.

Làng cổ Đà Ly giữa lòng Đà Nẵng

Cuối tháng 4-2011, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tiến hành khai quật khảo cổ ở tọa độ 16000’08” vĩ Bắc và 108011’55” kinh Đông, thuộc địa phận thôn 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng. Vị trí này thuộc về làng Phong Lệ, tức làng cổ Đà Ly, với những đặc điểm địa lý, lịch sử và văn hóa đáng chú ý.

 Phong Lệ xưa

Trước đây địa phận làng Phong Lệ nằm ở cả hai bên sông Cầu Đỏ (sông Cẩm Lệ). Trong ký ức người già, con sông ngày xưa hẹp hơn và không có ấn tượng chia cách, có đoạn sông còn có thể bắc cầu tre hoặc mùa nước cạn có thể lội qua được.

Hơn 100 năm lại đây, sự chia cách dần dần xuất hiện và khu vực phía bắc con sông được gọi Phong Bắc (cách gọi tắt của Phong Lệ Bắc) nay thuộc hai phường Hòa Thọ Đông và Hòa Thọ Tây của quận Cẩm Lệ. Khu vực phía Nam gọi là Phong Nam (tức Phong Lệ Nam) nay thuộc xã Hòa Châu của huyện Hòa Vang và phường Hòa Xuân của quận Cẩm Lệ. Ở thượng nguồn sông Cầu Đỏ, gần chân núi Bà Nà, hiện có địa danh Phong Tây (tức Phong Lệ Tây), thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang.

Tạm tính từ bắc vào nam, làng Phong Lệ xưa trải dài 5 km hai bên quốc lộ 1A, từ ngã tư của QL 1A – QL 14B (vị trí cầu vượt Hòa Cầm) đến giáp giới thôn Miếu Bông; từ đông sang tây, Phong Lệ trải rộng 30 km theo quốc lộ 14B và tỉnh lộ 604, từ cầu vượt Hòa Cầm đến xã Hòa Phú hiện nay.

Về địa hình thì Phong Tây là chân núi, Phong Bắc chủ yếu là gò đồi và Phong Nam là đồng bằng. Địa hình gò đồi của Phong Bắc đã được người Pháp chọn để lập đồn điền vào cuối thế kỷ 19 để trồng cà phê, chè, thơm; nhân dân địa phương gọi là đồn điền “chè phe” . Theo ghi chép của Henri Parmentier trong  tài liệu Catalogue du Musée Cam de Tourane, ông Camille Paris, một người chủ đồn điền Phong Lệ, đã thu thập về đây nhiều hiện vật điêu khắc Chămpa và sau đó được chuyển về công viên Tourane (sau này là Bảo tàng Chăm),“đa số các tác phẩm này xuất xứ từ một công trình kiến trúc Chăm đổ nát tạo thành một cái gò nhỏ trong khu vực đồn điền”(1).

Địa hình đồng bằng của Phong Nam là nơi trồng lúa rất tốt đã tạo nên một làng nông nghiệp trù phú, nhiều trâu và ruộng, đã hình thành trong nhiều thế kỷ trước một lễ hội mục đồng nổi tiếng trong vùng(2). Lòng sông chảy giữa làng Phong Lệ cũng từng là một nguồn kinh tế đáng kể cho một bộ phận cư dân của làng, sinh sống bằng nghề cào hến, tập trung thành một xóm ven sông, ngày nay còn duy trì tên “xóm Hến” và các chuyện kể về lễ rước hến hàng năm(3).

Tên cổ Đà Ly và các dấu vết Chămpa

Theo địa bạ lập vào đầu thế kỷ 19, thì Phong Lệ có tên là Long Lệ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, thì có thể Long Lệ đổi thành Phong Lệ do kiêng húy Gia Long(4). Và trước khi có tên Long Lệ, làng có tên là Đà Ly(5). Tên làng Đà Ly là một trong số ít tên làng đã được ghi trong tập bản đồ vẽ vào thế kỷ 17 có tên “Giáp Ngọ niên bình nam đồ”(6 ).

Hiện nay tộc Phan của làng Phong Lệ còn giữ một tập phổ chí, có tên gọi “Đà Ly Đà Sơn nhị xã Phan tộc phổ chí”, trong đó ghi lời một vị tổ trong tộc cho rằng “ngã thị Chiêm chủng” (chúng ta thuộc tộc Chiêm)” (7).

Địa điểm tiến hành khai quật tháng 4-2011 tại phường Hòa Thọ Đông có tên gọi dân gian là “Cấm” và tên xứ đất trong cúng tế là “Gò Dàng xứ”.  Danh xưng “Cấm” và “Dàng” là một dấu vết Chămpa đã được Albert Sallet phân tích kỹ trong bài viết Les souvernirs Chams dans le folklore et les croyances annamites du Quang Nam(8).

