Gần đây nhất, công trình Ca nhạc bài chòi và Ca nhạc kịch hát bài chòi (NXB Đà Nẵng) do ông biên soạn, sau khi đoạt Giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2009), đã được tặng Giải B - Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật TP. Đà Nẵng lần thứ 2 (2005-2010). Dịp này, ông dành cho ĐNCT cuộc trò chuyện:
* Trước hết, xin ông có thể giới thiệu đôi nét về nội dung của tác phẩm Ca nhạc bài chòi và Ca nhạc kịch hát bài chòi?
- Nội dung của “Ca nhạc bài chòi và Ca nhạc kịch hát bài chòi” chủ yếu nói về sự phát triển của bài chòi qua các giai đoạn, từ trò chơi bài chòi mà ca kịch bài chòi ra đời, đặc biệt là những thể nghiệm được hình thành từ nhu cầu phục vụ công chúng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cụ thể, sách gồm có hai phần. Phần đầu “Từ đất lên giàn” (1934-1945), tức đầu tiên các nghệ nhân ngồi trên chiếu trải dưới đất, còn người nghe đứng xung quanh, nhưng về sau các nghệ nhân ngồi trên một giàn gỗ dựng cao, từ việc hô bài chòi, tiến lên hình thành giai điệu, từ những câu lục bát, nâng lên thành bài dài... Những vở bài chòi từ “đất lên giàn” đầu tiên vẫn là các vở quen thuộc như Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lưu Bình - Dương Lễ, Tam hạ nam đàng... Từ năm 1934, nghệ thuật hô diễn bài chòi chính thức ra mắt công chúng trên sân khấu ở Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước). Đến năm 1936 trở về sau, có thêm nhiều gánh bài chòi được thành lập và đều do nhiều nghệ sĩ có tài năng hô diễn phụ trách.
Tác phẩm “Ca nhạc bài chòi và Ca nhạc kịch hát bài chòi” của nhạc sĩ Trương Đình Quang. |
* Thưa ông, vị trí của nghệ thuật bài chòi trong đời sống hiện nay ra sao?
- Hiện nay, cũng như số phận phần lớn các loại hình sân khấu kịch hát dân tộc (ca kịch Huế, kịch Quan họ, kịch ví dặm..), ca nhạc bài chòi đang ở giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng mừng, gần đây, ở phía Nam, GS.TS Trần Văn Khê đã có nhiều chú tâm, dành các buổi nói chuyện chuyên đề giới thiệu về ca nhạc bài chòi. Ở Bình Định, nhiều anh chị em cũng có các hoạt động để khôi phục, phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Nhiều hy vọng hơn cả, là tại Hội An, suốt nhiều năm qua, có thể nhìn thấy rõ với sự đóng góp nhiệt tình của anh chị em Lương Đáng, Ngọc Huệ, Thu Hương...
Ban đầu thì Hội An tính chơi bài chòi vào những đêm thứ bảy thôi, nhưng hiện nay dân chúng Hội An tham dự rất đông. Sự tham dự của người dân Hội An như vậy nói lên được sức sống mãnh liệt của loại hình này và nó vẫn còn phù hợp với thị hiếu công chúng cho dù thành thị hay thôn quê. Đến mức, có lần nhạc sĩ Phạm Tuyên nói rằng: “Hội An không phải là nơi sinh ra bài chòi nhưng ai cũng muốn đến Hội An để nghe hô bài chòi. Điều đó cho thấy Hội An có cách làm hay!”. Tôi mong sao, sẽ có thêm nhiều nơi, nhiều người quan tâm hơn nữa trong việc giữa gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Việc tìm tòi, sáng tạo cho các bộ môn nghệ thuật cổ có được một hình thức mới, một hơi thở mới luôn là điều đáng trân trọng và cần được ủng hộ. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong khi tìm cách phát triển một bộ môn nghệ thuật thì không nên làm cho nó bị biến chất.
* Ông đã dành rất nhiều thời gian cho công trình này. Giờ, đã ngoài tuổi 80, được biết, ông vẫn tiếp tục dành nhiều tâm sức cho công việc…
- Từ khi tập kết ra Bắc (1954), ngay khi được bố trí vào Đoàn Văn công Liên khu 5, phụ trách ở bộ phận ca múa nhạc, là tôi đã lo cầm bút ghi chép, biên soạn về bài chòi. Cứ như thế, đồng hành cùng sân khấu Bài chòi đến tận ngày nay, tác phẩm của tôi đã ra đời trong khoảng thời gian. Hiện nay, cùng sự phối hợp biên soạn của nhà nghiên cứu Đinh Thị Hựu, chúng tôi vừa hoàn thành tập sách “Bài chòi xứ Quảng”. Đây là công trình sưu tập về lời những bài chòi cổ. Trong đó bao gồm những nội dung về: Trò chơi bài chòi, diễn xướng bài chòi, đặc điểm nội dung và thi pháp của lời ca bài chòi... Sách đang được Hội Văn nghệ Dân gian chuẩn bị ấn hành trong thời gian đến. Ngoài ra, tôi cũng vừa hoàn chỉnh tác phẩm “Tai nghe trống chiến, trống chầu”, viết về hát bộ…
Sở dĩ có tên gọi bài chòi vì người chơi ngồi trên chòi. Đây là những căn chòi nhỏ cất vội vàng trước khi tổ chức lễ hội. Những chiếc chòi con này thường nằm trên một khoảnh đất rộng, hoặc sân đình, sân chợ. Nội dung các câu hát sử dụng trong hội bài chòi đều mang ý nghĩa nhân văn và có tính giáo dục cao (nét khác biệt căn bản để có thể phân biệt hội bài chòi với các trò cờ bạc khác). Các câu hát được sử dụng ở đây thường nói về tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tình phụ mẫu, tình phu thê, đề cao những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của con người, phê phán những tệ nạn xã hội, những tập tục lỗi thời, lạc hậu... Hình thức vui chơi này không chỉ có ý nghĩa giải trí đơn thuần. Có thể coi hội bài chòi chính là một sân khấu trình diễn của làn điệu dân ca đặc trưng khu nam (Nam Trung Bộ). Hiện nay trò chơi bài chòi đã vắng bóng ở nhiều vùng nông thôn Nam Trung Bộ. Làn điệu dân ca bài chòi hầu như chỉ còn tại Bình Định, Quảng Ngãi hay Hội An. |
TRẦN TRUNG SÁNG