đường 2 tháng 9 xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.