Năm 1909, Henri Parmentier đã thống kê đươc hơn 20  hiện vật điêu khắc Chăm tại Phong Lệ. Parmentier đã nhận ra rất nhiều gạch từ phế tích Chăm được dùng để xây nhà trong khu vực đồn điền và kể cả dùng để lát một con đường dẫn ra bờ sông(9).

Hiện nay tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang bảo quản và trưng bày 10 hiện vật được chuyển về từ Phong Lệ từ đầu thế kỷ 20, trong đó có cả tượng tròn, phù điêu và trang trí kiến trúc(10).

Tầm vóc của 2 trụ cửa, tấm tympan Siva và chi tiết trang trí kiến trúc cùng với số lượng gạch khá lớn dùng để xây nhà và lát đường cho thấy tại Phong Lệ đã từng tồn tại các công trình kiến trúc Champa quy mô lớn(11).Đợt khai quật khảo cổ khẩn cấp gần đây do Bảo tàng Điêu khắc Chăm và Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện, đã phát lộ các dấu vết nền móng khẳng định sự tồn tại của một quần thể kiến trúc Chămpa có niên đại khoảng thế kỷ 10-11.

Ken dày các tầng văn hóa

Làng Phong Lệ là đất cực nam của châu Hóa thế kỷ 14, được chuyển giao từ Chămpa qua Đại Việt vào năm 1306, trong một thỏa ước tình cảm thông gia giữa hai vương triều. Gần 2 thế kỷ tiếp theo trở thành vùng giáp ranh tranh chấp cho đến năm 1471 thì thuộc hẳn về Đại Việt sau cuộc chinh phạt của vua Lê Thánh Tông(12).

Từ thế kỷ 16, 17 về sau với sự có mặt của các chúa Nguyễn và quyết tâm chọn phía nam Hoành Sơn làm đất dung thân muôn đời, vùng đất Quảng Nam được phát triển mạnh mẽ, trù phú. Đình làng Phong Lệ là một trong những đình làng lớn của Quảng Nam và cũng là địa phương có lễ hội mục đồng và Đình Thần nông nổi tiếng trong vùng.

Thế kỷ 19, những cư dân bản địa của Đà Ly – Phong Lệ đã hội nhập vào tầng lớp trí thức, quan lại của Đại Việt với nhiều người họ Ông đỗ đạt, làm quan, như Ông Thế Đính, đỗ cử nhân, làm tri huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), Ông Thọ Bình, cử nhân, tri huyện Đại Lộc (Quảng Nam), Ông Văn Điều, thư lại bộ Hộ…Và Ông Ích Khiêm, đỗ cử nhân, làm quan dưới triều Thiệu Trị và Tự Đức…

Ký ức tín ngưỡng thần thánh bản địa còn lưu dấu ở Phong Lệ. Ngay sát bên cạnh địa điểm khai quật khảo cổ kiến trúc Chămpa là một ngôi miếu nhỏ, nhân dân gọi là miếu Bà, được xây dựng vào năm Nhâm Tuất đời vua Tự Đức- tức năm 1864. Đến thế kỷ 20, hình ảnh và câu chuyện về “Bà” đã có phần pha trộn và mờ nhạt trong một cộng đồng dân cư mới. Một ngôi miếu thờ thần hoàng, thổ địa theo mô hình thờ tự và phong cách kiến trúc cận đại được xây dựng kề bên miếu Bà, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân.   

Khi đoàn công tác khảo cổ chuẩn bị mặt bằng để di chuyển đất từ các hố khai quật, chúng tôi bất ngờ bắt gặp những câu đối khảm bằng mảnh sứ trên ngôi mộ gần đó. Thông tin trên bia cho biết thế hệ các con xây dựng phần mộ cho mẹ, với câu đối trên thành mộ “Nan báo tam xuân thảo – Không hoài nhất phiến vân” (Cỏ khó báo đáp được nắng xuân. Chỉ còn nỗi nhớ suông qua một chòm mây). Vế đối thứ nhất lấy tứ trong bài thơ Du tử ngâm của Mạnh Giao. Vế thứ hai có nguồn gốc trong Kinh Thi và điển cố trong các bài văn tang lễ.
Câu đối đủ khiến chúng ta nhận ra ánh sáng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại lấp lánh bên nền móng kiến trúc Hindu giáo. Người ta gọi bán đảo Đông Dương là Indo-China, nghĩa là vùng đất nơi tiếp xúc của hai nền văn hóa lớn, Trung Hoa và Ấn Độ. Và chỉ trong mấy trăm mét vuông của làng Phong Lệ của Đà Nẵng tại miền Trung Việt Nam, mọi người có thể nhìn thấy các trực quan sinh động về một sự giao lưu, tiếp xúc và phát triển văn hóa giữa Trung và Ấn, giữa Chămpa và Đại Việt.

