.

Khi đồng bào ưng cái bụng

.
Những mái tóc vàng hoe, cháy nắng, những đôi mắt trong veo dõi theo từng điệu bộ, cử chỉ của cô giáo Nga. Thỉnh thoảng, có em khẽ mân mê bộ đồng phục đang mặc trên người. Chắc các em vẫn chưa quen với bộ váy áo mới tinh lần đầu tiên được mặc tới trường.

Mô tả ảnh.
Có em chưa được đi học mầm non, cô Nga phải cầm tay luyện cho các em từng chữ. (Ảnh chụp tại điểm Trường tiểu học Hòa Phú ở thôn Phú Túc).
 
Không còn tình trạng bỏ học giữa chừng

Điểm trường thôn Phú Túc (thuộc Trường tiểu học Hòa Phú, xã Hòa Phú) khối tiểu học có 38 em là người Cơtu. Mỗi lớp chỉ khoảng gần chục em, thậm chí có lớp chỉ 5 em.

Cách đây mấy năm, học sinh ở đây vẫn phải học ghép. Lớp 2 phải ngồi chung với lớp 3, giáo viên phải luân phiên trong việc giảng bài. Từ năm 2009 trường được nâng cấp, sửa chữa, tình trạng học ghép được chấm dứt. Trường lớp khang trang, đẹp đẽ hơn.

Lớp học (lớp 1) của cô Đỗ Thị Tuyết Nga có 8/9 em là người Cơtu. Một số em trước khi vào lớp 1 đã được học mầm non nên sức học rất khá, mạnh dạn và tập viết tốt như Nguyễn Thị Thùy Đan, Trần Thị Thảo Nhi xóm Hố Trình. Nhưng vẫn có những em như Đinh Văn Bin ở Dốc Kiền mới chuyển xuống chưa được đi học mầm non nên đuối hơn so với các bạn cùng lớp. Những em khác, bố mẹ đi rừng sớm, không kịp chuẩn bị bữa sáng, phải nhịn đói đến lớp, nằm gục trên bàn, rồi hồn nhiên “Thưa cô, con đói quá không học được”. Nhìn những đứa trẻ đầy bỡ ngỡ, mở to đôi mắt ngây thơ trong lớp học, cô giáo Nga chia sẻ: Học sinh dưới xuôi được cha mẹ lo cho ăn uống đầy đủ rồi đưa đến lớp, trên này các em phải tự đi bộ từ nhà đến trường, có em nhà cách trường cả 2km. Thế nhưng so với học sinh người Cơtu tại một số nơi khác thì đời sống của các em như thế là được quan tâm hơn rất nhiều. Bây giờ, các em đi học đông hơn, được trợ cấp khi đến lớp nên không còn tình trạng bỏ học giữa chừng.

Một trong những khó khăn của các giáo viên là lên lớp các em nói tiếng Kinh, về nhà các em nói tiếng Cơtu. Do không được nói tiếng Kinh thường xuyên, nên một bài thơ ở lớp các em thuộc nhưng hôm sau hỏi các em lại ngọng ngịu từng chữ. Để đem cái chữ tới được các em, sự tận tình của các thầy, cô giáo nơi đây như được nhân lên gấp bội. Đền đáp lại, chính là tấm lòng yêu thương chân chất của học sinh. Những dịp 20-11, học sinh thường tặng cô những bức tranh do các em tự vẽ hay những bông hoa rừng các em hái được khi còn ngậm sương mai. “Dù giá trị vật chất không bao nhiêu nhưng đó là sự yêu mến của các em dành cho mình, lúc đó mọi mệt nhọc lại tan biến hết” - cô Nga nói.

Không riêng gì học sinh khối tiểu học tại Phú Túc, các em học sinh lớp mầm non của cô Trần Thị Thanh Thủy tại điểm Trường mầm non thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc cũng ngày ngày bốn lượt đi về trên con đường quanh làng để đến trường. Lớp của cô Thủy có 17 em ở cả 3 độ tuổi. Cô giáo rất vất vả trong việc ổn định nề nếp. Cô giáo Thủy kể về một kỷ niệm khi lần đầu tiên lên dạy ở điểm trường Giàn Bí: Có lần, một em đang học xin đi ra ngoài vệ sinh, rồi chạy thẳng về nhà. Hốt hoảng đi tìm quanh, tới nhà thấy em đang chơi trước sân mới thở phào nhẹ nhõm…

Khi đồng bào ưng cái bụng

Cuộc sống đổi thay từng ngày, các bậc cha mẹ cũng đã quan tâm đến việc học của con cái nhiều hơn. Ông Trần Phom (54 tuổi, thôn Phú Túc) có 5 người con nhưng ai cũng được ăn học đàng hoàng. Trong đó, cậu con trai thứ 3 Trần Quốc Luân đang học năm thứ 5 Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cô con gái thứ 4 mới tốt nghiệp Cao đẳng Phương Đông đang chờ đi làm…

Ông Phom nói rằng, đời mình cực khổ nhiều rồi nên bằng giá nào cũng phải cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Chỉ có học mới mong có được tương lai sáng sủa hơn. Ông chia sẻ: “Thực ra đồng bào mình trước đây chưa quan tâm nhiều đến cái chữ, nhưng tôi may mắn có thời gian được đi học tập ngoài Bắc, thấy các cô chú ngoài đó rất quan tâm đến việc học của con nên tôi cũng theo quan niệm đó. Dù cực khổ mấy cũng động viên các con học hành đến nơi đến chốn. Đấy cũng là niềm mong ước lớn nhất của hai vợ chồng già.”

Tại một địa bàn khác là xã Hòa Bắc, cô Trần Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc, nói lên những tín hiệu vui liên quan đến việc học của con em người Cơtu: Bà con đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học cái chữ nên hầu hết đều cho các em đi học mầm non, rồi học lớp 1 theo đúng độ tuổi quy định. Toàn trường có 78 em là người dân tộc Cơtu ở cả 3 khu vực điểm trường Nam Mỹ, Tà Lang, Giàn Bí.

Cũng như ở thôn Phú Túc của xã Hòa Phú, các em học sinh Cơtu thường xuyên nói 2 thứ tiếng, nên thầy cô dạy rất cực nhọc. Cô Huệ cho biết, để tăng kỹ năng giao tiếp, hoạt ngôn cho các em, vừa rồi Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Hòa Vang có tổ chức ngày hội giao lưu tiếng Kinh cho các thôn dân tộc tại 2 xã Hòa Phú và Hòa Bắc với những phần thi như: Rung chuông vàng, thi viết chữ đẹp, kể chuyện, năng khiếu… Các em đã tham gia rất hào hứng. Ngoài ra nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa với nhiều chương trình lý thú để các em có niềm say mê học hành.

Ông Phạm Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc lộ rõ vẻ hài lòng khi thông báo, năm học mới này các trường được đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ cho trường dân tộc nội trú tại xã. Điểm trường tiểu học tại thôn Giàn Bí cũng đã được xây dựng mới, các cháu thuận lợi hơn trong việc đến lớp. Năm nay, xã cũng đang làm đề án để xin cho một số em người dân tộc Cơtu được đi học cử tuyển sau này về phục vụ quê hương. “Có thấy được hiệu quả từ việc học, đồng bào mới ưng cái bụng, yên tâm để con em mình học hành”, ông Dũng nhấn mạnh.

Thu Hà



;
.
.
.
.
.