.

Mẹ ở đâu?

.
Trong cái lạnh se sắt tháng Giêng, trên đường đi làm buổi sáng, chị Nguyễn Thị Huệ, tổ 21, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu thấy người ta vây quanh một đứa bé chưa rụng rốn, cuộn trong chiếc khăn lông cũ mềm, chỏng chơ, bé bỏng trên vỉa hè đường Quang Trung. Mỗi người một câu bình phẩm. Người thương cảm. Kẻ phẫn nộ. Rồi mỗi người mỗi ngả.

Trên đường, trong bệnh viện, ở… nghĩa trang

Mô tả ảnh.
Em bé Hòa Khương được tìm thấy ở nghĩa trang trong tình trạng thoi thóp, mất một bàn tay và bị down.
Duyên số nào đó đã khiến chị Huệ không đành lòng bỏ đi. Chị gọi con gái mình từ Liên Chiểu đi xe ôm xuống phụ chị ẵm em bé về. Chị bảo, lúc đó chỉ nghĩ là phải cứu sống đứa bé, nên tất tả quấn thêm khăn, lấy tấm bìa các-tông che gió chạy về. Chị chạy vội ra chợ mua sữa, mua tã lót và vài vật dụng cần thiết cho bé. Có cặp vợ chồng hiếm con đến xin, “bù” tiền, chị cũng không chịu vì sợ “ít bữa họ sinh con được, họ hắt hủi nó thì sao”. Bà con lối xóm ai cũng bảo chị “khùng”, vì đã thuộc diện nghèo, một thân một mình nuôi hai con đi học, giờ lại vương mang thêm một miệng ăn. Nhưng lòng trắc ẩn giúp chị vượt qua, bé Nguyễn Hoàng Minh Đức, giờ đã được 6 tháng tuổi. Bụ bẫm, kháu khỉnh. Hiện chị vẫn chưa làm được khai sinh cho bé, vì phía UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết phải xác minh và làm nhiều thủ tục cần thiết trước khi quyết định cấp khai sinh cho một em bé “không rõ lai lịch”.

Bỏ rơi con mình khi nó còn đỏ hỏn không còn là chuyện hy hữu. Dăm bữa, nửa tháng, lại nghe trên báo, đài thông báo trẻ sơ sinh bị bỏ trước cổng trạm y tế, bệnh viện, trung tâm từ thiện… Bỏ trẻ ở nơi dễ thấy như thế còn là điều may mắn. Bé Hòa Khương lúc mới sinh đã bị túm trong bao nilon và đem quăng ở nghĩa trang. Bà con trông thấy em trong tình trạng thoi thóp, bị mất một bàn tay, liền mang về cho Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) thành phố Đà Nẵng. Cái tên em được đặt để ghi dấu nơi mình được tìm thấy.

Những bà mẹ sinh viên

Dù chưa có con số thống kê chính xác về số trẻ em bị bỏ rơi đây đó, nhưng hầu hết những người làm công tác tiếp nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đều nhìn nhận rằng, tình trạng này ngày càng gia tăng. Nhiều người trong số những bà mẹ bỏ con là sinh viên.

Ông Nguyễn Quang Bi, Phó Giám đốc TTBTXH kể lại: Cách đây hơn một năm, hai cô sinh viên, một người Quảng Bình, người kia Bến Tre, nai nịt gọn gàng để che bụng bầu 8 tháng đến xin tá túc tại TTBTXH, sau khi được sự giới thiệu của Sở LĐ-TB & XH Đà Nẵng. Sinh con được 1 tháng, họ dứt áo ra đi mà chưa một lần quay lại. Tình mẫu tử trong một tháng ròng chăm bẵm đứa con thơ cũng không đủ sức níu kéo họ.

Làng trẻ em SOS Đà Nẵng cũng từng tiếp xúc với nhiều bà mẹ sinh viên, vì lỡ có con với người đã có gia đình nên mang đến đây “gởi” để đi tìm cuộc đời mới. Chị Lê Thị Thu Hà, Phó Giám đốc nói rằng, khi xã hội trở nên thoáng hơn với việc có con ngoài hôn nhân, thì việc sinh viên quan hệ tình ái, có con, “nhắm” không nuôi được con rồi bỏ con chỗ này, chỗ nọ trở nên thường xuyên hơn. Những người như chị Hà, ông Bi…, và cả chính tôi đều nghĩ rằng, họ quá trẻ, sự lầm lỡ và mong muốn quên đi quá khứ để làm lại cuộc đời của họ hoàn toàn đáng thông cảm. Nhưng khi được thông cảm, họ có quyền tước bỏ đi quyền thiêng liêng và cơ bản nhất của bé thơ: quyền được mẹ ôm ấp, yêu thương hay sao?

Tình mẹ không gì thay thế

Mô tả ảnh.
Bé Minh Đức giờ được sống trong vòng tay yêu thương của chị Huệ.
Khi đứng trước hàng chục em bé bị bỏ rơi từ thuở sơ sinh không thể đi đứng, không nói năng được, và quặt quẹo, héo hắt người vì những chứng bệnh quái ác như bại não, não úng thủy, tim bẩm sinh, down…, bao nhiêu người như không dừng lại ở cảm giác của sự động lòng trắc ẩn mà như thắt ruột xót xa.

Em nhỏ nhất chỉ vài tháng tuổi. Có em đã trú ngụ tại TTBTXH từ hồi mới lọt lòng đến 17, 18 tuổi mà tay chân khẳng khiu như cành củi khô. Có em quặt người cong như một cây cung. Có em giấu đằng sau gương mặt rất xinh xắn, đôi mắt to đen lay láy một nỗi buồn vô hạn về thân phận và nỗi tật nguyền mà không thể nói nên lời, không thể tỏ bày cảm xúc...

Nhưng trong khi bị chính mẹ ruột mình từ bỏ, thì ở những nơi này, TTBTXH, Làng SOS, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi (TTNDTMC) thành phố Đà Nẵng…, các bé lại được những cô bảo mẫu không ruột không rà giang tay đón nhận. Với họ, công việc chăm sóc, nuôi dưỡng các em không chỉ bằng trách nhiệm, mà với cả một tấm lòng yêu thương như trời bể.

Ở TTNDTMC, Giám đốc Trần Thị Nhì kể về những đêm chết lặng trong bệnh viện khi nghe tin một em bé ra đi, hay mừng vui hân hoan vì một em được hồi tỉnh. Nhiều bữa bà và chị em phải chạy đi mua hòm lúc 3 giờ sáng mà người “như đã chết rồi”. Nhưng dù cho bé thơ có nhận được tình thương vốn xuất phát từ lòng trắc ẩn quý giá kia, thì tình mẹ vẫn là thứ không thể so sánh và thay thế.

Những người phụ nữ đã bỏ con, không biết khi để lại sau lưng đứa con rứt ruột mới sinh ra, họ có phải cay đắng gạt dòng nước mắt như một lời tạ lỗi? Và khi trút bỏ một gánh nặng, liệu họ có thực sự tìm thấy niềm thanh thản trong cuộc sống?

Phóng sự của HẰNG VANG









;
.
.
.
.
.