Con đường đi về quá khứ

Địa danh Cẩm Lệ, hiện nay được dùng làm tên quận, bản thân nó chứa đựng niềm tự hào và lòng yêu mến của cư dân đối với vùng đất mình đang sống. Có một vài cách giải thích về ý nghĩa của tên gọi Cẩm Lệ, trong đó một cách giải thích thuyết phục nhất là căn cứ vào tự dạng chữ Hán của  chữ “lệ” cho thấy đây là chữ “lệ” trong “lệ chi”, nghĩa là cây vải. Cẩm Lệ được dùng để chỉ một vùng đất có trồng loại cây vải quý. Hiện nay tại thôn Phong Bắc, trong các khu vườn gần khu vực khai quật khảo cổ, chúng tôi còn nhìn thấy những cây vải cổ thụ, xanh tốt (13).

Chung quanh gò đồi di chỉ Chămpa là một vùng ao rộng lớn, gọi là Ao Sen. Dân làng truyền nhau chuyện kể là người Chăm đã đào đất xây tháp để lại vùng đất trũng trồng sen. Hiện nay, mặc dù phần lớn đất ao đã bị san lấp, chúng ta cũng còn bắt gặp quanh vùng những ao nhỏ sót lại nở đầy hoa sen. Một ngôi chùa trong làng hiện nay còn lưu dấu tên gọi là chùa Liên Trì (liên trì tức ao sen). Hiện nay ở phường Hòa Thọ Đông, bên cạnh những bàu sen san lấp dở dang vẫn có những hộ gia đình làm nghề trồng hoa sen để bán làm cây cảnh.

Chúng tôi theo con đường ven sông mới mở nối dài gần như liên tục từ bờ sông Hàn tại Bảo tàng Chăm đến tận khu khai quật khảo cổ Phong Lệ. Dọc đường là những khu quy hoạch mới, những vườn rau ven sông và may thay, vẫn còn nhìn thấy sắc thắm từ những cành sen, một loại hoa sắp trở thành “quốc hoa”. Chợt nghĩ, nếu khu khai quật khảo cổ Phong Lệ được tiếp tục đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và phát huy, nơi đây có khả năng trở thành một loại “vườn khảo cổ” giữa lòng thành phố; và lúc đó có thể tự hào nói rằng Đà Nẵng không chỉ mở những con đường đi đến tương lai mà còn nối những con đường đi về quá khứ.

Võ Văn Thắng

1.  Parmentier, H. Catalogue du Musée Cam de Tourane, BEFEO XIX, 1919, tr 5.
2. Võ Văn Thắng, Lễ Thần nông và hát mục đồng ở làng Phong Lệ, Tạp chí Đất Quảng số 41/1986, tr 102-107.
3. Võ Văn Hòe, Địa chí văn hóa dân gian làng Phong Lệ, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2010, tr 69-75.
4. Trao đổi ý kiến qua email với tác giả.
5. Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Dinh Quảng Nam, tập I, Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2010, tr 218.
6.  Bửu Cầm và các tác giả, Hồng Đức Bản Đồ, Tủ sách Viện Khảo cổ, Bộ Quốc gia Giáo dục – Sài Gòn 1962, tr 148, 149.
7.  Võ Văn Thắng,  Một bản phổ chí nói về quan hệ Việt –Chàm, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất, Hà Nội 15-17/7/1998, Nxb Thế Giới, 2001, tr 496 -504.    
8. Bulletin des Amis du Vieux Hue, số 2 năm 1923,  tr 204-205.
9. Parmentier, H.  Inventaire descriptif des monuments Cam de l’Annam, tập I, Paris, 1909, tr 319 - 324.
10.  Phù điêu Siva múa (ký hiệu  15.3) đã được chọn tham gia trưng bày tại Pháp (2005-2006) và Hoa Kỳ (2009-2010)
11. Trong sách L’art du Champa et son évolutions, Toulouse 1942,  Phillippe Stern cũng có vẽ lại một trang trí kiến trúc bằng đá kích thước lớn, nguồn gốc Phong Lệ, và xếp vào phong cách Mỹ Sơn A1 (Bản vẽ 7 e)
12. Võ Văn Thắng, Vùng Quảng Nam - Đà Nẵng thế kỷ XIV –XV, Tạp chí Đất Quảng số 49/1987, tr 89 -94.
13. Thanh Tân, Dấu xưa Phong Lệ, Báo Đà Nẵng, ngày 20-6-2011, tr 3.
;
.
.
.
.
.