.
Hồ sơ Tên đường: Đường mang tên nhà sử học đầu tiên Việt Nam: Lê Văn Hư

Sách mất, người còn (phần 1)

.
Lê Văn Hưu (1230 - 1322) là nhà sử học đời Trần, tác giả bộ Đại Việt sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Tuy bộ sách không còn, nhưng qua những ghi chép của sử gia Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư, hậu thế biết đến Lê Văn Hưu là nhà chép sử lỗi lạc của nước ta.

Mô tả ảnh.
Ngô Sĩ Liên biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư được dựa trên Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu. (Ảnh: Internet).
Lê Văn Hưu là người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đất Thiệu Trung vốn là trang trại của vị tổ khai sáng dòng họ Lê - quan Trấn quốc bộc xạ Lê Lương thời Đinh Tiên Hoàng, đến lúc đó đã được hơn hai mươi đời. Lê Văn Hưu là ông tổ thứ bảy của dòng họ này. Cuốn Lê thị gia phả hiện còn được bảo tồn, ghi ông sinh năm Canh Dần (1230), là người khôi ngô tuấn tú, tư chất thông minh.

Ông mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ, được mẹ hiền một dạ quyết chí nuôi con ăn học. Thuở nhỏ, Lê Văn Hưu thường mon men đến các lớp học để xem các anh trong làng học hành và nghe người lớn bình giảng thơ văn. Cậu rất sáng dạ, học đâu nhớ đấy, thơ văn đối đáp rất mau lẹ, được thầy yêu, bạn quý.

Tương truyền, một lần trên đường đi học về, tạt qua một lò rèn, cậu thấy trên tường treo lủng lẳng những chiếc dùi sắt, cứ tần ngần đứng ngắm mãi. Thấy cậu ra vẻ học trò, mặt mày lại sáng sủa, khôi ngô, người thợ rèn cất tiếng: Cậu muốn gì? Lê Văn Hưu rụt rè đáp: Cháu muốn có chiếc dùi để đóng vở.

Người thợ rèn thấy chú bé mới tí tuổi đầu đã biết nghĩ đến việc học hành, liền bảo: Tôi ra cho cậu vế đối, nếu đối được, tôi sẽ biếu không cái dùi. Nói rồi, ông nhìn quanh lò rèn của mình, ứng khẩu thành vế đối: “Than trong lò, lửa trong lò, sắt trong lò, thở phì phò đúc nên dùi vở”.

Lê Văn Hưu không nói không rằng, thong thả bày giấy bút ra rồi nắn nót viết: “Giấy ở túi, bút ở túi, mực ở túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên”.

Người thợ rèn bất ngờ trước sự ứng đối tài tình của cậu bé, nghe qua khẩu khí này, ông đoán chừng cậu bé ngày sau sẽ đỗ đạt thành danh. Ông tấm tắc khen ngợi, tặng Lê Văn Hưu một chiếc dùi vở đẹp nhất rồi thưởng thêm cho cậu 3 tiền nữa.

Mẹ của Lê Văn Hưu là con gái của một nhà nho tinh thông địa lý. Bà thấy con mình trí tuệ sáng láng, học hành tấn tới nên rất mừng. Bà nhờ thợ đúc đồng ở Kẻ Chè gần đấy đúc cho một chiếc đèn hình con rồng. Bà lại đem mấy viên ngọc gia bảo của cụ Trấn quốc bộc xạ cẩn vào đèn để ngọc tỏa sáng cho Lê Văn Hưu học. Chiếc đèn trở thành vật bất ly thân của cậu, là bảo vật tiên tổ họ Lê mà người mẹ hiền đã gửi gắm cho con, nhắc nhở sớm khuya dùi mài kinh sử. Sau này, khi đã đỗ đạt ra làm quan, cây đèn vẫn hằng đêm soi sáng cho Lê Văn Hưu để ông biên soạn thành công 30 quyển Đại Việt sử ký.

Năm 17 tuổi, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn. Ông ra làm quan, giữ chức Kiểm pháp quan, rồi Binh bộ Thượng thư, sau đó làm Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử Viện giám tu. Ông cũng là thầy học của Thượng tướng Trần Quang Khải.

Trong thời gian làm việc ở Quốc sử Viện, theo lệnh vua Trần Thái Tông, ông đã hoàn thành việc biên soạn Đại Việt sử ký - bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam - ghi lại những sự việc quan trọng chủ yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế (tức Triệu Đà) cho tới Lý Chiêu Hoàng. Đại Việt sử ký tất cả gồm 30 quyển, hoàn thành năm 1272 và được vua Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen.

Đến nay bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu không còn, nhưng nhờ dựa vào bộ sử đầu tiên này mà sử gia Ngô Sĩ Liên đã soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó họ Ngô trích lại 29 đoạn và ghi rõ: “Lê Văn Hưu viết...”.

Sách đã mất, nhưng với những gì ông đã hiến dâng cho dân tộc Việt Nam, tên ông vẫn mãi lưu danh muôn thuở: Lê Văn Hưu - nhà sử học đầu tiên của đất nước.

LÊ GIA LỘC
 
Phần II: Còn mãi với lịch sử dân tộc



;
.
.
.
.
.