.

Lễ Khai tâm của học trò xưa

Trong một lần về thăm quê (Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình) vào dịp nghỉ hè, tôi được thầy giáo Vĩnh, một thầy giáo dạy Văn đã nghỉ hưu đưa cho đọc tập Hồi ký của cụ Tú Sách. Tập hồi ký viết bằng chữ Quốc ngữ, dù đã nhuốm màu thời gian nhưng nét chữ vẫn còn rất rõ ràng, dễ đọc. Nội dung tập sách kể lại những ngày đi học chữ Nho của các vị tú tài Hán học cuối cùng ở làng tôi. Có một đoạn nói về “Lễ khai tâm” một thời ở vùng quê.

“Ngày trước, làng tôi không có trường do Nhà nước mở, chỉ có một lớp dạy chữ Nho tại gia. Người dạy là cụ Đồ Tải. Vì nghèo, trong làng không mấy nhà cho con học đến nơi đến chốn, nhưng nhiều nhà cũng gắng cho con đến theo học cụ Đồ Tải khi các em bước vào tuổi lên sáu, lên bảy. Ngày các em lần đầu đến lớp học là một ngày vui của cả gia đình… Đến bây giờ, dù đã ngoài bảy mươi tuổi, tôi vẫn còn nhớ rõ ngày được cha dẫn tới nhà cụ đồ xin học.

Ngày ấy, cả nhà dậy rất sớm. Cha tôi thắp hương lên bàn thờ cáo yết với tổ tiên, kính mong tổ tiên giúp cho con cháu học hành tấn tới. Mẹ mặc cho tôi bộ quần áo lành lặn, sạch sẽ nhất. Bà đưa tôi ra tận ngõ, rồi ôm lấy tôi, dặn tôi ngoan ngoãn vâng lời thầy dạy bảo. Tôi nghe giọng mẹ có gì nghèn nghẹn…

Nắm chặt tay cha, tôi khép nép bước theo cha vào nhà cụ Đồ Tải. Cha tôi cung kính đặt cái khay nhỏ đựng cút rượu, cơi trầu, phong bánh lên bàn và nói với cụ đồ: “Bẩm thầy, năm nay cháu Thiện đã sáu tuổi tròn. Gia đình xin cụ cho cháu học để kiếm dăm ba chữ làm người…”.  Quay sang phía tôi, cha tôi bảo: “Từ giờ này, con đã là học trò của cụ đồ. Con phải lễ phép với thầy và chăm chỉ học hành. Tiên học lễ, hậu học văn đó con…”.

Cụ Đồ Tải tiễn cha tôi ra cửa rồi dẫn tôi tới bàn học - nơi đã có mấy cậu học trò nhỏ đến trước tôi, ngồi học. Cụ đưa cho tôi cuốn vở mỏng và bắt đầu dạy chúng tôi học chữ đầu tiên…”.

Ngày nay, trường học ở nước ta không vùng quê nào là không có. Hằng năm, ngày 5 tháng 9 là ngày hội lớn của ngành Giáo dục, “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Học sinh các cấp học, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến thôn quê được sống trong không khí đầy niềm vui… Những gì tốt đẹp nhất mà gia đình, nhà trường và xã hội có thể dành cho các em đang chờ đợi các em ở phía trước… Hôm qua cũng như hôm nay, đều vậy.

Trần Hoàng
;
.
.
.
.
.